Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng phương pháp mới phát hiện ung thư cổ tử cung

Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng phương pháp mới phát hiện ung thư cổ tử cung

Bộ Y tế đã cho phép BV Phụ sản Hà Nội lần đầu tiên triển khai thí điểm phương pháp “Ứng dụng kỹ thuật quang điện TruScreen trong phát hiện ung thư cổ tử cung” tại Việt Nam.

Ngày 1/8, Bộ Y tế cho biết, Bộ vừa có công văn số 3666/BYT-KCB về việc cho phép BV Phụ sản Hà Nội triển khai thí điểm phương pháp “Ứng dụng kỹ thuật quang điện TruScreen trong phát hiện ung thư cổ tử cung”.

Trước đó, Bộ đã nhận hồ sơ của BV Phụ sản Hà Nội đề nghị cho phép ứng dụng phương pháp mới này. Căn cứ theo các quy định pháp luật và sau khi họ Hội đồng chuyên môn thẩm định hồ sơ, Bộ Y tế quyết định cho phép BV Phụ sản Hà Nội thí điểm phương pháp “Ứng dụng kỹ thuật quang điện TruScreen trong phát hiện ung thư cổ tử cung”. Số lượng ca áp dụng thí điểm là 1.000 trường hợp.

Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, BV Phụ sản Hà Nội báo cáo kết quả và quy trình kỹ thuật đã được xây dựng về Bộ Y tế để được xem xét và cho phép BV triển khai chính thức phương pháp này.

Cũng theo quyết định, trong quá trình thực hiện thí điểm, BV Phụ sản Hà phải thực hiện đúng quy định chuyên môn và chịu trách nhiệm về tính an toàn của phương pháp này.

Trao đổi với PNVN về vấn đề này, lãnh đạo BV Phụ sản Hà Nội cho biết, theo đánh giá, phương pháp TruScreen có rất nhiều lợi ích. Cụ thể:

- Cung cấp kết quả kiểm tra ngay lập tức cho bác sĩ và người bệnh. Bệnh nhân được theo dõi kịp thời và nhận tư vấn thích hợp về tình trạng sức khỏe của mình.

- Phân tích kết quả bằng thuật toán được lập trình tự động và tiêu chuẩn. Theo đó, kết quả khách quan, độ chính xác và độ tin cậy cao. Kết quả nhất quán, không tồn tại kết quả không đạt chất lượng hoặc lỗi trong quá trình kiểm tra, không cần thiết phải lặp lại xét nghiệm.

-Thiết kế di động, tiện tích cao, không cần cơ sở phòng thí nghiệm: Dễ dàng sử dụng và bố trí lắp đặt, giúp cộng đồng phụ nữ tiếp cận gần hơn việc chăm sóc sức khỏe. Không tốn chi phí đào tạo các nhà phân tích tế bào học chuyên sâu; Không cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm tiêu chuẩn. Tiết kiệm chi phí chung.

-  Độ nhạy cao: Hạn chế tối đa sự bỏ sót bệnh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nâng cao hiệu quả sàng lọc, cải thiện khả năng phát hiện bệnh và cứu sống bệnh nhân. Tiết kiệm chi phí cho các hệ thống y tế toàn cầu.

 - Không lấy mẫu để xét nghiệm: Bệnh nhân không cảm thấy đau hoặc khó chịu. Giảm tối đa áp lực cho việc thăm khám. Bệnh nhân sẵn lòng quay trở lại để thăm khám và theo dõi sức khỏe định kỳ.

Nguồn: https://www.phunuvietnam.vn/xa-hoi/lan-dau-tien-viet-nam-ap-dung-phuong-phap-moi-phat-hien-ung-thu-co-tu-cung-post62778.html

Tổ Truyền thông