Tầng sinh môn là một phần của bộ phận sinh dục nữ, là phần mô nằm giữa âm đạo và hậu môn. Kích thước tầng sinh môn khoảng 3-5cm và đảm nhiệm vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Đối với các sản phụ sinh thường, nhất là sinh con so đầu lòng, thường được các bác sĩ chỉ định thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn. Trong lúc chuyển dạ, khi sản phụ có dấu hiệu xuất hiện cơn co bóp tử cung và rặn đẻ, khi cơn co lên đến đỉnh điểm thì nhân viên y tế sẽ cắt một đường nhỏ tầng sinh môn để mở rộng khu vực này, giúp em bé ra ngoài dễ dàng hơn.
Chắc hẳn với không ít các chị em đẻ thường, bên cạnh cảm giác đau đẻ thì cảm giác đau khi rạch, khâu tầng sinh môn và những ngày khi vết khâu chưa lành là một nỗi ám ảnh. Vết khâu tầng sinh môn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người mẹ sau sinh, từ việc đi lại cho đến vấn đề tiêu hóa... đều khá bất tiện.
Chính vì điều này mà có không ít người thắc mắc: "Tại sao lại phải rạch tầng sinh môn?", "Thời xưa các bà các mẹ ít bị rạch mà bây giờ đa số đều phải rạch?", "Nếu không rạch thì sẽ ra sao?"...
Chia sẻ về vấn đề này, Th.S, BS Tạ Việt Cường (Phó giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2) cho biết: "Khi đầu em bé chui vào trong âm đạo của người mẹ để chuẩn bị ra ngoài thì thực tế lỗ mở âm đạo nhỏ hơn đầu em bé, vì vậy việc rạch tầng sinh môn nhằm mục đích để mở rộng khu vực này đồng thời tạo vết rách theo một hướng định sẵn, tránh rách phức tạp.
Rách phức tạp tầng sinh môn có nhiều cấp độ: Rách sâu vào bên trong âm đạo, rách đứt thớ trung tâm bên ngoài, rách cơ thắt hậu môn, rách trực tràng… Tất cả điều này khiến thành âm đạo mủn ra và việc khâu tầng sinh môn rất khó so với việc tạo ra một đường rách chủ động, vừa dễ khâu và cũng dễ phục hồi".
Trong 13 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Cường từng gặp những ca rách phức tạp tầng sinh môn, phải khâu 1-2 tiếng đồng hồ trong khi nếu là vết cắt chủ động thì việc khâu chỉ mất 10-15 phút. Bên cạnh đó, việc rạch tầng sinh môn cũng làm hạn chế tình trạng mất máu sau sinh vì có nhiều trường hợp mất rất nhiều máu do rách phức tạp. Việc chảy máu ở vùng dưới có thể tạo thành rối loạn đông máu, không cầm máu được, những điều này là rất nguy hiểm cho sản phụ.
Có không ít chị em vẫn mách nhau về những bài tập, cách massage, chế độ ăn uống để giúp không phải rạch tầng sinh môn. Tuy nhiên, BS Cường cho hay bản thân anh chưa bao giờ nghĩ đến việc rạch hay không rạch: "Vì như đã nói ở trên, việc rạch chủ động sẽ giúp tránh nguy cơ rách phức tạp. Hơn nữa, nếu không rạch sẽ làm em bé ra ngoài khó khăn hơn, nguy cơ lớn nhất là khiến bé bị ngạt, khi chào đời không khóc.
Vậy nếu đứng trước 2 sự lựa chọn, 1 là rạch, 2 là không rạch đợi âm đạo đủ giãn để bé chui ra nhưng có nguy cơ bị ngạt thì chắc chắn cả sản phụ và bác sĩ sẽ đều chọn cách an toàn hơn cho cả mẹ và bé.
Làm bác sĩ Sản thì chúng tôi luôn cân nhắc hướng đến mục tiêu an toàn cho mẹ và bé, chứ không phải mục tiêu là KHÔNG PHẢI RẠCH. Còn nếu một sản phụ nào đó nói với tôi là: "Em không muốn bị rạch tầng sinh môn" thì tôi sẽ trả lời là: "Vậy thì em hãy sinh mổ đi".
Việc đẻ thường hay đẻ mổ cũng đều có những nhược điểm, ưu điểm. Nhưng mục đích của chúng ta là làm sao để em bé ra đời khỏe mạnh chứ đừng quá quan trọng việc phải đẻ bằng phương pháp nào".
Nguồn:
http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bac-si-san-khoa-noi-ve-noi-so-hai-cua-nhieu-chi-em-mang-ten-rach-tang-sinh-mon-hoa-ra-neu-khong-rach-con-dang-so-hon-162201611090117353.htm
https://afamily.vn/bac-si-san-khoa-noi-ve-noi-so-hai-cua-nhieu-chi-em-mang-ten-rach-tang-sinh-mon-hoa-ra-neu-khong-rach-con-dang-so-hon-nua-2020111313512347.chn
https://mangyte.vn/news-bac-si-san-khoa-noi-ve-noi-so-hai-cua-nhieu-chi-em-mang-ten-rach-tang-sinh-mon-hoa-ra-neu-khong-rach-con-dang-so-hon-nua-412330.html
https://vietgiaitri.com/bac-si-san-khoa-noi-ve-noi-so-hai-cua-nhieu-chi-em-mang-ten-rach-tang-sinh-mon-hoa-ra-neu-khong-rach-con-dang-so-hon-20201116i5377727/
Hà Trang - Tổ Truyền thông