Theo BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh – Phó trưởng khoa khám chuyên sâu, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mẹ bầu mang thai, em bé trong bụng ngày càng phát triển, tử cung lớn dần lên sẽ gây áp lực ngày càng nhiều lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến chúng giãn ra hoặc sưng lên. Nồng độ nội tiết tố progesterone gia tăng trong thai kỳ làm các cơ giãn ra, khiến các thành tĩnh mạch dễ bị phình lên. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng táo bón, bởi progesterone làm chậm nhu động ruột. Khi bị táo bón, sản phụ thường có xu hướng rặn mỗi khi khó đi tiêu, càng rặn thường xuyên càng gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh trĩ.
Ngoài ra, những yếu tố sau cũng tác động lên hậu môn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở mẹ bầu:
- Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.
- Ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu.
Bệnh trĩ đặc biệt phổ biến trong "tam cá nguyệt thứ ba", tức là từ tuần 28 tuổi thai trở đi, khi sản phụ đã trở nên nặng nề bởi sự phát triển của em bé trong bụng. Trong hầu hết trường hợp, nó có thể biến mất hoàn toàn mà không cần điều trị sau khi sản phụ sinh em bé, khi nồng độ nội tiết tố, lượng máu và áp lực trong ổ bụng bạn giảm về mức bình thường.
Khi sản phụ mắc trĩ, sản phụ có thể thấy ngứa và khó chịu nhẹ hoặc hết sức đau đớn. Đôi khi chúng gây chảy máu trực tràng, đặc biệt là khi sản phụ đi đại tiện. Bệnh trĩ cũng gây sinh khó do búi trĩ chèn ép, làm hẹp đường sinh thường. Nếu búi trĩ có kích thước lớn, máu chảy thành từng tia khi đi đại tiện. Trong trường hợp sa búi trĩ, búi trĩ không thể co lại mà lòi hẳn ra ống hậu môn sẽ gây ra các cơn đau khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đối với thai nhi, khi sản phụ bị trĩ sẽ bị khó khăn khi sinh thường, động tác rặn lúc sinh sẽ làm to các búi trĩ. Tác động đến búi trĩ và búi trĩ sa nhiều hơn có thể gây xung huyết chảy máu nặng nề dẫn đến hoại tử.
Khi mang thai bị bệnh trĩ, búi trĩ sẽ dễ sa ra ngoài dẫn đến tắc mạch gây đau đớn, khó chịu. Ảnh minh họa
Để tránh bị trĩ khi mang thai, sản phụ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Cần tránh bị táo bón
• Sử dụng thường xuyên và cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể bằng các loại trái cây và các quả mọng nước.
• Ăn các loại rau như bông cải xanh, rau cải.
• Dùng các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, bỏng ngô; các loại đậu như đậu lăng và đậu xanh.
• Có thể ăn các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt óc chó.
Cung cấp nhiều nước
• Cung cấp nhiều nước cho cơ thể. Phụ nữ mang thai nên uống hơn 4 lít nước mỗi ngày.
Đại tiện đúng giờ
• Hạn chế việc nhịn đi đại tiện khi có nhu cầu bởi có thể gây ra tình trạng táo bón, là nguyên nhân gây bệnh trĩ ở bà bầu.
• Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu trong thời gian dài. Nếu công việc văn phòng phải thường xuyên ngồi trước máy vi tính, hãy cố gắng dừng lại sau 30 phút, vận động nhẹ nhàng cơ thể bằng cách đi bộ (khoảng vài phút) để làm giảm áp lực lên khu vực hậu môn.
Ăn sữa chua
• Sữa chua giàu vi khuẩn probiotic giúp trị chứng táo bón, kích thích đường tiêu hóa và giúp mọi thứ di chuyển dễ dàng. Những vi khuẩn trong sữa chua giúp cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt quan trọng trong thai kỳ.
Khám thai định kì và thông báo với bác sĩ các triệu chứng của mình
• Nếu thường xuyên bị táo bón và tình trạng này không cải thiện, nên hỏi ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc nhuận tràng mà thai phụ có thể dùng.
• Khi mang thai, mẹ bầu không thể tùy tiện sử dụng các loại thuốc mà cần phải có chỉ định của bác sĩ. Do đó, tốt nhất là mẹ nên thăm khám bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.
Nguồn: https://giadinh.net.vn/song-khoe/benh-tri-o-ba-bau-anh-huong-nhu-nao-toi-me-va-con-20210726110034675.htm
Hà Trang - Tổ Truyền thông