Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Theo dõi cử động thai nhi để xử lý kịp thời dây rốn thắt nút

Theo dõi cử động thai nhi để xử lý kịp thời dây rốn thắt nút

Dây rốn thắt nút là mối nguy hiểm“đe dọa hàng triệu mẹ bầu. Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cả trong quá trình mang thai lẫn quá trình chuyển dạ. Nhận biết dây rốn thắt nút sẽ giúp thai phụ có biện pháp ứng phó kịp thời.

Trẻ may mắn chào đời khỏe mạnh dù dây rốn bị thắt nút

Tới tuần 40 của thai kỳ, có hiện tượng chuyển dạ, sản phụ Nguyễn Thị H. (SN 1995, trú tại Thái Bình) nhập viện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đẻ thường. 18h15 ngày 25/11/2020, sản phụ sinh thường tại Khoa A5. Kết quả, một bé trai khỏe mạnh nặng 2950g cất tiếng khóc chào đời dù dây rốn của bé bị thắt nút.

Bé may mắn sinh thường khỏe mạnh khi bị thắt nút dây rốn.

BSCKI Bùi Chí Dũng, Khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, dây rốn thắt nút rất khó có thể phát hiện được trên siêu âm. Đây là trường hợp rất hiếm gặp và gần như không phát hiện được trước khi sản phụ vượt cạn. Trường hợp bé trai vẫn chào đời an toàn là điều rất may mắn, bởi chỉ cần dây rốn siết chặt hơn một chút nữa thì khả năng thai lưu là rất cao.

Dây rốn thắt nút sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình mang thai và chuyển dạ do thai nhi không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết. Mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tình trạng thắt lỏng hoặc chặt của dây rốn. Nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ. 

Cần theo dõi cử động của thai

Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ dây rốn thắt nút chiếm 0.3 – 2.2% các trường hợp mang thai và tỷ lệ tử vong tăng cao gấp 4 lần so với thai bình thường. Rất khó xác định chính xác thời điểm tạo thành hoặc hình ảnh dây rốn thắt nút trong thai kỳ của người mẹ, vì không phải lúc nào vị trí thắt nút cũng thuận lợi để quan sát trên máy siêu âm. Vòng dây rốn có thể tạo thành từ rất sớm, lúc thai chỉ 9 - 12 tuần tuổi. Ở giai đoạn này, thể tích nước ối nhiều  nên phòng tránh hiện tượng dây rốn thắt nút là điều rất khó. Lúc này thai nhỏ và dây rốn chưa dài nên bác sĩ có thể nhận biết thông qua việc xác định dây rốn bị cuộn vòng tròn. Càng ở tuần thai lớn hơn thì dây rốn dài hơn và em bé cũng lớn hơn, rất khó nhận biết được dây rốn đang cuộn vòng tròn hay đang thắt nút.

Thắt nút dây rốn.

Dây rốn thắt nút là do trong quá trình thai nhi cử động, vô tình di chuyển qua các vòng cung của dây rốn tạo thành nút thắt. Có một số yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút như: Dây rốn quá dài; thai phụ đa ối; Kích thước thai nhi nhỏ; Thai nhi là bé trai (hiếu động); Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ; Thai phụ mang song thai 1 túi ối; Thai phụ có chọc dò ối thai kỳ; Thai phụ từng sinh nhiều; Thai phụ dùng các chất kích thích khi mang thai.

Khi đã phát hiện dây rốn thắt nút, không có cách nào có thể tháo nút thắt này ra, công tác điều trị lúc này chỉ tập trung cho sự an toàn của thai nhi. Đa số trường hợp phải mổ bắt con càng sớm càng tốt trước khi suy thai xảy ra. Nếu thắt nút dây rốn xảy ra trong quá trình chuyển dạ, thai nhi cần được giám sát, đo nhịp tim để phát hiện bất thường của nhịp tim thai. Hầu hết trường hợp dây rốn thắt nút cần phải sinh mổ, không thể sinh tự nhiên vì nguy cơ rất cao.

Theo BSCKI Bùi Chí Dũng, việc theo dõi cử động thai đóng vai trò quyết định trong công tác cấp cứu dây rốn thắt nút. Thai phụ nên đến khám ngay để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện các dấu hiệu dây rốn thắt nút như: Thai nhi cử động thai ít hoặc yếu, bụng trồi, không tròn. Đặc biệt, trong thai kỳ, thai phụ theo dõi cử động của thai nhi bằng monitor thường quy từ 36 tuần. Theo dõi sát tim thai trong chuyển dạ bằng máy monitor có thể phát hiện rất sớm trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh.

Nguồn: 

https://khoahocdoisong.vn/theo-doi-cu-dong-thai-nhi-de-xu-ly-kip-thoi-day-ron-that-nut-158741.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông