Có lẽ những sản phụ đã từng chọn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gửi gắm niềm tin đều biết tới bác sĩ Lưu Quốc Khải bởi nét chân chất, hiền lành song cũng có phần nghiêm nghị của vị bác sĩ có tố chất người lính cụ Hồ.
|
ThS. BS Lưu Quốc Khải - Trưởng Khoa Đẻ 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. (Ảnh: D.Ngân) |
Theo lời kể của bác sĩ Khải, anh sinh ra ở Nam Định. Nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc, anh viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. Nhờ có môi trường nghiêm khắc của quân đội đã tôi luyện giúp anh trở nên bản lĩnh hơn, vững vàng hơn cả về ý chí và nghị lực nhưng cũng không kém phần hào sảng.
Chia sẻ về cơ duyên lựa chọn ngành Y, bác sĩ Khải cho biết: “Một lần đến trạm xá, tôi gặp hình ảnh người y sĩ chăm sóc thương bệnh binh sao mà đẹp đẽ đến thế, điều này đã giúp tôi nung nấu ước mơ, niềm khác vọng trở thành người thầy thuốc với mong muốn xoa dịu nỗi đau của người bệnh. Quyết định đó là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời tôi như bây giờ. Sau giải ngũ tôi đã thi vào Đại học Y và ra trường về làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”.
Bác sĩ Khải cho hay "gia tài” lớn nhất của anh suốt 20 năm từ lúc vào nghề cho đến thời điểm hiện tại là hàng trăm bức thư của những gia đình có con được sinh ra thành công từ Khoa Đẻ 2. Đó là những bức thư như cuốn nhật ký kể lại niềm hạnh phúc khi con chào đời, khi con chập chững những bước đi đầu tiên… được các gia đình gửi tặng bác sĩ Khải và tập thể Khoa. Đối với bác sĩ Khải, những bức thư chính là những món quà vô giá, bởi đó là sự ghi nhận của người bệnh đối với sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ và nhân viên y tế.
Đơn cử như trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Như (Hà Đông, Hà Nội) được chẩn đoán cổ tử cung thấp, dọa sinh non, sau khi “mẹ tròn con vuông” tại Khoa đã viết tâm thư: “Không có lời nào để nói hết sự vui mừng và hạnh phúc được làm mẹ của em, khi được bác sĩ Khải hỗ trợ và giúp đỡ. Quả thực, mẹ con em đã gặp nhau nhờ bàn tay kỳ diệu của anh. Cảm ơn anh - người đã mang lại cho vợ chồng em hạng phúc vô bờ bến này- người bác sĩ tận tâm - tận tình và hết sức chu đáo nhiệt tình…”.
Không chỉ vậy, cảm mến trước sự tận tâm của bác sĩ Khải, nhiều gia đình xin đặt tên con theo tên bác sĩ. Thậm chí nhiều người còn mong muốn bác sĩ Khải nhận lời làm cha nuôi cho con của họ, nhưng bác sĩ không dám nhận lời. Bởi lẽ bác sĩ Khải tâm niệm: “Công việc hằng ngày cứ cuốn tôi đi, dường như 24 giờ nhiều khi là không đủ. Đã là cha thì phải quan tâm tới con, nếu không làm được sẽ khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương”.
|
Bác sĩ Khải cho hay, người làm nghề y quan trọng nhất là chữ tâm. (Ảnh: D.Ngân) |
Còn khi chia sẻ về nghề, bác sĩ Khải cho hay, người làm nghề y quan trọng nhất là chữ tâm. Tâm phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh.
Với cương vị là Trưởng khoa Đẻ A2, bác sĩ Khải luôn căn dặn các y, bác sĩ rằng tất cả người bệnh được đối xử như nhau, không phân biệt giàu nghèo, thậm chí đối tượng ưu tiên trước hết là người nghèo hay người thân của người lính. Bởi vì bản thân bác sĩ Khải đã từng là người lính nên rất hiểu nỗi khó khăn vất vả của người sản phụ đi sinh khi chồng đang thực hiện nhiệm vụ xa nhà không về kịp.
“Vì thế, mỗi y, bác sĩ ở Khoa đẻ A2 nói riêng, cũng như Bệnh viện nói chung cần hiểu rằng, nghề y là nghề chữa bệnh, cứu người chứ không phải là kiếm tiền. Nếu bất chấp kiếm tiền dễ sinh ra thất đức, nên người bác sĩ cần có lời nói, tư duy đúng mực và hành động minh bạch, rõ ràng”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các ca đỡ đẻ, bác sĩ Khải cho biết, đối với người bác sĩ sản phụ khoa, bài toán khó nhất là trong một thời gian ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều và trẻ không bị ngạt.
“Lúc này tâm và trí của người thầy thuốc phải tỉnh táo và cân nhắc cẩn trọng. Người bác sĩ phải đặt mình vào vị trí người nhà sản phụ để biết được họ gửi gắm niềm tin vào mình nhiều như thế nào.
Bản thân người bác sĩ cũng sẽ qua sản phụ để tự đặt ra cho mình những quy tắc nghề nghiệp nhất định về sự cẩn trọng với những tính mạng đáng quý, không một phút lơ là. Sau hết đó là niềm hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc trẻ thơ và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Với hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Khải không nhớ mình đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca, đem lại tia sáng đầu đời cho biết bao đứa trẻ, tạo suối nguồn yêu thương cho bao nhiêu gia đình. Tuy nhiên, mỗi ca “vượt cạn” đều để lại trong anh nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và những điều hạnh phúc không gì có thể đánh đổi được.
Theo bác sĩ Lưu Quốc Khải, trong một ca cấp cứu đặc biệt, đã có 18 y bác sĩ ở Bệnh viện bị phơi nhiễm HIV sau khi nỗ lực giành sự sống cho một sản phụ nhiễm HIV mất máu nhiều, ngừng tuần hoàn...
Sản phụ bị chửa ngoài tử cung vỡ và buộc phải mổ, tuy nhiên vẫn van nài “xin bác sĩ đừng cứu em vì em nhiễm HIV sắp chết rồi”. Nhưng đối với bác sĩ Khải đã là bác sĩ phải cứu người. Vì thế, vượt lên trên những rủi ro nghề nghiệp cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh… các bác sĩ vẫn tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, cứu sống sản phụ.
Nguồn: http://laodongthudo.vn/bac-si-20-nam-chuyen-nganh-san-khoa-gia-tai-lon-nhat-la-nhung-la-thu-cam-on-87861.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông