Cuối tháng 12/2019, sản phụ Lộc Thị Hường (22 tuổi, ở Nghệ An) sinh con khỏe mạnh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dù trước đó, chị mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau, thai không tim. Nếu trước đây, sản phụ này sẽ không chỉ mất một thai mà đứa con còn lại cũng khó cứu. Thế nhưng, em bé này đã chào đời khỏe mạnh và là thai nhi đầu tiên ở Việt Nam được cứu sống bằng kỹ thuật can thiệp trong buồng tử cung.
Đây là kỹ thuật hiện đại nhất trong ngành sản khoa của thế giới, có thể can thiệp được hầu hết cơ quan của thai nhi, thậm chí cả não, tim, màng phổi.
Giám đốc bệnh viện - TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - là người đã mạnh dạn đưa kỹ thuật này về Việt Nam và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công duy nhất hiện nay dám mổ cứu thai nhi từ trong bụng mẹ.
“Nếu không được can thiệp, thai nhi trong bụng sẽ dần mất tim thai. Nhiều trường hợp bị thai lưu, mẹ đau đớn, thậm chí bị rối loạn tâm lý dẫn tới vô sinh sau này. Từ trăn trở đó, chúng tôi ấp ủ có thể can thiệp sớm trong bào thai, để cứu hàng nghìn ca vô vọng”, PGS Ánh chia sẻ.
Ấn tượng với kỹ thuật đỉnh cao này khiến chúng tôi bị cuốn hút và quyết tâm phải có được cuộc gặp với chuyên gia đặc biệt này. Mặc dù vậy, phải sau nhiều tháng thuyết phục, với nhiều lần dời lịch, chúng tôi mới có được “cái gật đầu” của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh vào một ngày cuối tháng 2.
Có mặt tại bệnh viện lúc 8h30 sáng thứ 6, tôi theo chân bác sĩ Nguyễn Duy Anh đi làm việc. Sự khẩn trương hiện rõ trong từng bước chân của ông. Mỗi sáng, công việc đầu tiên của ông là điều hành buổi họp giao ban.
“Hôm nào có nhiều ca khó, nhiều vướng mắc, sếp sẽ nói lâu, bình thường thì 2 tiếng, có hôm họp đến 3 tiếng”, một nhân viên phụ trách phòng họp chia sẻ nhỏ với tôi. Sau 2 tiếng họp giao ban và 30 phút để ký chồng giấy tờ, bác sĩ Ánh mới chính thức bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi.
- Lần nào gặp ông cũng rất bận rộn, tôi từng chứng kiến nhân viên đưa 2 xe đẩy giấy tờ đến cho ông ký. Mọi người đều nói ông là “giám đốc đi vội, nói nhanh, làm nhiều”. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Đúng là tôi rất bận, ngoài công việc quản lý bệnh viện, tôi còn làm chuyên môn. Nên phải đi vội, nói nhanh thì mới làm được nhiều việc.
- Ở thời điểm bắt đầu đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, năm 2013, ông đã phải đối mặt những khó khăn như thế nào?
- Thú thực lúc đó, cả hệ thống y tế đều có những khó khăn, do cơ chế chưa thuận lợi cho cả khối y tế từ vấn đề bảo hiểm, thủ tục cho bệnh nhân, trọng trách tự chủ cho bệnh viện chưa có. Nhu cầu của người dân lớn nhưng khối y tế không đáp ứng được. Đây là khó khăn chung.
Vào thời điểm tôi lên làm quản lý, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng có một chút thương hiệu là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của thành phố, nhưng đời sống cán bộ còn khó khăn, cơ sở vật chất của bệnh viện nghèo nàn, uy tín của bệnh viện ngay cả ở thủ đô cũng rất mong manh chưa nói đến uy tín với quốc tế.
- Thế nhưng, hiện nay, nhắc đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội người ta nghĩ ngay đến nhiều cái “nhất”. Hẳn đó không phải là hữu danh vô thực?
- Trong những năm qua, bệnh viện đã có những đổi khác so với 5-7 năm trước đây. Từ bệnh viện chuyên khoa của Hà Nội đã trở thành 1 trong 4 bệnh viện phụ sản hàng đầu cả nước. Mỗi năm, bệnh viện đỡ đẻ gần 50.000 ca, cao nhất ở khu vực phía Bắc, đứng thứ nhì ở Việt Nam (sau Bệnh viện Từ Dũ). Điều kiện làm việc của cán bộ hiện nay đi đầu trong các đơn vị bệnh viện công. Các cơ quan y tế, trung tâm y tế lớn trên thế giới đều mong muốn hợp tác nghiên cứu, điều trị với chúng tôi.
Chúng tôi luôn mua những máy móc, thiết bị tốt nhất thế giới, từ máy siêu âm, phục vụ chẩn đoán, điều trị tới những công cụ phục vụ đời sống cán bộ nhân viên. Bởi tôi luôn tâm niệm có công cụ tốt, thiết bị tốt mới có thể hành nghề tốt.
Kỹ thuật đang thực hiện ở bệnh viện cũng là những phương pháp tối ưu, tốt nhất. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện được những kỹ thuật tốt nhất cả nước trong nhiều năm, có những kỹ thuật chúng tôi đi trước rất nhiều năm, từ đó giúp chẩn đoán chính xác, người dân không cần ra nước ngoài mà được điều trị tốt nhất ngay tại Việt Nam.
- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tạo ra tiếng vang khi là bệnh viện công đầu tiên và duy nhất hiện nay triển khai thành công kỹ thuật can thiệp bào thai. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Can thiệp bào thai, can thiệp trong buồng tử cung tức coi bào thai là một bệnh nhân, khi đó, chúng tôi tiến hành phẫu thuật ngay trong buồng ối, chữa bệnh cho thai nhi, sau đó, thai ổn định, có thể ở lâu nhất trong bụng mẹ trước khi chào đời. Đây là kỹ thuật cao nhất trong sản khoa, ngay cả các nước tiên tiến cũng chỉ thực hiện khoảng 10 năm nay. Ở Việt Nam, chúng tôi là bệnh viện công thực hiện sớm nhất, bài bản nhất, hoàn chỉnh nhất và bước đầu thành công nhất kỹ thuật này.
- Quan niệm "bào thai là một bệnh nhân" rất nhân văn. Kỹ thuật can thiệp trong buồng tử cung này có ý nghĩa như thế nào đối với các bệnh nhân?
- Nước ta có tỷ lệ sinh cao, mỗi năm có tới hàng nghìn ca gặp các biến chứng, đồng nghĩa hàng nghìn em bé không thể chào đời.
Nếu trước đây, bệnh nhân chỉ biết chờ vào may rủi, đánh cược tính mạng của thai nhi, hiện nay, chúng ta có thể cứu được tới 90% em bé từ trong bụng mẹ. Tôi luôn quan niệm bào thai chính là một bệnh nhân và phải được chữa bệnh, cứu từ trong bụng mẹ. Tôi mong muốn được sự quan tâm của các cấp, ngành để nhiều nơi đều có thể triển khai kỹ thuật này. Điều này rất ý nghĩa vì cứu được mạng người, đem lại hạnh phúc rất lớn cho các gia đình.
Sau khi triển khai, bệnh viện đã đón 3 em bé chào đời khỏe mạnh nhờ được can thiệp sớm từ khi trong bụng mẹ. Nếu không can thiệp, cả 3 em bé này đều không có cơ hội sống sót.
Đó là kỳ tích nhờ sự nỗ lực của chúng tôi, sự đầu tư của thành phố, sự quan tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ. Còn chúng tôi thì được trả công bằng việc cứu sống rất nhiều mạng người mà trước đây không có hy vọng cứu sống hoặc chấp nhận để người mẹ sinh ra những đứa trẻ tàn tật.
- Đâu là bí quyết đưa tới những thành công như vậy?
- Văn hóa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là luôn chọn những gì tốt nhất thế giới để học tập và làm theo. Chủ trương của ban giám đốc là đầu tư bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị tốt và cuối cùng là con người có khả năng sử dụng máy móc, cơ sở hạ tầng đó. Ban lãnh đạo bệnh viện chủ trương sử dụng, tổ chức, phát huy, lãnh đạo những con người đó làm việc hợp lý nhất, phát huy được hiệu quả nhất, sáng tạo nhất. Và chúng tôi đã làm rất tốt vấn đề này.
Tất cả cán bộ nhân viên đều được xem xét về trình độ năng lực, đào tạo kiểm tra tay nghề hàng năm, nâng cao học vấn, trình độ kỹ thuật. Mục tiêu là làm tốt nhất, chọn những nơi tốt nhất để được đào tạo trình độ. Máy móc cũng vậy, phải mua loại máy tốt nhất thế giới. Sự chỉ đạo quyết liệt đã đưa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực sự ngày một thay đổi.
