Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Hành trình 1.333 km ý nghĩa đến với cán bộ, chiến sĩ Hải quân vùng 4

Hành trình 1.333 km ý nghĩa đến với cán bộ, chiến sĩ Hải quân vùng 4

Tới nay đã hơn một tuần kể từ ngày đoàn công tác của Bệnh viên (BV) Phụ sản Hà Nội hoàn thành chuyến thăm khám, tư vấn sức khỏe tình nguyện cho thân nhân và các chiến sĩ Hải quân vùng 4 tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (từ ngày 29/9 đến 1/10/2023); nhưng dư âm, tình cảm, sự xúc động vẫn đọng mãi trong tâm trí mỗi thành viên.

Ai nấy đều mong rằng sẽ có dịp nào đó trở lại Cam Ranh, hoặc tới nhiều nơi khác để khám cho bà con, nhất là thân nhân các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biên giới, hải đảo, bảo vệ chủ quyền cho Tổ quốc, bình yên cho nhân dân.

Các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội chụp ảnh tại Trường Mầm non khu đô thị căn cứ Cam Ranh

24 con người, vất vả nhưng háo hức, mong chờ sớm được làm nhiệm vụ

Trong hành trình lần này, đoàn công tác của bệnh viện gồm 24 công đoàn viên thuộc Công đoàn BV Phụ sản Hà Nội; trong đó có 4 BSCKII sản phụ khoa,1BS phụ khoa, 3 BS siêu âm chẩn đoán hình ảnh, 16 nhân viên y tế. GS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện và TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện cũng trực tiếp tham gia, chỉ đạo các hoạt động chung trong suốt chuyến đi.

Dù khá gấp gáp nhưng ai cũng sẵn sàng, hăng hái với tinh thần quyết tâm cao nhất, để khám, tư vấn thật tốt cho các cô, các chị thân nhân và cán bộ, chiến sĩ tại Cam Ranh. Về cơ bản, công việc lần này của các y bác sĩ vẫn là việc các anh chị thường làm tại bệnh viện. Khác biệt ở chỗ, trong hành trình 1.333km từ Hà Nội tới Cam Ranh lần này, ngoài con người, đoàn còn vận chuyển theo gần 90 kiện hàng bao gồm máy siêu âm 4D, các trang thiết bị y tế, dụng cụ, thuốc men và quà tặng.

TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, TS Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn BV Phụ sản Hà Nội và đồng chí Phó tư lệnh Vùng 4 Nguyễn Đức Khởi tiến hành tiền trạm khảo sát địa điểm, thống nhất chương trình, xây dựng phương án thiết lập các vị trí khám

Đón chúng tôi tại sân bay là Thượng úy Nguyễn Văn Phán – BS phụ trách quân y Vùng 4, một cán bộ năng nổ, nhiệt huyết. Thượng úy Phán rất xúc động xen lẫn mừng vui vì anh biết, đây là dịp hiếm hoi, quý giá cán bộ chiến sĩ, nhất là các mẹ, các chị là thân nhân của họ sẽ được khám, phục vụ bằng thiết bị hiện đại, tốt nhất hiện nay – những thứ mà tại TP Cam Ranh chưa đầu tư trang bị được.

Trưa 29/9, ngay sau khi Thượng úy Nguyễn Văn Phán thông báo lịch làm việc, chỗ ăn ở, các anh chị em trong đoàn thay vì nghỉ ngơi thì tranh thủ từng phút quý giá, mỗi người mỗi việc hăng hái chuẩn bị. 4 công đoàn viên phòng vật tư kỹ thuật, hành chính, công nghệ thông tin cùng với sự hỗ trợ các đồng chí Thắng, Trường, Xuân… bên quân y của Hải quân vùng 4 và các các cô giáo trường mầm non tại Khu đô thị căn cứ Cam Ranh cùng nhau xắp xếp, bố trí máy móc, vật dụng để sẵn sàng cho công tác khám chữa bệnh trong 2 ngày tới.

Các thành viên trong đoàn công tác tham gia Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động

Cũng ngay trong buổi chiều 29/9, đoàn công tác đã tham gia lễ ký kết biên bản phối hợp làm việc giữa Công đoàn ngành Y tế Việt Nam và Hải quân vùng 4; đồng thời tới thắp hương tri ân tại Khu tưởng niệm Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma; tìm hiểu về lịch sử, công việc của cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ tại Cam Ranh. Được nghe kể, được chứng kiến những hy sinh của các chiến sĩ nơi đây, 24 anh em trong đoàn đều thấy trào dâng một cảm xúc sâu lắng, lắng, một chút trăn trở và tâm niệm sẽ nỗ lực hơn nữa để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ biển đảo Việt Nam.

Ai cũng hiểu, xã hội phân công mỗi người một việc, ai cũng có sứ mạng và nhiệm vụ của riêng mình. Với những cán bộ, nhân viên y tế BV Phụ Sản Hà Nội, chúng tôi sẽ đóng góp bằng trí tuệ, sức lực, dù là rất nhỏ thôi nhưng sẽ nỗ lực hết mình có thể thăm khám và điều trị cho thân nhân gia đình các chiến sĩ Hải quân vùng 4, thân nhân các chiến sĩ đảo Trường Sa tốt nhất, để các đồng chí yên tâm công tác nơi hải đảo xa.

Ngày đầu tiên, khám, truyền thông chăm sóc sức khỏe cho gần 400 chị em

Sáng sớm ngày 30/9, khi thấy những ánh nắng ban mai đầu tiên đã bắt đầu ló rạng, gương mặt các y bác sĩ trong đoàn công tác dường như rạng rỡ hơn hẳn; bao lo âu khi trải qua một buổi tối mưa tầm tã trước đó cũng được trút bỏ hết. 7h sáng, Thượng uý Phán trực tiếp thông báo lịch làm việc của đoàn trong ngày đầu tiên: Thời gian làm việc bắt đầu từ 7h sáng đến 13h30 trưa; sau đó ăn trưa và nghỉ ngơi trong vòng 30 phút; đến 14h chiều ekip lại bắt đầu tiếp tục công việc cho tới tận 19h tối. Số lượng bệnh nhân dự kiến khoảng 400 chị em. Địa điểm khám là trường mầm non khu đô thị căn cứ Cam Ranh.

Vừa tới nơi, BSCKII Nguyễn Công Định – Giám đốc Cơ sở 2 BV Phụ Sản Hà Nội nhanh chóng bước tới khu vực sân khấu, bắt đầu ngay vào nhiệm vụ truyền thông phòng tránh các bệnh lý phụ khoa, sàng lọc ung thư phụ khoa. Ở một khu vực khác, các chị em được Hội Phụ nữ của Quân y Hải quân vùng 4 hỗ trợ lấy phiếu khám, bác sĩ và nhân viên y tế của đoàn tiến hành khám sàng lọc (đo huyết áp, khai thác thông tin tiền sử bệnh) trước khi di chuyển vào khu khám bệnh, siêu âm, lấy tế bào…

Không khí khắp nơi đâu đâu cũng nhộn nhịp. Thỉnh thoảng, khi BS Định dừng lại nhường lời cho các đồng chí quân y điều phối khám bệnh, thì phía dưới các chị em lại xôn xao đề nghị: “Bác sĩ nói tiếp đi, chúng em rất cần những thông tin thiết thực, chúng em rất muốn nghe”. Thế là bác sĩ khám vẫn khám, bác sĩ tư vấn vẫn tư vấn. Tất cả anh em mỗi người một việc, không ai bảo ai, cố gắng hết sức làm thật tốt công việc được giao. Còn các cô, các chị, trong lúc chờ tới lượt mình kiểm tra thì chăm chú lắng nghe chia sẻ về cách chăm sóc sức khỏe.

Ngoài khám thông thường, với các chị em đang mang thai sẽ được khám thai, siêu âm thai 4D, siêu âm hình thái, sàng lọc dị tật thai. Còn lại các chị sẽ được khám phần phụ, khám vú, lấy tế bào xét nghiệm sàng lọc ung thư CTC, siêu âm phần phụ, siêu âm vú, siêu âm tuyến giáp. Thi thoảng, cũng có tình huống phát sinh nhưng bất cứ việc gì, miễn các cô, các chị cần thì y bác sĩ BV Phụ Sản Hà Nội đều sẵn sàng hỗ trợ. Đơn cử như từ lời nhờ rất nhẹ nhàng của vợ 1 chiến sĩ: “Em biết các chị chỉ vào khám thôi, nhưng các chị có thể tháo giúp vòng tránh thai cho mẹ em được không? Bà đặt vòng mấy chục năm rồi mà sợ đau không dám ra trạm xá tháo. Hôm nay biết có đoàn bác sĩ của BV Phụ Sản Hà Nội về đây, mẹ em rất muốn ra nhờ các chị tháo hộ”. Và tất nhiên không có gì là không thể, sau trường hợp đó, BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh, BS Nguyễn Thị Bích Ngọc của bệnh viện còn hỗ trợ tháo dụng cụ tử cung cho 16 trường hợp khác.

