Bước phát triển mới trong công tác chuyên môn
Hơn bốn mươi năm qua, từ một bệnh viện nhỏ bé với hơn 100 giường, đến nay Bệnh viện đã có gần 700 giường bệnh với hơn 1.500 cán bộ, công nhân viên cùng những trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp đáp ứng những tiêu chí của một Bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành Sản phụ khoa của Bộ Y tế.
Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Bệnh viện đã lập nhiều thành tích và có những bước phát triển mạnh mẽ trong côn tác chuyên môn. Mỗi năm, Bệnh viện thực hiện tới hơn 40 nghìn ca đẻ, hơn 20 nghìn ca phẫu thuật sản phụ khoa, hàng chục ngàn ca thủ thuật và gần một triệu lượt khám mỗi năm trong đó có rất nhiều ca bệnh khó, hiếm gặp đã được điều trị thành công. Bệnh viện đẩy mạnh và phát triển hiệu quả 7 mũi nhọn chuyên sâu, ngoài ra còn chú trọng và quan tâm sát sao tới công tác nghiên cứu khoa học. Tham gia nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có những đề tài đa quốc gia, đề tài cấp Nhà nước… có ý nghĩa rất lớn về mặt y học, đóng góp có giá trị cho nền y học Việt Nam. Bệnh viện là cơ sở đào tạo thực hành cho nhiều trường đại học y, dược và cao đẳng, trung cấp. Bệnh viện luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho các tuyến cơ sở của thành phố và 5 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc theo nhiệm vụ mà Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố đã giao phó.
Bên cạnh hoạt động hàng đầu về thực hiện các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe sinh sản, hiện nay Bệnh viện triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu, kỹ thuật hàng đầu trên thế giới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam như: Chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; hỗ trợ sinh sản; khám, sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư phụ khoa, ung thư vú; bệnh lý sa tạng chậu và các bệnh lý rối loạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh; gây mê hồi sức và các kỹ thuật giảm đau; sơ sinh non tháng; công nghệ thông tin trong quản lý và nâng cao chất lượng bệnh viện.
Kết quả, năm 2018, tổng số khám sàng lọc là 15.068 lượt vượt 185,6% so với kế hoạch. Những kỹ thuật sàng lọc trước sinh thường quy được thực hiện ở tất cả các khách hàng quản lý thai tại Bệnh viện. Những kỹ thuật mới về y sinh học di truyền phân tử, chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh liên tục được cập nhật. Bệnh viện là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam mạnh dạn học hỏi và áp dụng kỹ thuật sàng lọc không xâm lấn NIPT - một kỹ thuật sàng lọc hiện đại nhất trên thế giới. Năm 2018, Bệnh viện định hướng phát triển kỹ thuật điều trị can thiệp bao thai. Đây là một hướng đi mới, nâng tầm uy tín của trung tâm với các bệnh viện chuyên ngành sản trong và ngoài nước.
Bệnh viện đã luôn được nhắc đến với nhiều kỳ tích nổi bật, ấn tượng nhất tháng 7 năm 2007 là thành quả IVF đầu tiên của Khoa Hỗ trợ sinh sản ra đời - bé trai 34 tuần tuổi với cân nặng 2.400gr. Đó là phần thưởng lớn lao cho sự miệt mài, tận tụy trong lao động của tập thể nhân viên Khoa Hỗ trợ sinh sản. Sau ba năm xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ tốt, tay nghề vững vàng, Khoa Hỗ trợ sinh sản đã trở thành đơn vị IVF độc lập. Năm 2012, Khoa Hỗ trợ sinh sản được đánh giá là một trong những đơn vị IVF mạnh trọng cả nước. Tháng 10 năm 217, cùng với sự phát triển về lĩnh vực nam học trong ngành Hỗ trợ sinh sản, Khoa Hỗ trợ sinh sản chính thức đổi tên thành Khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học nhằm chăm sóc, điều trị một cách toàn diện nhất cho những cặp vợ chồng vô sinh đến khám, điều trị tại Bệnh viện. Trong những năm gần đây, Khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học liên tục cập nhật những kỹ thuật mới và mở rộng hơn chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe tiền mang thai để có những đánh giá tổng quát về sức khỏe và sức khỏe sinh sản cho các cặp đôi, nhằm chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với sức khỏe toàn diện và những đứa con sinh ra khỏe mạnh. Có thể nói, tại thời điểm này, các kỹ thuật tiên tiến về IVF trên thế giới đều được thực hiện tại Khoa. Bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đặc biệt là yếu tố con người luôn được Bệnh viện chú trọng phát triển. Những số liệu thống kê cho thấy lượng người khám, số chu kỳ IVF, số trẻ IVF tại khoa ra đời ngày càng tăng. Những thành quả đó chính là động lực để Bệnh viện tiếp tục phát triển những mũi nhọn đã đề ra.
Tiếp theo đó, trong 10 năm qua, Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh non tháng, nâng cao chất lượng điều trị, liên tục cập nhật, học hỏi và ứng dụng những kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh trên thế giới, đồng thời không ngừng đưa ra những giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có nhằm đảm bảo quyền được điều trị tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, đội ngũ bác sĩ nhi hoa của Bệnh viện đã tích cực học tập tham gia các đề tai nghiên cứu, các lớp học tại nước ngoài hay trong nước được giảng dạy bởi các chuyên gia đầu ngành về trẻ sơ sinh của thế giới, cập nhật liên tục các kỹ thuật mới về chăm sóc sơ sinh non tháng tại các Bệnh viện Nhi hàng đầu trên thế giới.
Trung bình mỗi ngày Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận 140 trẻ. Khoa cứu sống nhiều trẻ sơ sinh nặng, sơ sinh non yếu với cân nặng rất thấp, cực thấp (trẻ <2.500 gam: 3.609 trẻ). Trẻ sơ sinh có cân nặng thấp nhất được cứu sống là trẻ 650gr - 26 tuần tuổi.
Chưa kể hết, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong những Bệnh viện đi tiên phong trong ngành sản khoa điều trị hóa chất với bệnh nhân ung thư. Có thể nói, đây là chiến lược phát triển rất táo bạo, nhiều thử thách nhưng mang nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng. Tại Bệnh viện, khi khách hàng đăng ký sàng lọc ung thư, sẽ lập hồ sơ điện tử theo dõi riêng đến trọn đời nếu khách hàng có nhu cầu. Đến kỳ khám, kiểm tra, đội ngũ chăm sóc khách hàng của Bệnh viện sẽ nhắc lịch để đi khám định kỳ. Hỗ trợ tối đa nhất để khách hàng có thể sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị thành công ung thư sản phụ khoa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Tích cực hoạt động trong chỉ đạo tuyến và đón đầu về công nghệ
Ngoài công tác chuyên môn, Bệnh viện luôn nêu cao hoạt động chỉ đạo tuyến. Nói đến chỉ đạo tuyến là nói đến việc hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới và thực hiện việc quản lý chuyển tuyến, thông tin hai chiều giữa tuyến trên, tuyến dưới trong hệ thống khám, chữa bệnh.
Là một nhiệm vụ không thể thiếu đối với một Bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế, đồng thời cũng là bệnh viện - trường - là cơ sở thực hành của rất nhiều trường đại học và cao đẳng y tế. Trong nhiều năm qua, bệnh viện luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo tuyến của mình.
Hiện nay, mạng lưới chuyên khoa Phụ sản bao gồm 25 bệnh viện có chuyên khoa sản, 4 nhà hộ sinh, 30 trung tâm y tế tuyến quận, huyện và là bệnh viện tuyến cuối của 5 tỉnh (bao gồm 6 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa Sản Nhi).
Với vai trò chuyên khoa đầu ngành, Bệnh viện đã triển khai thực hiện và giám sát việc tổ chức hỗ trợ hoạt động chuyên môn, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị trong toàn tuyến. Thu thập báo cáo, tổ chức hội nghị tuyến thường niên.
Song song với đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đơn vị dẫn đầu trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới trong phong trao phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Trong 10 năm cho thấy Bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu theo kế hoạch bao gồm: Điều trị ngoại trú, điều trị nội trú. Số lượng khám và điều trị tăng theo thời gian. Đặc biệt, sau 10 năm, bệnh viện đã có những con số gấp đôi. Có được những thành tích này là nhờ những cải tiến, những sáng kiến trong lao động, sự quản lý, sắp xếp chặt chẽ và hợp lý của tất cả các Khoa, Phòng lâm sàng cũng như các Phòng, Ban chức năng trong Bệnh viện. Nếu như quá tải bệnh nhân là một trong những vấn đề nan giải của các Bệnh viện thì trong 4 năm trở lại đây, bệnh viện đã thực sự giải quyết được vấn đề này dù lượng khách hàng khám ngày một đông.
Chỉ trong năm 2018, Bệnh viện đã có nhiều sáng kiến cải tiến và thực hiện nhiều kỹ thuật mới nhằm tối ưu hiệu quả công tác điều trị, đảm bảo cho khách hàng quyền lợi được khám và điều trị một cách tốt nhất: Dùng bóng BT-CATH (BALLOON TAMPONADE CATHETER) điều trị chảy máu sau đẻ; triển khai kỹ thuật tắm khô cho sản phụ; ứng dụng công nghệ Plasma lạnh trong hỗ trợ điều trị; sử dụng logo cho nhân viên đón bé. Kỹ thuật đo chỉ số xung của động mạch tử cung sàng lọc TSG sớm thai kỳ; áp dụng “kỹ thuật Lisa” (kỹ thuật bơm surfactant ít xâm nhập) trong điều trị hội chứng suy hô hấp cho trẻ sơ sinh…
Có thể nói, ít có Bệnh viện nào đông đảo cán bộ, công nhân viên tham gia phong trào sáng tạo, phát huy đề tài sáng kiến phục vụ hiệu quả thực tiễn hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong những năm gần đây, số lượng đề tài cơ sở luôn đạt trên 20 đề tài mỗi năm, các khoa, phong trung tâm và các bộ phận luôn có những đề tài tham gia. Đặc biệt, trong hai năm 2017 và 2018, Bệnh viện tham gia hai đề tài cấp Nhà nước và ba đề tài cấp đa quốc gia. Cụ thể, trong năm 2018, Bệnh viện thực hiện: 25 đề tài cấp cơ sở; 10 sáng kiến cải tiến 2 đề tài cấp bô; 2 đề tài cấp thành phố; 2 đề tài cấp Nhà nước. Ngoài ra, còn có hơn 20 bài báo quốc tế được đăng trên những tạp chí uy tín về y học, khoa học trên thế giới do các bác sĩ của Bệnh viện là tác giả.
Với những nỗ lực không ngừng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2018; Bằng khen cảu Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua của Bộ Y tế; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Giấy khen của Sở Y tế Hà Nội; Ủy ban nhân dân quận Ba Đình; phường Ngọc Khánh…
Nguồn: https://moha.gov.vn/danh-muc/benh-vien-phu-san-ha-noi-but-pha-phat-trien-manh-me-thanh-tuyen-dau-san-phu-khoa-viet-nam-45635.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông