Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Bác sỹ 28 năm đỡ đẻ cho sản phụ nhiễm HIV/AIDS

Bác sỹ 28 năm đỡ đẻ cho sản phụ nhiễm HIV/AIDS

Hơn 28 năm gắn bó với nghề, Th.BS Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng C3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không nhớ đã bao lần thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân HIV/AIDS. Những ca đỡ đẻ thông thường cũng khác hẳn với ca đỡ cho sản phụ tại đây. Ca mổ cho sản phụ HIV thường diễn ra lâu hơn so với bình thường, đòi hỏi bác sỹ phải thận trọng, mọi thao tác đều phải thực hiện chậm hơn.

Thách thức lớn đối với các y bác sỹ khoa sản

"Thay vì đeo một đôi găng tay như thông thường, chúng tôi lồng 3 lần găng tay, mặc áo mưa trong phòng mổ, đeo kính bảo hộ để tránh dịch ở bệnh nhân bắn ra. Thế nên, trong phòng mổ, chúng tôi hay đùa với nhau rằng “trời không mưa mà mặc áo mưa”, bác sĩ Lê Thế Vũ nói. 

Nếu thời gian chuyển dạ càng kéo dài càng ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang khi chuyển dạ là 50% nên ngoài bảo đảm an toàn cho người mẹ, việc giữ an toàn cho trẻ khi sinh cũng rất quan trọng. Người bác sỹ tuyệt đối không để đứa trẻ bị xây xước khi đỡ. Trường hợp đòi hỏi tốc độ nhanh chóng cũng phải xử lý từng bước kỹ lưỡng để tránh nguy cơ phơi nhiễm. Đây là thách thức rất lớn đối với các y bác sỹ của khoa.

Nói về những rủi ro trong công việc, các y bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, cán bộ y tế làm việc trong môi trường đỡ cho bệnh nhân HIV/AIDS, truyền nhiễm thì nguy cơ phơi nhiễm không chỉ với HIV mà tất cả các bệnh truyền nhiễm. Có thể nói khoa Sản là nơi nguy cơ phơi nhiễm HIV cao nhất khi phải khâu tầng sinh môn, mổ, tiếp xúc liên tục với máu, nước ối, dịch tiết… Chỉ một sơ xuất nhỏ trong công việc cũng có thể gặp rắc rối.

“Công việc có tính rủi ro cao không có nghĩa là mình sợ, bỏ mặc bệnh nhân. Hạnh phúc lớn nhất của bác sỹ sản là giúp mẹ tròn con vuông. Chúng tôi đối diện và làm tốt nhất có thể. Hơn nữa khi biết đặc thù việc mình làm sẽ có chủ động phòng hộ tốt hơn. Với sản phụ có bệnh và chính họ vốn đã tự mặc cảm rất nhiều nên mình không tế nhị, họ dễ cảm nhận mình bị kỳ thị, phân biệt. Việc thiếu tôn trọng, miệt thị hay bỏ rơi sản phụ là điều chúng tôi không được phép nghĩ đến”, Ths Lê Thế Vũ chia sẻ.

Không những thế, y bác sỹ ở đây không ít lần phải "đứng tim" vì người bệnh, người nhà của sản phụ. Có những bệnh nhân cả vợ chồng đều nghiện ma túy, nhiễm HIV, nhiều hôm họ phê thuốc mà “phá” bác sỹ. Những lúc này, họ thường rất bất cần nên nhiều khi bác sỹ phải nịnh bệnh nhân. Trong khoa còn có bác sỹ trong khi mổ lấy thai, máu bắn vào mắt. Trường hợp khác lại còn bị máu của sản phụ bắn tung tóe lên người… Những tai nạn luôn rình rập và biết rõ rất khó tránh nhưng những bác sỹ, nhân viên y tế được phân công, công tác tại đây đều không từ chối nhiệm vụ được giao.

Ngoài việc thường xuyên đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp, y bác sỹ làm việc ở Khoa C3, bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn thường xuyên bị ám ảnh bởi những câu chuyện đau lòng của những người nhiễm HIV. Trong năm 2018, Khoa đã tiếp nhận và đỡ cho 62 trường hợp sản phụ nhiễm HIV. Chỉ riêng trong tháng 11 đã có 11 ca vào sinh. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận.

Với một người phụ nữ đang có cuộc sống bình thường, bỗng chốc nhận “bản án tử hình”, biết mình mang căn bệnh thế kỷ thật khó chấp nhận. Nhưng người phụ nữ đang mang trong mình một mầm sống mới hay tin nhiễm HIV, nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội. Có bệnh nhân suy sụp tới mức ngất xỉu sau khi nghe báo kết quả dương tính với HIV… Hạnh phúc chờ giây phút chào đón đứa con chào đời với những người phụ nữ này nhanh chóng chuyển sang nỗi lo lắng. Họ lo sợ tương lai mờ mịt phía trước, liệu đứa trẻ có được sống như những người bình thường, đủ sức mạnh để chống chọi với căn bệnh không.

Như chuyện về một cô gái trẻ ở Hải Dương bị lây nhiễm từ người chồng và chỉ phát hiện sự thật khi chị vào sinh con đầu lòng. Đó cũng là lúc chị vỡ lẽ ra sự thật rằng chồng biết bệnh nhưng không hề nói cho chị. Vì không biết để phòng về mà cô gái trẻ không uống thuốc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con nên khi biết mình mang căn bệnh thế kỷ, người mẹ trẻ đã không thể vượt qua được sự khủng hoảng.

Đau lòng hơn cả là gia đình không biết con trai lây sang cho vợ mà đổ hết tội xuống con dâu rồi làm ầm ĩ ở khoa. Họ cũng chẳng quan tâm chăm sóc cho cô dù vừa mới sinh. Vậy là, y bác sỹ ở khoa lại phải nhẹ nhàng phân tích cụ thể với các bằng chứng rõ ràng về nguồn lây bệnh để gia đình thấy rằng người có lỗi ở đây chính là anh chồng.

Cần sự cảm thông để vững vàng vượt cạn

Một câu chuyện khác cũng khiến các bác sỹ ở khoa nhớ mãi. Đó là một bệnh nhân ở Sơn La được phát hiện bị ung thư cổ tử cung và các xét nghiệm trước phẫu thuật lại treo thêm cho chị một án tử là mang HIV. Khi biết tin, mẹ của cô đã nhất định không xuống chăm sóc con, cô gái trẻ ấy chỉ lủi thủi một mình trong suốt những ngày hậu phẫu. Mọi người ở trong khoa phải cho cả tiền ăn, sinh hoạt…

Những người nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ mang thai nhiễm HIV, hơn lúc nào hết họ cần người thân bên cạnh để vững vàng vượt cạn, ổn định tâm lý. Nhưng theo bác sĩ Lê Thế Vũ, điều đáng buồn nhất là nhiều trường hợp sản phụ nhiễm HIV bị chính người nhà của họ xa lánh. Sự chăm sóc của người nhà với sản phụ ít hoặc không có, thậm chí họ phó mặc cho bác sỹ. Cảm thương cho số phận của sản phụ, những người bác sỹ lại thay người nhà sản phụ mua cơm hay cùng nhau đóng góp khoản tiền nhỏ giúp đỡ phần nào chi phí sinh hoạt cho họ.

Sự phân biệt đối xử, kỳ thị khiến những người nhiễm HIV/AIDS lo ngại, tiết lộ than phận, chính điều này khiến không ít người muốn giấu giếm bệnh tật với cả chồng, gia đình tới cùng rất nguy hiểm cho người nhà. Họ có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào nếu không biết cách bảo vệ mình.

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV không có nghĩa là sinh con cũng sẽ nhiễm HIV, người phụ nữ mang thai cần chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm phát hiện HIV sớm và được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh việc chăm sóc thai nghén như bao bà mẹ khác, nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con từ 90-95%.

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ: Mang thai, khi sinh và cho con bú qua sữa mẹ. Các nghiên cứu cho thấy, khi điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, sinh nở an toàn và nuôi con an toàn, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn 2%. Nhưng nếu không có các can thiệp giảm thiểu lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nguy cơ mẹ lây truyền HIV sang con có thể từ 25-40%.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, cứ 100 trẻ sinh ra từ các mẹ nhiễm HIV nếu không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30-35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Trong khi đó nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5%, như vậy 100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3-5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cũng đã khẳng định, nhờ sự phát triển của công tác điều trị, phòng, chống mà tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 5%. Do đó, người mẹ nhiễm HIV có thể sinh con hoàn toàn bình thường.

Nguồn: http://tiengchuong.vn/Nhung-tam-long-vang/Bac-sy-28-nam-do-de-cho-san-phu-nhiem-HIVAIDS/32187.vgp

Tổ Truyền thông