Trong chương trình Khám, chữa bệnh từ xa, BV Phụ sản Hà Nội tổ chức kết nối với nhiều đầu cầu như BV Sản nhi Bắc Ninh, BV Sản nhi Bắc Giang, TTYT Thanh Thủy (Phú Thọ), BV Đa khoa Đan Phượng (Hà Nội) , TTYT Phúc Thọ (Hà Nội),… để tư vấn, khám chữa bệnh cho một số ca bệnh phức tạp.
Các bác sĩ tham gia chương trình đều là những chuyên gia đầu ngành của BV Phụ Sản Hà Nội như ThS.BS Nguyễn Cảnh Chương - GĐ Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến; TS.BS Trần Thế Quang - Trưởng khoa Gây mê hồi sức tự nguyện; ThS.BS Chuyên khoa II Phạm Thu Phương - Phó khoa Sơ sinh; TS.BS Đinh Thùy Linh - Phó GĐ Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; ThS.BS Dương Hồng Chương (Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh); ThS.BS Chuyên khoa II Trương Minh Phương - Phó Trưởng khoa A4,...
Trong số các ca bệnh cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia BV Phụ sản Hà Nội có 2 ca bệnh phức tạp nhất tại BV Sản nhi Bắc Ninh. Cụ thể, ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân 29 tuổi, thai lần 1 ở tuần 37, được chẩn đoán ban đầu thai nhỏ so với tuổi thai và hẹp eo động mạch chủ. Đây được nhận định là ca khó về chẩn đoán.
|
Các chuyên gia BV Phụ sản Hà Nội đang trao đổi với các y, bác sĩ của BV Sản nhi Bắc Ninh |
|
ThS.BS Nguyễn Cảnh Chương - GĐ Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến chỉ đạo chương trình |
Theo Ths.BS Dương Hồng Chương (Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh, BV Phụ Sản Hà Nội), để phân biệt được thai nhỏ so với tuổi thai hay thai chậm phát triển trong tử cung cần quan tâm đến vấn đề cân nặng. Hơn nữa, nếu là thai chậm phát triển thì sẽ có bất thường về Doppler và nước ối. Còn thai nhỏ so với tuổi thai không có bất thường về Doppler cũng như nước ối. Với cân nặng nhỏ hơn so với tuổi thai và sự bất thường về Doppler trong trường hợp bệnh nhân này thì có thể kết luận đây là ca thai chậm phát triển trong tử cung.
Còn về dấu hiệu để chẩn đoán thai có bị hẹp eo động mạch chủ, Ths.BS Dương Hồng Chương cho biết đầu tiên phải quan sát 2 vùng thất, siêu âm cho thấy thất phải to hơn thất trái. Thứ 2 là có đảo ngược dòng chảy trong ống động mạch và ống động mạch giãn rộng và dấu hiệu thứ 3 là eo động mạch chủ đo ở mặt cắt 3 mạch máu khí quản sẽ nhỏ (trong tiêu chuẩn để kết luận bị hẹp eo động mạch chủ).
BS Dương Hồng Chương cho rằng việc chẩn đoán trước sinh rất quan trọng để giúp sản phụ có thể lựa chọn được tuyến sinh phù hợp, từ đó sẽ hồi sức sơ sinh kịp thời.
|
Ths.BS Dương Hồng Chương (Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội) tư vấn cho ca bệnh thai nhi chậm phát triển tại BV Sản nhi Bắc Ninh |
ThS.BS Nguyễn Cảnh Chương - GĐ Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến cho rằng, nếu ca bệnh được chẩn đoán là hẹp eo động mạch chủ thì việc điều trị, xử lý, cấp cứu ban đầu ngay khi em bé ra đời sẽ gặp nhiều khó khăn. Ở các địa phương đa số các BV sẽ không đủ năng lực nên cần phải chuyển lên BV tuyến trên để có những xử lý kịp thời.
Là chuyên gia về sơ sinh, ThS.BS Chuyên khoa II Phạm Thu Phương - Phó khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội cho biết bệnh hẹp eo động mạch chủ chiếm 8% trong các bệnh về tim bẩm sinh. Sau khi hồi sức sau sinh, em bé sẽ được chuyển về khoa sơ sinh và được siêu âm ngay. Nếu được chẩn đoán là hẹp eo động mạch chủ thì em bé sẽ được chuyển sang BV Nhi Trung ương ngay gần BV Phụ sản Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia tim mạch sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, với tỷ lệ thành công lên đến trên 90%.
|
ThS.BS Chuyên khoa II Phạm Thu Phương - Phó khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ về phác đồ điều trị cho ca bệnh được chẩn đoán là hẹp eo động mạch chủ |
Ca bệnh thứ 2, sản phụ 27 tuổi, khi vào viện thai 32 tuần, bị tiền sản giật nặng với những diễn biến phức tạp. Sau tiến trình điều trị 17 ngày, hiệu quả điều trị không cao. Theo các chuyên gia của BV Phụ sản Hà Nội, khi đã cung cấp phác đồ điều trị mà bệnh tình bệnh nhân không thuyên giảm thì việc đưa em bé ra đời là phù hợp để cứu sống em bé.
