Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Ca sinh đôi "cùng mẹ, khác cha" đầu tiên ở Việt Nam: Chuyện gì đã xảy ra?

Ca sinh đôi

Câu chuyện lạ lùng này hoàn toàn có thể xảy ra, TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ với PV Gia đình & Xã hội.

Dư luận đang xôn xao về trường hợp 2 bé gái sinh đôi ở Hòa Bình nhưng lại là con của hai ông bố khác nhau.

Cụ thể, trước Tết, một người đàn ông 34 tuổi (trú tại Hòa Bình) do thấy hai người con gái song sinh của mình không hề giống nhau, và một bé không có ngoại hình giống người đàn ông này.

Mang nỗi nghi ngờ, ông đã tới Trung tâm phân tích ADN và di truyền Hà Nội để kiểm tra. Kết quả, một trong hai bé không phải con của ông.

Để “chắc ăn”, loại trừ trường hợp trao nhầm con trong bệnh viện, người mẹ của cặp song sinh này cũng đã tới Trung tâm để xét nghiệm ADN và kết quả phân tích ADN khẳng định cả hai đứa con là do một mẹ đẻ ra.

Như vậy là, hai bé gái dù song sinh, sinh ra cách nhau vài tiếng, nhưng lại là con của hai ông bố khác nhau.

BS Lê Thị Kim Dung, nguyên BS Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hiện là Trưởng khoa Sản – Trung tâm Y tế lao động (Thái Hà, Hà Nội) cho biết đây là trường hợp đầu tiên bà biết đến. Ở Việt Nam chưa từng ghi nhận trường hợp này. Dù về góc độ chuyên môn, việc này hoàn toàn có thể xảy ra.

TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, có những ca song sinh nhưng là con của hai ông bố khác nhau. Nó xảy ra khi người phụ nữ đó rụng 2 quả trứng/chu kỳ, được thụ tinh bởi 2 dòng tinh trùng khác nhau.

Lý giải cụ thể hơn, BS Dung cho hay, thông thường mỗi phụ nữ chỉ rụng 1 trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên có những trường hợp cá biệt, rụng trên 1 quả trứng trong 1 chu kỳ vào những thời điểm khác nhau.

Khi đó nếu người phụ nữ quan hệ với hơn một đối tác, mỗi trứng có thể được thụ tinh bởi một người đàn ông khác nhau, dẫn đến sinh đôi khác bố.

Theo BS Dung, thời gian để thụ thai song sinh trong tình huống này chỉ cách nhau vài ngày, ở hai thời điểm khác nhau, với hai người khác nhau.

Chuyện song sinh nhưng là con của 2 ông bố đã từng xảy ra vào năm 2011 tại Đan Mạch. Cặp song sinh chào đời cách nhau chỉ 48 phút. Điều kỳ lạ là mẹ của 2 bé không biết hai đứa con sinh đôi lại là con của 2 người đàn ông khác nhau (một là chồng cũ, một là bạn trai hiện tại).


Hai cậu bé Đan Mạch này là anh em sinh đôi, cùng mẹ nhưng khác bố.

Hai cậu bé Đan Mạch này là anh em sinh đôi, cùng mẹ nhưng khác bố.

Cho đến khi vài tuần sau sinh, cô nhận ra hai bé có sự khác biệt, gia đình quyết định cho các bé xét nghiệm ADN và sự thật là như vậy, hai bé là con của 2 ông bố khác nhau.

Các bác sĩ cho rằng, cặp song sinh được thụ thai ở cùng thời điểm, dù mẹ các bé đã quan hệ với hai ông bố ở hai thời điểm khác nhau. Có thể tinh trùng từ ông bố đầu tiên đọng lại ở vòi trứng, nơi nó có thể ẩn náu từ 3 - 4 ngày.

Sau đó, khi người mẹ quan hệ với người đàn ông thứ hai và phóng ra 2 trứng, sẽ được thụ tinh bởi tinh trùng của hai người đàn ông khác nhau.

Thế giới hiện mới ghi nhận 3 trường hợp “anh em bán phần” như vậy, với tỷ lệ một phần tỷ.

Năm 2014, tại Việt Nam, một trường hợp hi hữu trong sản khoa được ghi nhận là một người mẹ mang song thai nhưng hai đứa con chào đời cách nhau tới tận… 29 ngày.

Đó là chị Lù Thị Biên, 27 tuổi, dân tộc La Chí, thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ngày 4/5/2014, chị đã sinh một bé trai nặng 2,3kg. 29 ngày sau, chị lại tiếp tục sinh thêm một bé gái. Câu chuyện này được Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Hoàng Su Phì, bà Hà Thị Thúy khi trao đổi với PV Báo GĐ&XH đã khẳng định là chuyện rất kỳ lạ nhưng chính xác.

Theo BS Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàng Su Phì, trường hợp song thai của sản phụ Biên là khác bọc ối, bánh rau riêng nên dù một thai nhi được sinh ra trước 13 ngày rồi, thai nhi còn lại trong bụng vẫn phát triển bình thường.

Nguồn:

http://giadinh.net.vn/y-te/ca-sinh-doi-cung-me-khac-cha-dau-tien-o-viet-nam-chuyen-gi-da-xay-ra-2016030222400443.htm

https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2743062

Hà Trang - Tổ Truyền thông