Trước đây, với thai nhi bất ổn, bác sĩ chỉ biết lắc đầu và đứng nhìn em bé ra đi. Hiện nay, bác sĩ có thể đưa dụng cụ vào bụng thai phụ, can thiệp cứu sống em bé. Nhớ đó, thai nhi thoát khỏi tình huống nguy hiểm, tiếp tục phát triển trong bụng mẹ đến lúc đủ ngày đủ tháng.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, là một trong số ít bác sĩ tại Việt Nam thực hiện được nhiệm vụ này.
Buồng ối không còn là vùng bất khả xâm phạm
- Xin bác sĩ cho biết can thiệp bào thai là gì?
- Thông thường nhắc tới sản khoa, người ta chỉ nghĩ đến việc bác sĩ khám thai, mổ, đỡ đẻ. Tuy nhiên, sản khoa giờ hiện đại hơn với y học bào thai khi bác sĩ không chỉ khám mà còn có thể chữa bệnh cho thai nhi thay vì để trẻ tử vong hoặc ra đời cùng nhiều dị tật.
Tất cả dụng cụ y sinh hiện đại đã giúp các bác sĩ can thiệp buồng ối, sửa chữa những hội chứng gây tử vong cho thai nhi. Đội ngũ y tế sẽ thực hiện kỹ thuật này bằng việc đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp, sau đó đóng lại, chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng.
- Tại Việt Nam, những đơn vị nào có thể thực hiện kỹ thuật này?
- Hiện tại, 3 cơ sở tại Việt Nam có thể thực hiện phẫu thuật nội soi can thiệp bào thai: Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), Bệnh viện Tâm Anh (Hà Nội) và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên thực hiện kỹ thuật này, xuất phát từ trăn trở của Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện. PGS Ánh nhận thấy kỹ thuật can thiệp bào thai đã được thực hiện thành công ở các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Anh từ 15 năm trước. Tại sao Việt Nam chưa tiếp cận được kỹ thuật này.
Năm 2017, trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế Paris (Pháp), tôi là người đầu tiên được cử tới Bệnh Viện Necker của Pháp để học kỹ thuật cao, mang về triển khai tại Việt Nam. May mắn, tôi được giáo sư Yves Ville - người tiên phong và giỏi nhất châu Âu về kỹ thuật này - cầm tay chỉ việc. Suốt 3 tháng, tôi theo học như một khóa học nội trú với quy trình hoàn chỉnh từ khám, chẩn đoán và điều trị.
|
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Nhờ sự đầu tư của Bộ Khoa học Công nghệ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thiết kế được phòng mổ riêng biệt vô trùng tuyệt đối theo tiêu chuẩn châu Âu cùng các thiết bị, dụng cụ tối tân nhất thời điểm đó. Đồng thời, chúng tôi tổ chức ê-kíp ăn ý gồm bác sĩ sản khoa, gây mê, sơ sinh.
Tháng 10/2019, kỹ thuật can thiệp bào thai bắt đầu được tiến hành ở bệnh viện chúng tôi. Đến nay, tôi đã can thiệp hơn 30 ca mắc hội chứng truyền máu, 30 trường hợp dải xơ vùng ối và truyền ối, truyền máu cuống rốn cho hàng chục sản phụ khác.
- Chữa bệnh cho thai nhi khác trẻ đã chào đời như thế nào?
- Từ xa xưa, chúng ta vẫn quan niệm buồng ối là bất khả xâm phạm. Bất kỳ tình trạng rỉ ổi hoặc can thiệp gây nhiễm trùng trong vùng này đều dẫn tới nguy cơ hỏng thai, thậm chí tử vong cho cả mẹ.
Với can thiệp buồng ối, người ta sẽ phải và quả thực là "dám" đưa dụng cụ vào sâu trong buồng ối. Do đó, phương pháp này sẽ kèm theo rất nhiều nguy cơ. Mọi người đều sợ và hoài nghi nghe tới kỹ thuật này. Ban đầu, tôi cũng vậy. Tôi đặt câu hỏi liệu chúng có thực sự an toàn hay không.
|
Các bác sĩ khi can thiệp bào thai phải tập trung cao độ. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Sau đó, trong quá trình được tiếp cận, học và làm, tôi thấy rằng kỹ thuật này thực sự khó nhưng đã được lường trước để tránh các nguy cơ như người ta lo sợ. Chúng ta có dụng cụ, phòng mổ vô trùng, toàn bộ vật tư tiêu hao cũng như tiêu trùng để đảm bảo không đưa vi trùng vào buồng ối.
Thứ 2, khi dùng các dụng cụ, bác sĩ phải khéo léo để tránh gây sang chấn cho thai cũng như tổn thương buồng ối, gây tăng co hay ảnh hưởng tới quá trình vỡ ối, đẻ non.
Quá trình can thiệp đòi hỏi sự tinh tế. Bạn tưởng tượng mình bơi dưới nước khác lái xe trên cạn. Với một camera siêu nhỏ đặt trong buồng ối, mình phải tránh để không lái vào em bé hay gây tổn thương các vùng như bánh rau, dây rốn. Nước ối cũng như nước trong bể bơi. Mình không thể phóng tầm nhìn ra xa, phải rất thận trọng, đòi hỏi kinh nghiệm mới tìm được con đường đi để can thiệp đúng đích như mong muốn.