Trong buổi khám đầu tiên, BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh còn gặp trường hợp 1 người mẹ khi tới lượt khám nhưng “kèm” theo 2 bé gái. Người mẹ thật thà tâm sự, em có 1 số khám ở đây nhưng nhờ bác sĩ khám luôn cho con em được không?  Cháu cũng bị ngứa và hay đòi thay quần “nhỏ”… Với một người mẹ yêu thương và sát sao với sức khỏe của con như vậy, BS Thanh tất nhiên không từ chối, thậm chí còn kiểm tra kỹ lưỡng và tư vấn tận tình cho cả 3 mẹ con về cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản, đặc biệt với trẻ vị thành niên để người mẹ dễ dàng hỗ trợ, hướng dẫn con… Chẳng riêng người mẹ này, mà còn rất nhiều câu chuyện được các chị, các chia sẻ, đề nghị và các bác sĩ của bệnh viện luôn nhiệt tình hồi đáp lại.

Tới gần 19h30 tối ngày 30/9, công việc trong buổi làm việc đầu tiên của các bác sĩ BV Phụ Sản Hà Nội cũng được gói ghém và khá thành công. Chỉ với 2 bàn khám, 2 bàn siêu âm nhưng số lượng bệnh nhân được khám, tư vấn, sàng lọc ung thư trong ngày đầu là gần 420 người.

Trong suốt quá trình ấy, các y bác sĩ làm việc với tinh thần tập trung cao độ. Một số vị trí anh em có thể thay thế hỗ trợ lẫn nhau, nhưng có những vị trí không ai thay được. Chẳng thế mà đến khi khép lại buổi khám, không ít thành viên trong đoàn phải có người đỡ mới đứng dậy được. Nhưng không vì vậy mà mọi người tỏ ra mệt mỏi, thậm chí nụ cười vẫn còn vẹn nguyên trên môi bởi đã giúp được rất nhiều người dân biết cách chăm sóc, cũng như có giải pháp để cải thiện sức khỏe của mình.

Trên xe ô tô di chuyển từ địa điểm khám về khách sạn, cả đoàn tíu tít kể cho nhau nghe các câu chuyện của buổi khám bệnh, những cảm xúc, niềm vui họ cảm nhận được. Vui hơn cả là khi y bác sĩ của bệnh viện thấy rằng, những gì mình đem đến, từ tình cảm, sức lực, tâm huyết, trình độ chuyên môn… đều được các chiến sĩ và thân nhân của họ ghi nhận, đón chờ. Bên mâm cơm tối, nhiều câu chuyện người dân tới khám, dù chỉ có 1 số khám của mẹ nhưng lại lẽo đẽo kèm theo 1-2 bạn nhỏ đáng yêu được các bác sĩ kể lại. Sở dĩ có “đuôi” như vậy là bởi chồng của các chị người thì đi làm vắng, người đang làm nhiệm vụ ngoài đảo… con ở nhà không ai trông, cũng không gửi được ai. Trong khi đó, các chị không ai muốn để lỡ cơ hội hiếm hoi được khám bởi bác sĩ giỏi, tận tâm, nên đành đưa lũ trẻ theo cùng.

Những dư âm, yêu thương còn mãi

Ngày làm việc thứ 2 cũng bắt đầu từ 7h sáng. Buổi khám này dự kiến khoảng 150 lượt khám. Thật bất ngờ, các bác sĩ gặp lại một vài chị hôm qua đã khám nhưng là ngày cuối của chu kỳ nên không lấy được tế bào xét nghiệm, sáng nay quay trở lại, còn rất thật thà nói: “Các bác khám tốt quá, em cũng hiểu là có rất ít cơ hội được thăm khám như thế này. Hôm nay thấy “sạch sẽ” rồi nên mạnh dạn quay lại xin các bác cho em được lấy tế bào để xét nghiệm”.

Có những chị danh sách khám là ngày hôm qua nhưng bận việc không ra được, hôm nay bằng mọi giá đã thu xếp công việc ra khám. Các chị chia sẻ: “Chúng em có 1 group (nhóm) riêng ở khu đô thị căn cứ Cam Ranh. Mọi người đi khám về khen các bác sĩ hết lời, kể rằng vừa được kiểm tra kỹ lưỡng bằng máy móc hiện đại, lại được tư vấn nhiều kiến thức hữu ích; còn kháo nhau ai không đi được là quá thiệt thòi. Vậy nên những ai không đi được ngày đầu tiên, tới ngày thứ 2 dù việc gấp gáp hay bận đến mấy cũng gác hết lại, ưu tiên cho đi khám”.

Chẳng riêng các cô, các chị ở đây, mà cả y bác sĩ quân y trong đơn vị cũng rất vui và chờ mong đoàn công tác của BV Phụ Sản Hà Nội. BSCKII Xa Thị Minh Hoa – người phụ trách khám tại phòng siêu âm kể: Khi bắt đầu siêu âm thai cho một thai phụ, có 1 anh trai lặng lẽ đi vào cùng, đứng bên cạnh máy siêu âm quan sát rất kỹ lưỡng, chăm chú.

“Lúc đầu, tôi ngờ ngợ hay anh ấy là chồng của thai phụ nên chú tâm như vậy. Hỏi ra mới biết, đồng chí ấy tên Quyền, là BSCKI của Ban Quân y vùng 4 Hải quân; muốn xin phép được ngồi cùng để học hỏi thêm kinh nghiệm siêu âm, chẩn đoán hình ảnh của bác sĩ BV Phụ Sản Hà Nội. Thấy vậy tôi mừng lắm, bảo đồng chí ấy cứ thoải mái, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, nếu có băn khoăn gì anh cứ chủ động trao đổi” – BS Hoa nói.

2 bàn siêu âm chẩn đoán hình ảnh, siêu âm phụ khoa, siêu âm vú, siêu âm tuyến giáp, thay vì chỉ khám 571 lượt thì các chị x3 số lượt đó lên

Để rồi từ sự sẻ chia, cởi mở, sẵn lòng hỗ trợ hết mình, các thành viên trong đoàn công tác của BV Phụ Sản Hà Nội đã nhận lại rất nhiều niềm vui, đó là những lời cảm ơn chân thành từ thân nhân của các chiến sĩ; là những ánh mắt thương mến, hạnh phúc dù rất vội vàng do phải trở về nhà sau một buổi chờ đợi khám bệnh vì con không ai trông.

Ngay cả các cán bộ, chiến sĩ nam giới những người không nằm trong danh sách khám lại chăm sóc và ưu ái cho đoàn công tác theo một cách riêng. Trong bữa ăn sáng của ngày làm việc thứ 2, nhiều anh chị em trong đoàn công tác trước khi vào mâm phải thỏ thẻ đề nghị với anh đầu bếp trong đơn vị rằng: “Anh ơi, hôm qua bát phở bò các anh chuẩn bị cho mọi người… “to” quá. Bữa nay anh làm cho bọn em bát phở bé bé thôi”.

Kết quả, các chiến sĩ đầu bếp tươi cười lắc đầu, bảo rằng: “Các anh các chị đi sớm về muộn, làm việc công suất gấp nhiều lần bình thường, ăn ít quá là không đủ sức đâu. Vì thế anh chị phải ăn nhiều thêm, cố gắng ăn hết để có sức khỏe tốt mới khám được cho nhiều người”. Đứng hình mất mấy giây, xúc động trước tình cảm mà các chú bộ đội dành tặng cho đoàn, mọi người chẳng biết nói gì, chỉ biết cảm ơn các anh đã chăm lo cho đoàn từng bữa ăn ngon, nóng hổi, từng cốc cà phê thơm lừng mà về đến Hà Nội mọi người vẫn nhắc mãi – cafe vùng 4.

Các bác sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng anh em Ban quân y Hải quân vùng 4

Sau một ngày rưỡi làm việc, đoàn công tác của BV Phụ Sản Hà Nội đã khám, tư vấn, tặng quà cho tổng số 571 người. Trong đó, 28 trường hợp khám thai; 28 trường hợp được siêu âm thai (23/28 ca siêu âm hình thái 4D); 543 trường hợp được khám và siêu âm phụ khoa, khám và siêu âm vú. Tổng số trường hợp làm xét nghiệm sàng lọc K phụ khoa là 500 người. 100% các trường hợp viêm nhiễm phụ khoa đều được kê đơn, phát thuốc điều trị và tư vấn cụ thể.

Thành công của chuyến đi lần này, không thể không nhắc đến sự quan tâm, hỗ trợ sát sao, tận tình của các đồng chí lãnh đạo Hải quân vùng 4, từ khi đoàn đi tiền trạm đến khi đoàn thực hiện xong nhiệm vụ. Kể cả khi hoàn tất công việc, đóng máy chuẩn bị vận chuyển ra ga đồng chí Nguyễn Đức Khởi – Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân cũng có mặt chỉ đạo anh em bộ đội hỗ trợ đoàn. Tình cảm các anh dành cho đoàn khiến các thành viên rất xúc động; ra về ai cũng mong sớm có một ngày quay trở lại vùng 4 Hải quân.

