Chị Nguyễn Thị Quỳnh Chi (26 tuổi, ở Nam Định) đang mang thai con đầu lòng ở tuần 12. Mặc dù thai kỳ khỏe mạnh song chị luôn lo lắng, bởi trước đây từng chứng kiến bạn thân phải cấp cứu vì tiền sản giật. Căn bệnh này khiến người bạn của chị suýt mất mạng. Chị Chi luôn sợ mình sẽ giống bạn nhưng không biết làm thế nào để tránh tiền sản giật. Tại phòng khám thai và bệnh viện địa phương, các bác sĩ chỉ hướng dẫn chị làm xét nghiệm dị tật cho thai, không nhắc tới căn bệnh này.
Tình cờ chị biết Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang sàng lọc tiền sản giật cho thai phụ. Tìm tới Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Chi đã được xét nghiệm tiền sản giật. Kết quả cho thấy chị có nguy cơ mắc tiền sản giật và được các bác sĩ cho điều trị dự phòng.
“Tôi rất bất ngờ với kết quả. Không ngờ tôi cũng có nguy cơ mắc giống bạn mình. Tuy nhiên, việc điều trị dự phòng giúp tôi yên tâm, không còn bất an như trước”, chị Chi chia sẻ.
Chị Chi là một trong gần 200 thai phụ có nguy cơ cao với tiền sản giật, đang được quản lý thai kỳ tại Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo các chuyên gia, tiền sản giật (hay nhiễm độc thai nghén) là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp đối với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Các biểu hiện của tiền sản giật có thể kể đến là cao huyết áp, mức protein trong nước tiểu gia tăng… Hầu hết phụ nữ mắc bệnh này có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên một số trường hợp có thể bị biến chứng như rau bong non, sản giật.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt, tuy vậy tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh. Các trường hợp tiền sản giật có biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ nếu không được điều trị kịp thời.
Tiền sản giật và các biến chứng cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Tiền sản giật xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai có nguy cơ dẫn đến sinh non. Một số trường hợp tiền sản giật nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong trong bụng mẹ.
Thực tế, 76.000 bà mẹ và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm do căn bệnh này. Tuy nhiên, đáng mừng là hiện nay tiền sản giật có thể được sàng lọc và dự phòng. Việc sàng lọc tiền sản giật sẽ giúp phát hiện các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao và điều trị dự phòng, ngăn ngừa, làm chậm sự khởi phát của bệnh. Nhờ đó, quá trình mang thai diễn ra an toàn, thai nhi có thời gian để phát triển.
|
Mẹ an tâm hơn khi xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật.
|
Sàng lọc tiền sản giật được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây, tuy nhiên ở nước ta, kỹ thuật này khá mới mẻ. Với tinh thần là bệnh viện tuyến cuối từ năm 2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ Y tế. Bệnh viện luôn có một bộ phận cập nhật những kiến thức hữu ích trên thế giới về sản, phụ khoa để áp dụng phương pháp chẩn đoán, điều trị mới.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mang đến phương pháp sàng lọc tiền sản giật chuẩn quốc tế. Hiện chi phí xét nghiệm dao động khoảng 1,2-1,5 triệu đồng. Nhằm chung tay cùng cộng đồng để nâng cao nhận thức, giảm thiểu mắc tiền sản giật, bệnh viện miễn phí chi phí xét nghiệm sàng lọc bệnh này cho tất cả thai phụ có tuổi thai từ 11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày trong thời gian đến hết tháng 2/2021. Những người được chẩn đoán có nguy cơ cao sẽ được quản lý thai tại bệnh viện, miễn phí chi phí khám thai cho tới lúc sinh.
Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Khi xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật các thai phụ sẽ được đo huyết áp, siêu âm đo doppler động mạch tử cung, lấy máu xét nghiệm. Qua hệ thống phần mềm tính toán nguy cơ, thai phụ được phân loại nguy cơ thấp và cao. Việc điều trị dự phòng sẽ được áp dụng với những thai phụ có nguy cơ cao.
SĐT: 0326858585 (liên hệ giờ hành chính từ thứ hai tới thứ sáu)
Địa chỉ: Phòng 219, tầng 2 nhà B, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội.
Nguồn: https://zingnews.vn/benh-vien-phu-san-ha-noi-mien-phi-xet-nghiem-sang-loc-tien-san-giat-post1165685.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông