Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Thông tin thuốc – Bản tin Dược lâm sàng số 3 năm 2019

Thông tin thuốc – Bản tin Dược lâm sàng số 3  năm 2019

Khoa Dược xin cung cấp trích dẫn thông tin thuốc cập nhật theo nguồn tin canhgiacduoc.org.vn - trang thông tin thuốc của Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI

            KHOA DƯỢC

 THÔNG TIN THUỐC

BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG SỐ 3 NĂM 2019

Kính gửi: Các Trung tâm, Khoa, Phòng thuộc Bệnh viện.

          Khoa Dược xin cung cấp trích dẫn thông tin thuốc cập nhật theo nguồn tin canhgiacduoc.org.vn - trang thông tin thuốc của Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

Sử dụng Metronidazol ở phụ nữ cho con bú

         Metronidazol hiện vẫn là lựa chọn ưu tiên trong điều trị nhiễm khuẩn vi khuẩn kỵ khí. Trước đây, thuốc này bị chống chỉ định ở phụ nữ cho con bú do khả năng gây độc trên di truyền và gây đột biến ở vi khuẩn, gây ung thư trên một số động vật thí nghiệm và có thể gây đột biến trên người. Quan ngại này dẫn đến khuyến cáo về việc ngừng cho con bú trong 12-24 giờ sau khi sử dụng liều đơn của Metronidazol 2g qua đường uống để điều trị nhiễm Trichomonas của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) [2]. Tuy nhiên, một tổng quan toàn diện về các nguy cơ này đã cho thấy, không có bằng chứng rõ ràng từ cả nghiên cứu in vitro lẫn in vivo về nguy cơ gây đột biến và gây ung thư của Metronidazol trên người. Các tác giả của một tổng quan khác cũng nhận định, các quan ngại trước đây về thuốc này hơi quá mức và việc sử dụng ngắn ngày Metronidazol cho người mẹ trong thời kỳ cho con bú vẫn chấp nhận được mà không cần ngừng cho con bú [1].           

         Dữ liệu về việc sử dụng Metronidazol đường tĩnh mạch tương đối hạn chế. Các tác giả cho rằng nồng độ Metronidazol trong sữa mẹ cao có thể làm sữa có vị đắng và trẻ ít bú mẹ hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết và không có bằng chứng y văn xác thực. Mặc dù vậy, cũng có tài liệu cho rằng điều này có thể liên quan đến tác dụng bất lợi điển hình của thuốc này, với cảm giác có vị kim loại trong miệng thường gặp khi sử dụng Metronidazol ở liều điều trị thông thường [1]. 

        Nhìn chung, không có bằng chứng chứng minh chính xác nguy cơ gây đột biến và ung thư trên trẻ bú mẹ có mẹ điều trị bằng Metronidazol ngắn ngày theo bất kỳ đường dùng nào của thuốc [1]. Để thận trọng tối đa, việc sử dụng thuốc không cần thiết vẫn nên tránh hoặc người mẹ ngừng cho con bú trong 12-24 giờ sau khi dùng thuốc để thuốc thải trừ khỏi cơ thể [2], [3]. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, việc sử dụng Metronidazol theo đường uống với liều 500mg x 3 lần/ngày trong 7-10 ngày hoặc kể cả liều cao, 2g/ngày x 3 ngày vẫn có thể chấp nhận được ở phụ nữ cho con bú. Việc sử dụng Metronidazol theo đường tĩnh mạch có thể cho nồng độ trong huyết thanh người mẹ và nồng độ trong sữa mẹ tương tự khi thuốc sử dụng theo đường uống. Do đó, việc truyền tĩnh mạch Metronidazol ngắn ngày cũng có thể chấp nhận được ở phụ nữ cho con bú.

        Các tác dụng bất lợi ở trẻ bú mẹ có mẹ sử dụng Metronidazol nhìn chung hiếm gặp và không nặng nề, bao gồm, phân lỏng, nhiễm Candida hoặc không dung nạp lactose. Tuy nhiên, các thông tin về liều dùng, đường dùng của Metronidazol và mối quan hệ nhân quả giữa thuốc và biến cố xảy ra ở các trẻ này đều chưa rõ ràng. Có báo cáo cho rằng trẻ không chấp nhận bú mẹ khi mới bú có thể do vị đắng/vị kim loại của chất chuyển hóa của Metronidazol làm ảnh hưởng đến dòng sữa đầu của mẹ. Tuy nhiên, vấn đề này không quá nghiêm trọng và chưa có bằng chứng y văn chứng minh [1].

         Hiện chưa có bằng chứng liên quan đến việc phơi nhiễm Metronidazol ở đối tượng trẻ sinh non bú mẹ. Vì vậy, hết sức thận trọng khi sử dụng Metronidazol ở bất kỳ đường dùng nào cho bệnh nhân nữ đang cho trẻ sinh non hoặc nhẹ cân hoặc trẻ có suy giảm chức năng gan, thận bú mẹ [1].

Tài liệu tham khảo:

  1. U.K. National Health Service (2016), UK Medicines Information (UKMi) pharmacists for NHS healthcare professionals, Metronidazole-is it safe to use during breastfeeding.
  2. American Academy of Pediatrics Committee on Drugs (2001). The transfer of drugs and other chemicals into human milk. Pediatrics;108:776–789.
  3. Gerald G. Briggs, Roger K. Freeman, Sumner J. Yaffe (2011). Drugs in Pregnancy and Lactation: A Reference Guide to Fetal and Neonatal Risk, 9th, Lippincott Williams & Wilkins.

                                                                             Hà nội, ngày 1  tháng 7  năm 2019               

                                                                                      TỔ THÔNG TIN THUỐC