Từ lâu, BV Phụ Sản Hà Nội được biết đến là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 của thành phố Hà Nội, và cũng là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành sản phụ khoa của Bộ Y tế. Hàng năm bệnh viện thường xuyên tổ các hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho các đối tượng yếu thế. Nhưng với chuyến công tác lần này tại Cam Ranh, với sứ mệnh được giao là khám tình nguyện cho thân nhân cũng như các chiến sĩ Hải quân, cảm xúc lại rất khác. Đây không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn mà còn là một cơ hội để thể hiện tình yêu thương và lòng biết ơn đối với những người lính và gia đình họ.

Từng thành viên trong đoàn đều hiểu rằng, các chiến sĩ Hải quân đã đóng góp nhiều cho sự bình yên và an ninh biển cả của quốc gia. Các mẹ, các chị là thân nhân của chiến sĩ hải quân nơi đây cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong cuộc sống khi con trai, chồng của họ thường xuyên phải ở đơn vị, một năm chỉ được về phép vài ngày.

Vì thế, cán bộ, nhân viên BV Phụ Sản Hà Nội có mặt tại Cam Ranh không chỉ là để cung cấp dịch vụ y tế, mà còn để chia sẻ tình yêu thương và lòng biết ơn. với sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, sự bình yên của nhân dân. Thấu hiểu điều đó nên trong 2 ngày làm việc ngắn ngủi, các thành viên trong đoàn đều nỗ lực hết mình, mong mỏi chia sẻ ít nhiều với các chị về việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phát hiện ra bệnh, chuyển các chị lên tuyến trên để được điều trị kịp thời.

Kết thúc chuyến công tác, kỷ niệm các y bác sĩ, nhân viên của BV Phụ Sản Hà Nội lưu giữ được không chỉ là tình người ấm áp, mà còn là những giá trị lịch sử, văn hóa ý nghĩa lưu giữ lại ở mảnh đất này. Được đến, được nghe, được chạm vào những chứng tích ấy là một món quà thiêng liêng với đoàn công tác.

Vịnh Cam Ranh nằm ở vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, có thể kiểm soát cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, Cam Ranh thu hút sự chú ý ở góc độ quân sự qua rất nhiều thời kỳ (Hải quân Pháp, Mỹ và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ quân sự). Cam Ranh được xem là cảng biển tốt nhất nước ta, có thể đón tàu biển trọng tải lớn, chừng 10 vạn tấn vào trong cảng, tàu 20 vạn tấn đậu ở ngoài cửa vịnh.

Đặc biệt, đây còn được xem là Quân cảng cơ động nhất cho các tàu chiến, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và nhiều phương tiện tác chiến khác cùng hoạt động, do Vịnh chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển. Cam Ranh cũng rất thuận lợi trong việc chi viện, bảo vệ quần đảo Trường Sa do khoảng cách đến quần đảo chỉ khoảng 480 km.

Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma cao 15,15m, với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”, lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.Vòng cung mặt trời nhô lên khỏi mặt biển tận nơi chân trời xa xôi, nơi được đánh dấu phần lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam bằng những hòn đảo lớn nhỏ, có những đảo chìm và đảo nổi.

Cụm nhân vật (9 nhân vật) là đại diện cho 64 chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hy sinh. Các anh ở tư thế trong tay không một vũ khí mà chỉ có cuốc, xẻng, búa, rìu làm nhiệm vụ múc cát, đá, sỏi để nâng cao mặt đảo. Khi bị quân thù bao vây, các anh quay tròn lại nắm tay nhau để bảo vệ lá cờ tạo thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, một hình ảnh sinh động đọng lại trong lòng mọi người.

Khu trưng bày ngầm dưới mặt đất, nằm ở vị trí trung tâm, bao gồm ba phần: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, biển đảo Việt Nam; chiến sĩ Gạc Ma và sự kiện ngày 14/3/1988; Công đoàn Việt Nam với biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.

Mộ gió, là khu vực tâm linh của khu tưởng niệm, trước mộ đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma ngày 14/3/1988, với đầy đủ họ, tên, địa chỉ. Đây là chốn đi về của những người con hy sinh trên biển, đảo để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Cũng là nơi những người đang sống đến tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

 

Nguồn: https://baophunuthudo.vn/kinh-te-xa-hoi/hanh-trinh-1333-km-y-nghia-den-voi-can-bo-chien-si-hai-quan-vung-4-123844.html

Thu Linh - Tổ Truyền thông