Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Vỡ ối 21 tuần bị đình chỉ thai, mẹ 9X mạo hiểm giữ con sinh non chỉ bằng cái kẹo

Vỡ ối 21 tuần bị đình chỉ thai, mẹ 9X mạo hiểm giữ con sinh non chỉ bằng cái kẹo

Hạnh phúc khi biết tin mang thai, được 21 tuần 5 ngày chị Ngọc khóc nghẹn khi bị vỡ ối, bác sĩ lắc đầu khuyên nên đình chỉ thai.

Hơn 1 tuần nay, dù chỉ được nhìn con qua lớp kính ngăn lồng ấp nhưng Vũ Bích Ngọc (29 tuổi, Ninh Bình) vẫn rất vui bởi chị đã có một hy vọng mới, không còn như hơn 2 tháng qua luôn nơm nớp lo sợ vì vỡ ối non 21 tuần 5 ngày, bác sĩ nào cũng khuyên nên đình chỉ thai.

Chị gọi con trai là chiến binh dũng cảm, kiên cường nhất bởi con đã đồng hành cùng chị vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất vừa qua.

Chị Ngọc trong khoảnh khắc hạnh phúc sau bao 30 tuần - cả quá trình gia đình và mẹ con mình không ngừng chiến đấu.

Vỡ ối non, quặn thắt tim ký vào cam kết giữ thai

Chị Ngọc kể, lần mang thai đầu chị thuận lợi bao nhiêu thì lần mang thai thứ 2 này chị lại khó khăn bấy nhiều. Khi biết vợ chồng mình chuẩn bị làm bố làm mẹ một lần nữa chị đã rất vui, đặc biệt khi biết đó là con trai để tổ ấm nhỏ đủ nếp đủ tẻ.

Thế nhưng, thai được 21 tuần 5 ngày, chị lo lắng khôn nguôi khi bất ngờ vỡ ối một cách không kiểm soát vào bệnh viện tỉnh cấp cứu gấp, bác sĩ nào cũng lắc đầu khuyên nên đình chỉ thai.

“Ban đầu mình có qua phòng khám, bác sĩ siêu âm lượng ối bình thường, em bé phát triển tốt, hẹn 4 tuần nữa khám lại nhưng nước ối vẫn chảy, mình cảm thấy bất ổn nên khám phụ khoa, vừa nằm lên bàn bác sĩ đã hốt hoảng kêu nhập viện phụ sản tỉnh thôi.

Lên viện tỉnh vì chưa hiểu vấn đề nghiêm trọng, mình còn tính đưa con gái đi học vào viện rồi chiều về đón con, ở nhà ngủ nhưng khi vào viện mới biết nó rất nguy hiểm, các bác sĩ tiếp nhận ca đều lắc đầu khuyên mình nên đình chỉ thai. Con siêu âm rõ mặt mũi mình không thể tước quyền sống của con nên quyết định không cần giấy chuyển viện, lên luôn Hà Nội”, chị Ngọc chia sẻ.

Sau khi khám và làm các xét nghiệm ở khoa cấp cứu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Ngọc được chuyển lên khoa sản bệnh A4. Buổi tối hôm đó đang ngủ, chị hoảng loạn khi chảy nước ối một cách không kiểm soát, ướt hết ga viện. Và sáng hôm sau khi được đưa đi siêu âm, xét nghiệm máu, chị hoang mang vì chỉ số ối từ 65mm giảm xuống còn 35mm trong một đêm.  

Trong 1 tuần đầu, cứ cách 1 ngày chị lại đi siêu âm và xét nghiệm máu 1 lần để kiểm tra chỉ số ối, chỉ số não rốn, và độ nhiễm khuẩn. Mỗi lần đi siêu âm lại là 1 áp lực vô hình đối với chị vì càng ngày chỉ số càng thấp đi, từ 35mm, xuống 20mm, 11mm và sau này luôn trong tình trạng hết ối, cạn ối. Gặp bác sĩ siêu âm nào chị cũng được khuyên là nên dừng lại, vì bị vỡ ối khi tuổi thai còn quá bé rất khó giữ, nếu giữ được cũng có nhiều hệ luỵ như con bị nhiễm khuẩn ngược, xương khớp cứng do không có ối lâu ngày.

 “Sau một tuần, bác sĩ gọi mình thông báo không phải bị rỉ ối mà bị vỡ ối, với y học ở thời điểm hiện tại các bác sĩ chưa có cách nào can thiệp được vào để thay đổi mực nước ối mà chỉ tiêm truyền kháng sinh để kiểm soát độ nhiễm khuẩn tránh nhiễm khuẩn ngược cho thai nhi thôi. Đặc biệt, với tuần tuổi thai như mẹ con mình bác sĩ cũng không thể làm gì hơn, vì lấy thai ra cũng không thể nuôi bé được mà giữ thai lại cũng rất nhiều nguy cơ, tỉ lệ thành công gần như không có, bây giờ chỉ trông chờ vào số phận con nên để gia đình lựa chọn”, chị Ngọc cho hay.

Nghe đến đây đầu óc chị trống rỗng, không thể suy nghĩ gì, cơ thể chị như mất gần hết sinh lực, chị chấp nhận ký vào cam kết hồ sơ bệnh án rằng mình hiểu rõ tình trạng bệnh, những nguy cơ tiềm ẩn để quyết định giữ thai. Chị chấp nhận tất cả trường hợp xấu nhất, mất tim thai bất cứ lúc nào hay những hệ quả không tốt sau sinh....

Chị Ngọc tâm sự, lúc đó chị đang chơi vơi không biết phải làm sao, chị may mắn chị gặp được bác sĩ Trần Trung Đạo đã truyền cho chị những niềm tin, hy vọng mới để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nghe bác sĩ nói “khi con chưa từ bỏ thì em còn phải nỗ lực” đã thức tỉnh lý trí nên chị đã tình nguyện ký vào cam kết giữ thai vì con chưa từ bỏ chị cũng sẽ không từ bỏ.

Chị Ngọc và con gái chụp hồi chị mới cấn bầu.

Chiến binh dũng cảm, kiên cường nhất của mẹ đã chào đời

Vậy là suốt khoảng thời gian sau đó chị luôn tạo cho mình tâm lý thực sự thoải mái, phối hợp pháp đồ điều trị của bác sĩ một cách tốt nhất, cố gắng ăn uống thật tốt để có thể cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho con như uống sữa bầu, sữa tươi không đường, nhiều nước lọc, nước đậu đen, osezol,… để bổ sung nước ối, dinh dưỡng cho con. Dù uống bao nhiêu nước ối chảy ra bằng đó nhưng chị luôn nghĩ con sẽ được tận hưởng vài phút quý giá ấy.

“Gia đình mình hoang mang không ai dám nghĩ xa xôi, cứ được một ngày lại mong thêm một ngày. Thời gian cứ thế trôi đến 26 tuần 1 ngày, mình thấy nước ối chảy còn dính cả máu, may mắn trời phật phù hộ cổ tử cung vẫn đóng nên mình giữ được con.

Đó là dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn nguy hiểm nên mình được tiêm trưởng thành phổi luôn ngày hôm đó.  Mình tiếp tục cuộc hành trình đến 29 tuần, bác sĩ Đạo bảo chắc tròn 30 tuần mẹ con mình sẽ về đích. Nếu không có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ cũng sẽ mổ bắt con ra vì độ nghiễm khuẩn bắt đầu vượt ngưỡng an toàn, con ở trong môi trường không nước ối quá lâu rồi.

Đúng như dự đoán, sang tuần 30 mình hay mệt mỏi, nước ối ra liên tục, dịch nước ối bắt đầu đặc dần. Ngày 27/7, chạy máy moniter 4 lần liền bác sĩ phát hiện tim thai có nhịp rơi nên 11h đêm mẹ con được chuyển xuống khoa A2 lên bàn mổ”, chị Ngọc nhớ lại.

Thời gian đầu lên khoa, không ai nghĩ chị Ngọc và thai nhi có thể đi được lâu. Chồng chị lo lắng không ăn ngủ được, gầy sọp đi, con gái chị cũng phải xa bố mẹ, gửi về ông bà chăm sóc hộ. Vậy mà hai mẹ con chị đã tạo ra kỳ tích, vượt qua đến mốc 30 và cán đích an toàn.

Vết mổ trên chị gấp 1,5 lần người khác để con chào đời bình an. Đối với chị sự an toàn, mạnh khỏe của con là quan trọng nhất, chị có thể đánh đổi bằng tuổi thọ cũng sẵn lòng.

Bé Ỉn nhà chị chào đời nặng 1,2kg. Mặc dù sau đó con được đưa lên khoa sơ sinh nằm lồng ấp gấp không được nhìn thấy con nhưng nghe tiếng con khóc chào đời chị cũng được thở phào nhẹ nhõm phần nào. Con là chiến binh dũng cảm nhất và kiên cường nhất của chị, đã cùng chị chiến đấu suốt hơn 2 tháng qua.

Sau sinh mặc dù còn đau vết mổ dài hơn 20cm nhưng nhìn thấy con qua tấm kính lồng ấp bé như cái kẹo, trắng trẻo hồng hào, tay chân linh hoạt, nghe thấy tiếng khóc to của con, chị lại nở nụ cười hạnh phúc. Cuối cùng quyết định mạo hiểm giữ lấy thai của chị đã rất đúng đắn để hôm nay hai mẹ con chị và cả gia đình chị có thể gặp được nhau.

Hiện nay, bé nhà chị Ngọc vẫn phải nằm khoa sơ sinh, chị phải thuê phòng trọ để qua lại thăm con. Dù vất vả nhưng chị chẳng màng gì, chị sẽ ở bên con, là động lực để con tiếp tục cố gắng về nhà cùng với mẹ.

“Mẹ mong rằng con trai của mẹ sẽ tiếp tục mạnh mẽ, kiên cường để nhanh thích ứng với môi trường mới rồi sớm thở tốt, ăn khoẻ để nhanh về với mẹ. Tiếp tục cố gắng nhé! Mẹ sẽ ở bên con, ủng hộ con”, chị Ngọc nhắn nhủ.

Nguồn: https://eva.vn/ba-bau/vo-oi-21-tuan-bi-dinh-chi-thai-me-9x-mao-hiem-giu-con-sinh-non-chi-bang-cai-keo-c85a401509.html

Tổ Truyền thông