Chia sẻ về việc đình chỉ thai kỳ khi sản phụ bị tiền sản giật, ThS.BS Chuyên khoa II Trương Minh Phương - Phó Trưởng khoa A4 cho biết câu kim chỉ nam trong bệnh lý tiền sản giật là ưu tiên cứu mẹ. Khi bệnh tình tiền sản giật của sản phụ nặng hơn và khi tuổi thai hơn 34 tuần, đã được tiêm trưởng thành phổi, em bé ra đời có thể nuôi được thì việc đình chỉ thai kỳ sớm là phù hợp.
|
ThS.BS Chuyên khoa II Trương Minh Phương - Phó Trưởng khoa A4 phát biểu tại chương trình |
ThS. BS Nguyễn Cảnh Chương - GĐ Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến cũng nhấn mạnh chỉ định đình chỉ thai kỳ trong trường hợp này là cần thiết. Bởi, sản phụ đã được chẩn đoán đúng bệnh và được điều trị nhưng hiệu quả không cao. Thứ 2, tuổi thai được hơn 34 tuần, đã được tiêm trưởng thành phổi, em bé ra đời có thể phát triển độc lập.
Chia sẻ về chương trình Khám, chữa bệnh từ xa của BV Phụ sản Hà Nội, ThS. BS Nguyễn Cảnh Chương - GĐ Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến cho biết mỗi tháng, BV Phụ sản Hà Nội tổ chức 2 đến 3 buổi khám, chữa bệnh từ xa để tư vấn, hỗ trợ cho các BV, TTYT tuyến dưới xử lý các ca bệnh phức tạp.
Mỗi buổi làm việc, BV Phụ sản Hà Nội sẽ kết nối với 7-8 BV, TTYT tuyến dưới. Dựa vào những chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng các đơn vị tuyến dưới cung cấp, các chuyên gia BV Phụ sản Hà Nội sẽ đưa ra những tư vấn, phác đồ điều trị tiếp theo để các BV, TTYT tuyến dưới tham khảo và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các bệnh nhân.
So sánh về hoạt động hội chẩn trực tuyến trước đây so với chương trình Khám, chữa bệnh từ xa Telehealth hiện nay, ThS.BS Nguyễn Cảnh Chương - GĐ Trung tâm Đào tạo Chỉ đạo tuyến nhấn mạnh kết nối đa điểm chính là một ưu thế của chương trình Khám, chữa bệnh từ xa. Nếu như hoạt động hội chẩn trực tuyến trước đây chỉ thực hiện ở 2 đầu cầu thì nay, chương trình Khám, chữa bệnh từ xa có sự tham gia của nhiều đầu cầu, trong đó có 1 đầu cầu trung tâm và các đầu cầu địa phương. Trong số các đầu cầu địa phương sẽ có những đầu cầu dự thính (đầu cầu này chỉ nghe được do còn hạn chế về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin).
Hơn nữa, trong chương trình Khám, chữa bệnh từ xa, bệnh nhân được khám, chữa bệnh, thậm chí phẫu thuật theo thời gian thực. Tức là, bác sĩ tuyến dưới khám bệnh, bác sĩ tuyến trên có thể nhìn thấy được để xem họ khám, xử lý đã tốt hay chưa, cần tư vấn, giúp đỡ gì không? Nhờ đó, bác sĩ tuyến trên có thể hỗ trợ bác sĩ tuyến dưới thực hiện ca phẫu thuật thành công nhất có thể.
Ở các đơn vị đầu cầu trung tâm, khi thực hiện các ca khám bệnh, các ca phẫu thuật, việc truyền tải các ca bệnh theo thời gian thực sẽ giúp cho các đơn vị đầu cầu tuyến dưới học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng xử lý các ca bệnh sao cho hiệu quả.
|
TS.BS Trần Thế Quang - Trưởng khoa Gây mê hồi sức tự nguyện tư vấn về những phương pháp xử lý khi sản phụ bị tiền sản giật |
|
TS.BS Đinh Thùy Linh - Phó GĐ Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tư vấn tại chương trình |
|
Hình ảnh từ đầu cầu BV Phụ sản Hà Nội |
|
Hình ảnh các đầu cầu đơn vị tuyến dưới
|
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/bv-phu-san-ha-noi-tu-van-ho-tro-cac-ca-kho-tu-bv-tuyen-duoi-233634.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông