Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Truyền ối giúp thai phụ hiếm muộn giữ được con

Truyền ối giúp thai phụ hiếm muộn giữ được con

Thai phụ 30 tuổi, quê ở Yên Bái, bị hiếm muộn, chữa 6 năm mới có thai nhờ thụ tinh ống nghiệm. Tới tuần thai 23, chị cạn ối, thai nhi ít cử động.

Đây là lần thứ hai chị mang thai, đều nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Lần thứ nhất chị mang song thai, bị sảy. Tháng 5/2020, chị mang song thai lần nữa, tuy nhiên một thai nhi chết lưu ở tuần thứ 8. Tuần thứ 22, thai nhi còn lại ít đạp, cạn ối.

Bác sĩ đánh giá lượng nước ối trong tử cung mẹ còn quá ít ỏi, em bé có nguy cơ thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn, khoèo chi, chết lưu... Bác sĩ khuyên chị đình chỉ thai kỳ.

Thế nhưng, mang thai nhờ IVF lần này, chị đã hết phôi, khả năng mang thai sau này càng thấp.

"Tôi rất lo lắng, nhỡ đâu lần này lại giống lần trước, mất con rồi về sau tôi không thể mang thai lần nữa", chị chia sẻ.

Không chịu đình chỉ thai kỳ, chị tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mong được áp dụng kỹ thuật can thiệp bào thai. Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, cho biết tử cung mẹ đã cạn sạch ối, máu trong động mạch rốn đảo ngược nên không còn khả năng nuôi thai nhi.

Các bác sĩ quyết định thực hiện thủ thuật truyền ối cho thai phụ để hỗ trợ nuôi thai đến thời điểm em bé có thể chào đời an toàn. Ngày 7/10/2020, thai phụ được truyền ối, sử dụng thuốc điều trị, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với diễn biến thai kỳ trong hai tuần sau đó.

Cuối tháng 10, chị ra viện, tái khám mỗi tuần một lần. Em bé phát triển ổn định, chào đời ngày 5/1 ở tuần thai thứ 36, nặng 2,2 kg.

"Tôi đã được làm mẹ một thiên thần kháu khỉnh đáng yêu, kết thúc 6 năm vất vả tìm con", chị cho biết.

Bé gái chào đời khỏe mạnh ngày 5/1 tại Yên Bái. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Bé gái chào đời khỏe mạnh ngày 5/1 tại Yên Bái. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Theo bác sĩ Sim, phương pháp truyền ối là đưa lượng dịch vô trùng nhất định vào cơ thể người mẹ, tạo thành môi trường cho em bé có thể xoay, cử động, phát triển an toàn. Nếu nước ối trong tử cung mẹ trở về mức bình thường, chỉ số trên 80 ml, bác sĩ dừng thủ thuật và theo dõi bệnh nhân, đánh giá tình trạng của mẹ và thai nhi.

Thủ thuật truyền ối chỉ định cho trường hợp mang thai 16-32 tuần, thiếu nước ối nhưng còn nguyên màng ối, có thể thực hiện truyền nhiều lần. Thủ thuật này không được áp dụng cho thai dưới 16 tuần và lớn hơn 34 tuần, hoặc mẹ có cổ tử cung rất ngắn, có cơn co tử cung dọa đẻ non, vỡ ối non hoặc thai dị dạng nhiễm trùng cấp, người dị ứng với thuốc giảm đau, gây tê, gây mê.

Phương pháp truyền ối được áp dụng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ năm 2019, đến nay đã giúp 20 sản phụ bị thiểu ối giữ được con, sinh nở khỏe mạnh, dù trước đó họ có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu.

Nguồn:

https://vnexpress.net/truyen-oi-giup-thai-phu-hiem-muon-giu-duoc-con-4220421.html

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/me-can-sach-nuoc-oi-o-tuan-thai-23-em-be-van-chao-doi-khoe-manh-705228.html

https://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/tin-tuc-doi-song-ngay-14-1-2020-me-can-sach-nuoc-oi-o-tuan-23-em-be-van-chao-doi-khoe-manh-a352582.html

https://tintuc1.com/news/2021-01-13/vietnamnet-me-can-sach-nuoc-oi-o-tuan-thai-23-em-be-van-chao-doi-khoe-manh-705228

http://webtin24.net/tin-tuc/nguoi-me-yen-bai-can-sach-nuoc-oi-o-tuan-thai-23-em-be-van-chao-doi-khoe-manh.html

https://tintuc1.com/news/2021-01-13/vnexpress-truyen-oi-giup-thai-phu-hiem-muon-giu-duoc-con-4220421

https://vietgiaitri.com/me-can-sach-nuoc-oi-o-tuan-thai-23-em-be-van-chao-doi-khoe-manh-20210113i5513218/

https://www.webtretho.com/f/goc-lam-me/can-sach-nuoc-oi-o-tuan-23-em-be-van-chao-doi-khoe-manh-me-vo-oa-sau-6-nam-khat-con

https://suckhoecongdongonline.vn/me-can-sach-nuoc-oi-o-tuan-thai-23-em-be-van-chao-doi-khoe-manh-d201822.html

Hà Trang - Tổ Truyền thông