- Sau hơn 7 năm ở cương vị lãnh đạo bệnh viện, đâu là điều ông tâm đắc nhất?
- Điều tôi tâm đắc nhất trong những năm vừa qua và sẽ tiếp tục trong những năm tới đó là thay đổi được con người nơi đây. Đội ngũ thầy thuốc không chỉ giỏi tay nghề mà quan trọng nhất là "Nhân - Đức - Tâm" ngày càng phải được thể hiện bằng những việc làm, hành động, cống hiến cụ thể như giúp được bao nhiêu người bệnh, bao nhiêu thời gian công sức để học tập, trau dồi, chăm sóc bệnh nhân… Ban lãnh đạo luôn nhận thấy nguồn nhân lực mới là tài sản vô giá, cơ sở hạ tầng hay tiền quỹ, sự hỗ trợ của đối tác, đơn vị nào cũng vô cùng hữu hạn, sẽ bốc hơi nếu nguồn nhân lực không tốt. Còn nếu có một nguồn nhân lực tốt, đoàn kết, yêu cơ quan sẽ phát huy được tối đa.
Là bệnh viện công nhưng chưa có giọt chất xám nào của bệnh viện bị lọt ra ngoài mà có rất nhiều hồ sơ là những cá nhân xuất sắc ở những đơn vị khác muốn về đây làm việc. Rất khó có thể lấy được chất xám của chúng tôi vì mọi người rất yêu bệnh viện, yêu cách quản lý nhân lực.
Mỗi thành viên đều được đảm bảo từ bảo vệ, hộ lý đến bác sĩ cao cấp. Những trường hợp mới vào càng được quan tâm hơn. Ví dụ, các chị em mới vào chưa được 5 năm, thu nhập thấp sẽ được thanh toán toàn bộ học phí mầm non của con, mang hóa đơn đến bệnh viện sẽ thanh toán. Tất cả cán bộ đều được chăm lo sức khỏe, dù bệnh nặng hay nhẹ đều được bệnh viện chi trả. Rồi tất cả rủi ro trong đời sống, nghề nghiệp đều được bệnh viện chịu trách nhiệm.
Nếu xảy ra tai biến trong quá trình làm việc, bệnh viện sẽ xem xét lại quá trình thực hiện, thậm chí phạt về chuyên môn, còn những việc khác bệnh viện sẽ lo. Vì vậy, họ rất yên tâm làm việc vì được ban lãnh đạo bảo lãnh, chăm lo khi rủi ro, giúp đỡ khi khó khăn. Ban lãnh đạo luôn ghi nhận, đánh giá đúng đóng góp của nhân viên để họ yên tâm công tác.
- Có thông tin nhân viên ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng, điều này có đúng không? Ông có thể tiết lộ thu nhập của nhân viên tại bệnh viện không?
- Có thể nói lương của nhân viên ở viện chúng tôi đảm bảo và cao so với mặt bằng chung. Chúng tôi có những hồ sơ là cá nhân xuất sắc nhưng lương thấp nên muốn xin sang đây. Nhìn vào đó mới thấy đời sống của nhân viên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là ổn định. Chúng tôi tự hào có thể làm nghề chân chính. Còn con số thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng thì thực tế cũng có.
- Con số thu nhập hàng trăm triệu có nhiều không? Và là những người như thế nào?
- Con số này phải đến vài chục người. Họ là những người có tay nghề cao, được bệnh nhân lựa chọn điều trị, chăm sóc.
- Trong buổi giao ban, tôi thấy ông nói rất gay gắt về vấn đề phong bì. Lý do là gì?
- Khi đến bệnh viện, người Việt Nam rất thích thể hiện lòng biết ơn với thầy thuốc nên muốn cảm ơn bác sĩ, nhất là lúc xong việc, cảm ơn xong mới yên tâm. Tôi cho rằng đây cũng là một văn hóa của người Việt nhưng có lẽ trong bệnh viện phải dẹp cái này vì người dân thích làm như vậy nhưng họ không hiểu được mặt trái của chuyện phong bì. Hệ lụy của nó là rất nhiều. Người không đưa phong bì nhìn vào người đưa phong bì sẽ chạnh lòng rồi luôn mặc cảm rằng mình không được chăm sóc tốt như chị kia, anh kia. Điều đó thực sự là phản cảm. Và người thầy thuốc không nên đặt điều đó ra để quá chiều người bệnh. Tôi cho rằng phải giáo dục người dân không nên làm điều đó. Thay vào đó, nếu có điều kiện thì người dân dùng các dịch vụ cao, nộp tiền vào đó rồi sử dụng. Còn nếu không, ở khu thường của chúng tôi cũng chăm sóc tốt như thế, chẳng khác gì. Không nên lét lút đưa phong bì cho thầy thuốc. Mặt trái của phong bì thực sự ảnh hưởng tới môi trường làm việc của ngành y tế.
- Nạn phong bì được quán triệt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội như thế nào?
- Chúng tôi có nguồn kinh phí để anh em làm việc ngay thẳng. Tôi sẵn sàng trả thêm lương để nhân viên của mình không nhận phong bì. Tôi quán triệt tất cả phải công khai, minh bạch, mỗi người phải thấy rõ trách nhiệm của nhân viên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, không để vấn nạn phong bì làm xấu mặt bệnh viện.
- Để chăm lo được đời sống công nhân viên ổn định và tốt như thế, vấn đề nguồn thu được tính toán ra sao?
- Cơ chế tự chủ của nhà nước cho phép bệnh viện sử dụng các dịch vụ trên cơ sở nhu cầu của người dân như phòng riêng, khu vực chất lượng cao, lựa chọn thầy thuốc riêng, các dịch vụ cá nhân của bệnh nhân. Thay vì phải ra nước ngoài, bệnh nhân có thể ở trong nước sử dụng dịch vụ tốt nhất. Đó là nguồn thu chính.
Là người đứng đầu, tôi cũng xác định phải quản lý chi tiêu tiết kiệm, chặt chẽ, đúng quy chế. Có thể đơn giản ở việc tiết kiệm điện nước. Việc tắt thiết bị không cần thiết có thể tiết kiệm hơn một nửa số tiền (trước kia khoảng hơn 1 tỷ/tháng, hiện nay chỉ còn một nửa). Số tiền đó đủ để làm nhiều việc.
- Cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành sản?
- Đây là một cơ duyên thực sự. Khi còn bé, gia đình tôi đông anh em (7 người), tất cả sống chung trong một nhà, dưới tôi còn có 4 đứa em. Ngày trước, việc sinh sản cũng như chăm sóc phụ nữ không tốt như bây giờ. Mẹ tôi là nông dân. Tôi chứng kiến mẹ thực sự vất vả trong việc sinh đẻ, rồi lại nuôi con, đứa trên chưa lớn là có đứa em. Khi mẹ đi làm đồng về chưa kịp nghỉ ngơi, em tôi đã đòi bú. Tiếng mút tóp tép thực sự khiến tôi ám ảnh và thương mẹ. Chính bản thân tôi đã đưa mẹ đi đẻ mấy lần và chăm các em nhỏ. Vì vậy, tôi đã ước ao có thể làm được điều gì để giảm bớt nỗi vất vả đó. Khi thi đỗ trường y, tôi đã đi theo ngành sản để giúp đỡ được người phụ nữ trong sinh đẻ và nuôi con.
- Dù bận rộn công tác quản lý, ông vẫn trực tiếp làm chuyên môn, đây hẳn là đam mê với nghề?
- Đúng là vì đam mê. Tôi không từ công việc nào cả, càng những ca khó tôi càng thích. Nhiều năm trong nghề, có cơ duyên cứu được nhiều người là điều tôi hạnh phúc. Phần nữa là để làm gương cho anh em để họ thấy mình bận như thế vẫn làm công tác chuyên môn.
- Trong y học, đâu là sự khác biệt của ngành sản?
- Ngành sản cũng như các ngành khác trong y học, nhưng cũng có cái khác. Đó là tính cấp cứu rất cao, đòi hỏi từng khắc, từng giây từng phút chứ không phải hàng giờ, tính mạng cần cứu không chỉ là một mà là hai, thậm chí nhiều hơn.
Trong ngành sản không chỉ có nhọc nhằn, lo toan mà còn có niềm vui, tự hào. Niềm vui nhìn thấy lập tức là những đứa trẻ. Chúng tôi được gọi là bà đỡ của tương lai.
- Ngày nay, người ta không sinh con nhiều như trước. Do đó, con cái trở thành “con vàng con ngọc”, bác sĩ sản khoa có phải đối mặt với áp lực nhiều hơn?
- Sản khoa ngày nay khác biệt nhiều so với trước. Nếu trước đây, các thai phụ chỉ chờ đến khi sinh nở, bác sĩ đôi khi chỉ thực hiện vài động tác kiểm tra đơn giản và đỡ đẻ. Còn ngày nay, quá trình bắt đầu từ khi các cặp đôi chuẩn bị lấy nhau cho đến khi giúp họ có được đứa trẻ khỏe mạnh nhất để đem về nhà. Cụ thể, phải trả lời được cho các đôi trai gái sắp lấy nhau có thể có con được không, làm thế nào để có được một bào thai khỏe mạnh, quá trình sinh nở an toàn, thuận lợi, tiến hành sàng lọc sau sinh để có một đứa trẻ khỏe mạnh. Đó là những phần việc, sứ mệnh của chúng tôi.
Chúng tôi luôn tâm niệm một em bé ra đời là một thiên thần ra đời, một nguồn sinh khí không thể diễn tả thành lời mà chỉ những người hành nghề mới thấu hiểu. Điều đó truyền sức mạnh ghê gớm cho người thầy thuốc. Những người làm nghề phụ sản là những người may mắn, họ được nhận nguồn sinh khí, công việc, cuộc sống cũng có nhiều may mắn. Đó là niềm tự hào của người làm ngành sản mấy chục năm mà tôi cảm nhận được. Cùng với niềm vui của người thầy thuốc, ngành sản chúng tôi có thêm được điều đó.
- Đó là một trong những lý do, ông là một trong số ít giám đốc bệnh viện duy trì thói quen đón giao thừa tại bệnh viện với các sản phụ?
- Tôi không chỉ chúc Tết và mừng tuổi nhân viên mà còn cả các sản phụ. Đó cũng là cách tri ân và động viên sản phụ nhân ngày đầu năm.
- Hiện nay có nhiều bác sĩ trẻ theo ngành sản vì kiếm được nhiều tiền. Ông nghĩ sao về điều này?
- Sản là một trong những chuyên khoa "hot" được nhiều người chọn gần đây. Họ thấy rằng đây không chỉ là một chuyên khoa hẹp mà là đa khoa, bao gồm cả ngoại, nhi, ung thư, nội tiết, nội khoa và cả thẩm mỹ. Ngành sản có cái hay vì có gắn bó với nhiều nhu cầu của nhiều gia đình. Y học thế giới cho rằng đầu tư cho sức khỏe sinh sản là đầu tư cho thế giới thịnh vượng, có nghĩa là để biết thế giới này có thịnh vượng hay không hãy nhìn vào hạnh phúc của người phụ nữ. Tuy nhiên, khi đã chọn, người thầy thuốc phải thực sự nghiêm túc với nghề.
Tôi đỗ ngành y năm 1984, sau đó học tiếp 4 năm bác sĩ nội trú, 2 năm học tại Pháp. Khi về Việt Nam lại phải học chuẩn hóa thạc sĩ một năm, tiến sĩ 4 năm. Thời gian đi học rất dài. Nhưng có như vậy mới hiểu được tại sao thời gian đào tạo bác sĩ ở Mỹ cũng rất dài. Đó là thời gian cần thiết để có thể nắm được hết các ngóc ngách của nghề. Dù tôi không phải chuyên gia đầu ngành vì còn làm quản lý, nhưng thời gian đi học không thể dưới 12 năm, tôi tự hào vì được đào tạo bài bản, nghiêm túc. Bởi vậy, tôi luôn tâm niệm động viên cho anh em đi học thì mới có tay nghề cao. Tôi hy vọng những thế hệ sau cũng có được sự đầu tư nghiêm túc đó.
Nguồn:
https://news.zing.vn/bac-si-cuu-nhung-benh-nhan-con-nam-trong-bung-me-post1050841.html
https://baomoi.com/bac-si-cuu-nhung-benh-nhan-khi-con-nam-trong-bung-me/c/34108659.epi
https://azsaigon.com/tin-tuc/giam-doc-bv-phu-san-ha-noi-co-bac-si-thu-nhap-hang-tram-trieu-thang-u7t
Hà Trang - Tổ Truyền thông