Quá trình dò từng mạch máu, cầu nối, tổn thương của thai cũng không như hình dung ban đầu. Nó như đám mây mù, phải từng bước tiến tới, cẩn trọng thì mới hiển thị được vùng cầu nối cần can thiệp trong khi phải đảm bảo không gây sang chấn.
Nhiều khi bác sĩ đã cố định tốt nhưng em bé cử động liên tục, mẹ thở rung thành bụng, bác sĩ càng phải cân bằng để quá trình dùng laser, dụng cụ trong buồng ối không gây ra các tổn thương. Tôi gần như nín thở để thực hiện.
- Trong các ca can thiệp khó như vậy, có bao giờ chị thất bại?
- Có những bệnh nhân đến với chúng tôi ngoài tầm kiểm soát khi họ đang trong tình trạng quá nặng. Nhìn thấy chết, bác sĩ không nỡ bỏ mặc, vẫn nỗ lực, còn nước còn tát. Do đó, tỷ lệ thành công của ca can thiệp sẽ không cao.
|
Dù nỗ lực, các bác sĩ vẫn gặp phải nhiều lần thất bại do bệnh nhân đến quá muộn. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Dù được dùng những thuốc tốt nhất trên thế giới, sản phụ vẫn gặp các cơn co tử cung gây ra sẩy thai, đẻ non. Chúng tôi gặp thất bại 3-4 ca như vậy trong một năm vừa rồi. Đó là những bài học để chúng tôi hoàn thiện quy trình, cứu được nhiều bệnh nhân khác.
Động lực từ những mầm sống
- Là phụ nữ khiến công việc của chị thuận lợi hay đối mặt nhiều trở ngại hơn?
- Tôi cho rằng phụ nữ luôn gặp trở ngại hơn. Không chỉ đóng vai trò của người thầy thuốc, các bác sĩ nữ còn làm mẹ và vợ, đòi hỏi cân bằng giữa gia đình và công việc. Tôi gần như phải làm việc gấp đôi, gấp ba, để vừa quán xuyến gia đình, con cái, hoàn thành tốt công việc cấp trên giao đồng thời bố trí thời gian nghiên cứu khoa học.
Trước đây, tôi từng đứng trước lựa chọn giữa nghề giáo và thầy thuốc khi đồng thời được tuyển thẳng. Cha mẹ muốn tôi theo nghề giáo để đỡ vất vả hơn nhưng từ nhỏ, tôi luôn khao khát trở thành bác sĩ. Ở vùng quê nơi tôi ở, người dân đi lại rất khó khăn, viện ở xa. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ trở thành bác sĩ để góp phần nhỏ bé hỗ trợ người thân cũng như hàng xóm của mình. Cứ thế, máu lửa nghề cứ ngấm sâu vào máu.
|
Việc là một phụ nữ khiến bác sĩ gặp nhiều trở ngại. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Là phụ nữ nên tôi hiểu được tâm tư, sự lo lắng của bệnh nhân hơn vì đều làm mẹ. Chẳng hạn với những trường hợp mắc hội chứng truyền máu song thai, trong bụng họ chỉ còn một em bé. Họ khó giữ bình tĩnh và chấp nhận điều đó. Lúc thông báo, mình phải thực sự thấu hiểu, đặt vào vị trí của họ và giải thích. Trong trường hợp bắt buộc, chúng ta phải chấp nhận một còn hơn không. Quá trình tâm lý cho bệnh nhân quan trọng để họ hồi phục.
Khi làm nghề, đôi khi tôi cảm thấy quá sức, mệt mỏi. Nhưng chứng kiến các ca can thiệp giữ được thai, sau đó, sinh con khỏe mạnh, dường như tôi được hồi sinh, có động lực để phấn đấu trong con đường của mình. Tôi quên hết mệt mỏi.
- Bác sĩ có lời khuyên gì cho các bà mẹ để giảm những nguy cơ khi mang thai?
- Hiện nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều nguyên nhân vô sinh mới được chẩn đoán. Trong đó, một phần do chế độ sinh hoạt, ăn uống nhiều hóa chất làm nội tiết của người phụ nữ cũng như hormore sinh dục nam bị ảnh hưởng. Điều đó khiến quá trình sinh trứng, sinh tinh bất thường, khả năng mang thai không như mong muốn. Thậm chí, stress nặng cũng ảnh hưởng khả năng mang thai.
|
Hiểu được tầm quan trọng của việc mang thai, các bác sĩ luôn cố gắng giúp các sản phụ nhiều nhất có thể. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Hơn ai hết, chứng kiến nhiều bệnh nhân, tôi hiểu việc có được một đứa con quan trọng thế nào. Khi bệnh nhân có những bất thường, khó khăn trong quá trình mang thai, sự mất mát mang đến bất hạnh cho gia đình. Đó không chỉ là nỗi buồn, sốc tâm lý, mà còn ảnh hưởng cả cuộc đời của họ. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng để giúp họ nhiều nhất có thể.
Phụ nữ nên có thai trong độ tuổi còn trẻ, cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình để mang thai tốt nhất. Đặc biệt, tầm soát trước mang thai sẽ giúp họ có những lời khuyên để có được em bé khỏe mạnh nhất.
Nguồn: https://zingnews.vn/bac-si-cuu-thai-nhi-con-nam-trong-bung-me-post1143895.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông