Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Phát hiện huyết khối sau 5 năm uống thuốc tránh thai, chuyên gia lý giải

Phát hiện huyết khối sau 5 năm uống thuốc tránh thai, chuyên gia lý giải

Lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, dẫn đến thuyên tắc phổi, đột quỵ hoặc nhồi máu não, gây nguy hiểm đến tính mạng...

1. Tăng nguy cơ huyết khối khi lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài

Cách đây không lâu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân Nguyễn Thị T. (35 tuổi, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng toàn bộ chân trái bị sưng nề, phù kèm đau nhức.

Sau khi thăm khám và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Kết quả hình ảnh siêu âm và CT cho thấy người bệnh có rất nhiều huyết khối ở 2 chi dưới và được chuyển tới chuyên khoa tim mạch để điều trị.

Qua khai thác tiền sử bệnh, được biết bệnh nhân đã sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong thời gian 5 năm. Điều này dẫn đến tác dụng phụ hình thành huyết khối, gây nguy hiểm cho tính mạng. Nếu không phát hiện kịp thời, tình trạng này có thể gây nhiều biến chứng khó lường, trong đó nguy hiểm nhất là thuyên tắc phổi. Ngoài ra, người bệnh có thể bị loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối, đau chân, phù nề chân kéo dài…

Phát hiện huyết khối tĩnh mạch chi dưới sau 5 năm uống thuốc tránh thai - Ảnh 1.

Lạm dụng thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ huyết khối.

2. Tại sao sử dụng thuốc tránh thai kéo dài làm tăng nguy cơ huyết khối?

ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Khám chuyên gia, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, thuốc tránh thai hàng ngày thường có chứa hormone sinh dục nữ như estrogen và progesterone, có tác dụng tránh thai bằng cách ngăn cản sự rụng trứng, cản trở tinh trùng bơi về phía tử cung để thụ tinh, làm biến đổi thành tử cung để trứng không thể làm tổ.

Đây được xem là phương pháp tránh thai khá an toàn. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Tỉ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỉ lệ 1/10.000. Nguy cơ huyết khối tăng lên ở những đối tượng:

  • Phụ nữ đã lớn tuổi, trên 35
  • Người có tiền sử huyết khối trong gia đình hoặc bản thân
  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân, béo phì có lối sống ít vận động
  • Rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp...

Qua trường hợp bệnh nhân nói trên, ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không nên lạm dụng thuốc tránh thai. Bệnh nhân ít cảm nhận được tác dụng phụ nên nhiều trường hợp biến chứng xảy ra một cách đột ngột. 

Khi dùng thuốc tránh thai kéo dài, phụ nữ có dấu hiệu phù chi, sưng nề, đau nhức, tím các chi, khó thở tức ngực… thì cần đi khám sớm để được kiểm tra và thăm khám.

Phát hiện huyết khối tĩnh mạch chi dưới sau 5 năm uống thuốc tránh thai - Ảnh 2.

Dùng thuốc tránh thai hàng ngày là biện pháp khá an toàn nhưng có thể gây tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách.

3. Một vài lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc tránh thai hàng ngày, bao gồm loại vỉ 21 viên và vỉ 28 viên. Ngoài tác dụng phụ nghiêm trọng đã đề cập ở phần trên, thuốc tránh thai có thể gây tác dụng không mong muốn khác như:

  • Buồn nôn, đầu đầu, tăng cân, bứt rứt, khó chịu, cảm giác nặng ở chân.
  • Tức nhẹ ở vú, ra máu giữa chu kì, giảm mức độ và độ dài kỳ kinh, chậm kinh hoặc mất kinh, thay đổi ham muốn tình dục.
  • Khó chịu ở mắt đối với người đeo kính áp tròng.

Nếu gặp phải những triệu chứng này, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để đổi sang chế phẩm thuốc tránh thai khác cho phù hợp.

ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết, mặc dù không quy định giờ uống thuốc tối ưu cho bất cứ loại thuốc nào, nhưng người dùng nên uống vào một thời điểm cố định vào buổi sáng để tránh quên thuốc. Trường hợp quên thuốc, có thể uống bù một viên vào buổi chiều hoặc tối cùng ngày. Thuốc có thể uống sau khi ăn hoặc cách xa bữa ăn. Tuy nhiên cần lưu ý không bẻ, nhai viên thuốc mà phải uống nguyên cả viên.

Nếu muốn thay đổi giờ uống thuốc, nên bắt đầu thay đổi khi uống một vỉ thuốc mới (luôn thay đổi theo hướng tiến thời gian lên) với khoảng thời gian trì hoãn không vượt quá 12 giờ.

Ngoài ra, thuốc tránh thai có thể gây tương tác với một số loại thuốc, làm thay đổi hiệu lực của thuốc tránh thai. Do đó, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc tránh thai nếu đang dùng các thuốc như: Thuốc chống lao, thuốc chống động kinh, kháng sinh penicillin (và các dẫn xuất), than hoạt (và các chất hấp phụ khác), các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, vitamin C, các loại hormon tuyến giáp, thuốc chống tăng huyết áp, thuốc nhuận tràng...

Nếu có ý định uống tránh thai tháng trong thời gian dài, chị em nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và biết cách dùng thuốc tránh thai đúng cách, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng dẫn tới nguy hiểm cho sức khỏe.

Có nhiều phương pháp tránh thai khác nhau như viên thuốc tránh thai dạng uống, đặt vòng, miếng dán tránh trai, cấy que, triệt sản... Muốn tránh thai an toàn và hiệu quả, cần thăm khám và được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Từ đó, các bác sĩ có thể tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp nhất dựa trên thể trạng, điều kiện sức khỏe và mong muốn của mỗi người.

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-huyet-khoi-sau-5-nam-uong-thuoc-tranh-thai-chuyen-gia-ly-giai-169230905111257913.htm

Bá Thành - Tổ Truyền thông