Mồ hôi như tắm trong phòng mổ
Th.BS Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng C3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không nhớ đã bao lần thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân HIV/AIDS. BS Lê Thế Vũ chia sẻ, khác với những sản phụ bình thường, ca mổ cho sản phụ HIV thường diễn ra lâu hơn, đòi hỏi bác sỹ phải thận trọng, mọi thao tác đều phải thực hiện chậm hơn.
“Chúng tôi có phòng mổ riêng, cách ly với các phòng mổ khác. Với những sản phụ này, các y bác sĩ phải đeo 3 lần găng tay, mặc áo mưa để tránh dịch tiết, máu bắn vào người. Mỗi lần mổ xong, ai nấy mồ hôi vã ra như tắm”- bác sĩ Vũ chia sẻ.
Ths.Bs Lê Thế Vũ- Trưởng khoa Sản nhiễm trùng C3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Bác sĩ Vũ cho biết, đối với những sản phụ nếu thời gian chuyển dạ càng kéo dài thì sẽ càng ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Khi đó, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con cũng rất cao. Vì vậy, ngoài bảo đảm an toàn cho người mẹ, việc giữ an toàn cho trẻ khi sinh cũng rất quan trọng.
“Trong các ca mổ, chúng tôi phải rất thận trọng, tuyệt đối không để trẻ sơ sinh bị xây xước khi đỡ. Một số ca gặp nguy hiểm, đòi hỏi phải xử trí nhanh, nhưng tôi và các bác sĩ cũng phải xử lý kỹ lưỡng để tránh nguy cơ phơi nhiễm”- bác sĩ Vũ nói.
Với các sản phụ nhiễm HIV, mỗi sản phụ là một câu chuyện, một mảnh đời. Sau khi vượt cạn thành công, họ còn phải đối mặt với những mặc cảm, nguy cơ lây nhiễm sang đứa trẻ. Bác sĩ Vũ kể, nhiều trường hợp đáng buồn là sản phụ nhiễm HIV bị chính người nhà của họ xa lánh. Nhiều sản phụ đi sinh một thân một mình, thậm chí người nhà của họ còn phó mặc cho bác sỹ. Chính điều này đã khiến nhiều thai phụ nhiễm HIV giấu về tình trạng bệnh tật của mình với gia đình.
Bác sĩ Lê Thế Vũ thăm khám cho sản phụ sau sinh.
“Sự phân biệt đối xử, kỳ thị sẽ khiến những người nhiễm HIV/AIDS lo ngại, không dám tiết lộ thân phận, điều này sẽ vô cùng nguy hiểm cho người nhà của họ. Bởi họ có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào nếu không biết cách bảo vệ mình”- bác sĩ Vũ cho biết.
Người có “bàn tay sát cồn”
Hỏi về cơ duyên nào khiến anh chọn và gắn bó với công việc vất vả và đầy hiểm nguy này, bác sĩ Vũ kể, chính người cha của anh đã định hướng, giúp anh đến với “nghề cao quý” này. “Sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi không nghĩ sau này mình làm nghề y, bởi tôi thích làm kỹ sư. Một hôm bố tôi có nói với tôi rằng, với tính cách của tôi, tôi chỉ hợp làm người thầy, là thầy giáo và thầy thuốc. Bố nhìn bàn tay tôi và bảo, bàn tay tôi lúc nào cũng như sát cồn. Chính những lời nói của bố tôi đã đưa tôi đến với nghề y”- bác sĩ Vũ chia sẻ.
Theo bác sĩ Vũ, khi mới về khoa làm việc, anh rất lo lắng và cảm thấy sợ hãi. “Rủi ro mà công việc này đem lại không ít nhưng chúng tôi vẫn luôn tìm được niềm vui khi điều trị, đỡ đẻ cho sản phụ tại nơi đây”- bác sĩ Vũ cho biết.
Đặc thù công việc tại khoa Sản nhiễm là điều trị tất cả những trường hợp sản phụ bị nhiễm trùng, lây nhiễm; điều trị và đỡ đẻ sản phụ mắc bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, giang mai…; xử lý các trường hợp tai biến sản phụ khoa từ nơi khác chuyển về. Áp lực công việc, nhưng bác sĩ Vũ luôn đồng cảm với họ. Bên cạnh đó, với vai trò là người nhạc trưởng của Khoa Sản nhiễm, bác sĩ Vũ luôn nhắc nhở nhân viên trong khoa cần có sự chia sẻ, đồng cảm với người bệnh.
“Với tôi và các đồng nghiệp, điều đầu tiên khi tiếp xúc với bệnh nhân là mình không được có suy nghĩ bỏ rơi hay miệt thị họ. Tôi coi họ như người nhà của mình để tự trong tôi có cách cư xử với họ như những người thân thiết. Điều này khiến sản phụ tuân thủ tốt hơn các hướng dẫn điều trị, dự phòng. Tôi nghĩ, nếu tránh xa họ thì sẽ không giúp được gì cho sản phụ. Cần có sự đồng cảm, tình thương với những con người có số phận không may đó”- bác sĩ Lê Thế Vũ cho biết./.
Nguồn:
https://vov.vn/xa-hoi/bac-si-co-ban-tay-sat-con-gan-30-nam-gan-bo-voi-san-phu-hivaids-880492.vov
https://baomoi.com/bac-si-co-ban-tay-sat-con-gan-30-nam-gan-bo-voi-san-phu-hiv-aids/c/29804719.epi
Hà Trang - Tổ Truyền thông