Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ X với chủ đề “Cập nhật và ứng dụng 2022”

Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ X với chủ đề “Cập nhật và ứng dụng 2022”

Ngày 2/12/2022, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tổ chức hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ X với chủ đề “Cập nhật và ứng dụng 2022”. Tham dự phía Sở Y tế Hà Nội có Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng...

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đi đầu trong lĩnh vực phụ sản.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối trong chỉ đạo tuyến lĩnh vực sản khoa, phụ trách toàn bộ tuyến sản của thành phố Hà Nội, 5 tỉnh phía bắc và nhiều đơn vị khác trong cả nước đều gửi mẫu đến xin hội chẩn, hỗ trợ. Nhờ đó, tỷ lệ phát hiện bào thai có những bệnh lý tăng lên, các sản phụ được can thiệp kịp thời và nhiều em bé đã chào đời khỏe mạnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đánh giá cao Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong nghiên cứu khoa học. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là cơ sở y tế công lập đi đầu trong lĩnh vực phụ sản toàn quốc, nhiều kỹ thuật mang tầm quốc tế được triển khai thành công tại bệnh viện.

Tại hội nghị khoa học, các báo cáo viên cung cấp nhiều thông tin khoa học, nhiều nghiên cứu mới, cập nhật mới, chứng cứ lâm sàng có giá trị để thực hành lâm sàng tốt trong chẩn đoán, xử trí các ca bệnh lĩnh vực sản khoa, hạn chế tối đa xảy ra sự cố y khoa, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, y học bào thai là một chuyên khoa sâu của sản khoa tập trung vào việc quản lý các vấn đề sức khỏe của người mẹ và thai nhi trước, trong và ngay sau khi mang thai. Các chuyên gia y học bào thai là những bác sĩ có chuyên môn sâu trong lĩnh vực sản khoa. Đối với người mẹ, các bác sĩ chuyên khoa y học bào thai hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khỏe đã có từ trước, cũng như các biến chứng do mang thai gây ra. Đối với thai nhi, các bác sĩ y học bào thai thực hiện các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán trước khi sinh, cung cấp phương pháp điều trị và thực hiện phẫu thuật can thiệp bào thai. Họ vừa đóng vai trò là nhà tư vấn trong các thai kỳ có nguy cơ thấp vừa là bác sĩ sản khoa chính trong các thai kỳ có nguy cơ đặc biệt cao. Sau khi sinh, họ có thể hợp tác chặt chẽ với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ sơ sinh.

Trước đây, các kỹ thuật tập trung vào việc sàng lọc và chẩn đoán, lên kế hoạch sinh để tránh tử vong cho thai nhi khi ra đời. Nhưng ngày nay mục tiêu của y học bào thai là chữa bệnh cho thai nhi khi còn đang nằm trong bụng mẹ. Ngoài sàng lọc và chẩn đoán, còn có lĩnh vực trị liệu thai nhi đang phát triển, cung cấp các lựa chọn can thiệp hoặc phẫu thuật vào bào thai trước sinh đối với một số dị tật của thai nhi. 20 năm trước, ban đầu kỹ là các kỹ thuật phẫu thuật mở buồng ối nhưng hiệu quả điều trị chưa cao vì đa số bị vỡ ối và sinh non. 10 năm trở lại đây phẫu thuật nội soi thai kết hợp tia laser, sóng vô tuyến, dao điện… các kỹ thuật đã được chứng minh là kỹ thuật khả thi và đem lại hiệu quả vượt bậc so với các kỹ thuật trước đó nên phẫu thuật can thiệp bào thai đã được ứng dụng rộng rãi ở trên 20 nước Châu Âu, Châu Mỹ từ đó đến nay. Trong tương lai, là kỉ nguyên ứng dụng liệu pháp tế bào gốc và gen để điều trị một số bệnh cho thai nhi.

Nhiều kỹ thuật mang tầm quốc tế được triển khai thành công tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

Tại Việt Nam, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã khai trương Đơn vị Can thiệp bào thai tháng 1/2022, đang ứng dụng các kỹ thuật can thiệp bào thai như: Sinh thiết gai rau, Chọc ối, lấy máu cuống rốn để chẩn đoán trước sinh, đồng thời thực hiện điều trị: truyền ối cho thai thiểu ối, phẫu thuật điều trị hội chứng truyền máu song, hội chứng song thai thai không tim, hội chứng dải xơ buồng ối…

Mục tiêu của y học bào thai là chữa bệnh cho thai nhi khi còn đang nằm trong bụng mẹ. Đến nay, kết quả can thiệp y học bào thai rất hiệu quả. Kết quả thực hiện phẫu thuật nội soi buồng ối điều trị hội chứng truyền máu song thai đạt hiệu quả cao, tỷ lệ sống ít nhất một thai là 84,9%, tỷ lệ sơ sinh sống chung là 53% và không có trường hợp nào bị nhiễm trùng.

Năm 2023, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sẽ thực hiện các kỹ thuật can thiệp bào thai để điều trị một số dị tật bẩm sinh khác cho thai nhi như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi, ứ nước bể thận…

GS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, hiện bệnh viện đã gửi 3 bác sĩ đi đào tạo tại Pháp và sẽ về Việt Nam tháng 12/2022. Bệnh viện cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật mới ngay tại Trung tâm Can thiệp bào thai, tăng cơ hội chữa bệnh cho thai nhi trong năm 2023.

Tỷ lệ trẻ bất thường tại Việt Nam hiện nay là 2%, nếu không có sự can thiệp của sản khoa thì cứ 100 trẻ sẽ có 2 trẻ có vấn đề về sức khỏe hoặc tật nguyền ở mức độ hòa nhập cuộc sống kém hoặc không thể hòa nhập được cuộc sống, thậm chí tử vong. Việc cứu được 2% trẻ rất có giá trị để nâng cao chất lượng giống nòi Việt Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, những lĩnh vực sâu như can thiệp bào thai đầu tư rất tốn kém. Với gần 2 triệu trẻ em ra đời một năm là vấn đề lớn của ngành sản khoa. Nếu không có công tác chăm sóc trước sinh, trong sinh và sau sinh tốt thì nhiều trẻ ra đời là gánh nặng cho xã hội. Có những ca mổ đầu tư sẽ lỗ nhưng cái lợi lớn nhất là chúng ta có được những trẻ em khỏe mạnh. Các cơ sở tuyến dưới khi phát hiện thai phụ có dấu hiệu bệnh, nếu không can thiệp được cần chuyển sớm đến tuyến trên để tăng cơ hội cứu sống mẹ và thai nhi...

Nguồn:

https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/hoi-nghi-khoa-hoc-chi-ao-tuyen-chuyen-nganh-san-phu-khoa-ha-noi-lan-thu-x-voi-chu-e-cap-nhat-va-ung-dung-2022-

Bá Thành - Tổ Truyền thông