Tạo sự sống ngay trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất trong điều trị vô sinh – hiếm muộn.
Nguyên lý căn bản của kỹ thuật này là tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng thí nghiệm, để tạo thành phôi.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng kỹ thuật IVF đòi hỏi rất nhiều máy móc phức tạp. Bên cạnh đó, vì đối tượng thao tác là tinh trùng và trứng có kích thước hiển vi nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của các chuyên viên phôi học. Một thao tác nhầm, một cái rung lắc nhẹ cũng đủ để biến tất cả mọi thứ trở về con số “0”.
Một yếu tố khác cũng đặc biệt quan trọng trong kỹ thuật IVF đó chính là kiểm soát nhiễm khuẩn. Để có thể vào tác nghiệp bên trong phòng thụ tinh trong ống nghiệm của khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, PV Dân trí đã phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt, để hạn chế tối đa nguy cơ mang mầm bệnh vào bên trong khu vực vô trùng này.
Theo đó, bất kể ai muốn vào bên trong phòng thụ tinh ống nghiệm đều phải trải qua 2 lần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi thay áo quần thủ thuật (đã được khử khuẩn).
Tiếp đó, hệ thống air shower có dạng buồng kín sẽ thổi khí để loại bỏ các bụi bẩn còn lại trên người. Bên cạnh đó, các vật dụng mang theo cũng được sát trùng kỹ bằng cồn, để đảm bảo tính sạch khuẩn.
Theo BS Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phòng Thụ tinh ống nghiệm, IVF có thể được chia làm 5 bước chính:
Thu nhận trứng
Sau khi có chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm, người vợ sẽ bắt đầu chu kỳ kích thích buồng trứng. Sau khi nang trứng trưởng thành, các bác sĩ tiếp tục tiêm thuốc trưởng thành trứng và khoảng 36 tiếng sau, việc chọc hút trứng sẽ được thực hiện.
Các xi lanh có chứa tế bào trứng sẽ được đưa từ bên ngoài vào phòng thụ tinh ống nghiệm thông qua một kênh kết nối đặc biệt có tên là pass box.
“Pass box có hệ thống tạo áp lực dương. Nhờ vậy, toàn bộ không khí bẩn từ bên ngoài sẽ không thể đi ngược vào bên trong phòng thí nghiệm, đảm bảo tính sạch khuẩn của không gian này. Bên cạnh đó, pass box cũng có hệ thống bệ nhiệt, để đảm bảo xi lanh chứa trứng không bị sốc nhiệt khi chuyển đổi môi trường”, BS Thảo chia sẻ.
Sau khi trứng được đưa vào, các thao tác tìm trứng sẽ được tiến hành dưới kính hiển vi trong các buồng vô khuẩn, ở điều kiện nhiệt độ tối ưu. Theo BS Thảo, trong quá trình tìm trứng, chuyên viên sẽ luôn luôn có sự đối chiếu thông tin của bệnh nhân để đảm bảo sự chính xác.
Tế bào trứng sau khi được thu nhận sẽ được nuôi ủ trong các tủ cấy khoảng 2 giờ, trước khi tiến hành thụ tinh với tinh trùng.
Thu nhận tinh trùng
Vào thời điểm người vợ được chọc hút lấy tế bào trứng, thì người chồng cũng được lấy tinh trùng. Tinh trùng thường sẽ được lấy tươi từ việc xuất tinh. Tuy nhiên, một số trường hợp người chồng mắc bệnh lý sẽ được lấy tinh trùng bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật.
Tinh trùng sau khi thu nhận sẽ được lọc rửa bên ngoài, cất trữ và đưa vào phòng thí nghiệm vào thời điểm chuẩn bị thụ tinh. BS Thảo cho hay: “Mẫu tinh trùng cũng được đưa vào bên trong thông qua pass box như mẫu trứng, để đảm bảo nguyên tắc sạch khuẩn”.
Quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng
Theo BS Thảo, thực hiện thụ tinh nhân tạo giữa trứng và tinh trùng là bước quan trọng nhất và mang tính quyết định. Trước đây, với kỹ thuật IVF cổ điển, các bác sĩ chỉ đơn thuần là trộn tinh trùng với trứng và để tinh trùng tự thụ tinh. Tuy nhiên, công nghệ mới hiện nay là ICSI sẽ được tiến hành bằng cách tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn, dưới hệ thống kính hiển vi đảo ngược.
“Công nghệ này giúp giải quyết các rào cản mà IVF cổ điển không thể vượt qua như tinh trùng ít, yếu hay dị dạng, từ đó làm tăng tỉ lệ thụ tinh”, BS Thảo nhấn mạnh.
Theo quan sát của PV, công đoạn này đòi hỏi sự tập trung cao độ của chuyên viên thực hiện. Bằng một cần điều khiển, chuyên viên sẽ dùng kim rỗng khéo léo hút lấy tinh trùng đang bơi tự do vào bên trong; sau đó tiêm tinh trùng vào tế bào trứng đã chuẩn bị sẵn.
Nuôi cấy phôi
Trứng sau khi được thụ tinh với tinh trùng sẽ được tạo thành phôi. Phôi được chuyển nuôi cấy trong tủ nuôi cấy Timelapse (Tủ nuôi cấy liên tục tích hợp camera).
Hệ thống này có thể nuôi cùng lúc 15 đĩa, trên mỗi đĩa có thể theo dõi 16 phôi. Trong toàn bộ quá trình nuôi cấy, camera tích hợp sẽ chụp ảnh các phôi mỗi 10 phút/lần.
“Với hệ thống này, chúng tôi có thể theo dõi cùng lúc từng phôi một trong suốt toàn bộ quá trình nuôi cấy, thường là 3-5 ngày. Một điểm đặc biệt nữa là hệ thống tích hợp phần mềm đánh giá hình thái phôi tự động. Giúp lựa chọn phôi chính xác hơn, làm tăng tỷ lệ có thai”, BS Thảo phân tích.
Chuyển phôi
Sau thời gian nuôi cấy, các chuyên viên phôi học sẽ đánh giá phôi và đưa ra quyết định lựa chọn phôi cho các mục đích như chuyển phôi vào buồng tử cung bệnh nhân hoặc tiến hành đông phôi để sử dụng cho chu kỳ sau.
BS Thảo cho biết: “Với các phôi được làm đông, chúng tôi sẽ bảo quản trong các bình nitơ lỏng ở điều kiện -196 độ C, cho phép đảm bảo chất lượng của phôi trong một thời gian dài”.
Theo BSCKII Phạm Thúy Nga – Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, kỹ thuật IVF hiện nay đã có rất nhiều bước tiến lớn. Sự tiến bộ này được thể hiện từ khâu lựa chọn phác đồ kích thích buồng trứng, xét nghiệm tinh trùng cho đến thụ tinh hay chuyển phôi. Nâng cấp về công nghệ đã giúp làm tăng đáng kể tỷ lệ thành công trong IVF, đồng nghĩa với việc nhiều gia đình sẽ được đón nhận niềm vui hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/ben-trong-noi-se-duyen-cho-tinh-trung-va-trung-khoi-dau-mot-su-song-moi-20201023000104939.htm?fbclid=IwAR1TU06U57dsEZzsq1xnt6AMDR_QB5FqmIOVfU0-sgb4sYnoXByd3YSVVb8
Hà Trang - Tổ Truyền thông