Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa đỡ đẻ thành công cho một thai phụ mang thai 40 tuần 2 ngày tuổi. Điều đặc biệt là em bé chào đời với trọng lượng 3.400gram, sinh thường và có tới 4 vòng tràng hoa (dây rau) quấn cổ.
Chị Vũ Thị T. (SN 1985, ở Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết trong suốt quá trình mang thai chị theo dõi thai kỳ chặt chẽ, đã quá ngày dự sinh (40 tuần, 2 ngày) vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ nên đi khám và phát hiện em bé trong bụng có vòng rau quấn cổ.
Khi đó, các cơ sở nơi chị T. đến khám đều tư vấn nên mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho em bé. Bản thân chị T. cũng lo lắng nên đã xuống Hà Nội khám và sinh em bé cho an toàn. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau khi thăm khám, bác sĩ tư vấn nên tách màng ối gây chuyển dạ, theo dõi đẻ thường. Kết quả, em bé đã chào đời bằng phương pháp đẻ thường khỏe mạnh với 4 vòng rau quấn cổ.
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường – Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (Cơ sở 2 Cảm Hội – Hà Nội) cho biết, với trường hợp em bé bị rau quấn cổ không nhất thiết phải chỉ định đẻ mổ, nếu được theo dõi sát sao với đầy đủ thiết bị hiện đại. “Bị dây rau quấn cổ không phải yếu tố cần phải đi mổ đẻ ngay”, bác sĩ Cường nói.
Theo phân tích của bác sĩ Cường, thông thường vòng rau quấn cổ khi chuyển dạ sẽ làm cho dây rốn bị kéo căng, điều đó khiến việc cung cấp ô xy cho thai kém đi, nếu không được theo dõi và phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng suy thai.
Tuy nhiên, nếu thai phụ ở các cơ sở y tế chuyên khoa, có đầy đủ trang thị bị thì không đáng lo ngại. “Thông thường cơn gò khi phụ nữ trở dạ thường không diễn ra ngay lập tức hay quá nhanh mà nó sẽ tăng lên dần dần. Trong khoảng thời gian đó bác sĩ sẽ theo dõi trên thiết bị chuyên dụng, nếu có dấu hiệu suy thai thì các bác sĩ sẽ chỉ định mổ cho thai phụ. Nếu không thì hoàn toàn có thể sinh thường được”, bác sĩ Cường cho hay.
Không chỉ trường hợp em bé bị dây rau quấn cổ, nếu dây rau ngắn cũng có thể gây nên tình trạng suy thai. “Với trường hợp trên, bé trai có tới 4 vòng dây rau quấn cổ chứng tỏ dây rốn em bé dài chứ không phải ngắn”, bác sĩ Cường nhận định.
Đối với trường hợp dây rốn dài hay ngắn, bác sĩ Cường cho rằng rất khó phát hiện ra trong quá trình mang thai. “Trong thời kỳ mang thai (chưa có cơn chuyển dạ), nếu em bị dây rau quấn cổ thì em bé cũng sẽ tự xay theo hướng ngược lại để “tháo” vòng dây rau ở cổ. Đó chính là bản năng sinh tồn của em bé ngay từ khi ở trong bụng mẹ”, bác sĩ Cường cho hay.
Theo bác sĩ Tạ Việt Cường, trong quá trình mang thai các thai phụ cần phải tuân thủ việc khám thai định kỳ theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ. Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được tư vấn, phát hiện và xử lý kịp thời.
Nguồn:
http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/di-kham-biet-con-trang-hoa-quan-co-4-vong-me-van-quyet-sinh-thuong-d246834.html
https://eva.vn/tin-tuc/di-kham-biet-con-trang-hoa-quan-co-4-vong-me-van-quyet-sinh-thuong-c73a443263.html
https://laodong.vn/suc-khoe/ca-sinh-thuong-be-trai-voi-4-vong-hoa-quan-co--829042.ldo
https://lamchame.vn/hiem-gap-be-trai-chao-doi-voi-4-vong-day-ron-quan-co-bang-phuong-phap-sinh-thuong-104534.html
https://baogialai.com.vn/channel/12396/202008/ca-sinh-thuong-be-trai-voi-4-vong-hoa-quan-co--5696267/index.htm
https://www.tin247.com/di-kham-biet-con-trang-hoa-quan-co-4-vong-me-van-quyet-sinh-thuong-18-27496056.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông