Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú trên thế giới ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và hàng thứ 3 về tỷ lệ tử vong ở nữ giới.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Phúc – Bộ phận Ung thư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hiện nguyên nhân gây ra ung thư vú vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết được rằng bệnh xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường và phân chia nhanh hơn so với các tế bào khỏe mạnh khác. Các tế bào trên tích tụ tạo thành một khối u có thể lây lan đến mô lân cận hoặc những bộ phận khác của cơ thể.
Ước tính có khoảng 5 – 10% ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen và mang tính di truyền. Những yếu tố di truyền được xác định gồm gen 1 (BRCA1) và gen 2 (BRCA2) là tác nhân gây ung thư. Nếu trong gia đình mẹ bị ung thư vú, thì con gái và cháu gái thường có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
Ung thư vú rất phổ biến ở nữ giới. Cứ 8 phụ nữ thì có 1 người có khả năng mắc bệnh. Phụ nữ ở tất cả các độ tuổi, sắc tộc đều có thể mắc phải ung thư vú. Ngoài ra, những người bị đột biến ADN tế bào vú khiến cho các tế bào bị mất kiểm soát trong quá trình phát triển cũng rất dễ mắc phải bệnh này. Thống kê của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, mỗi năm nước ta có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỷ lệ 9,2%).
10% bệnh nhân không có khối u
Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:
Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay
Xuất hiện khối u cứng ở vú
Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng
Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy.
Vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau.
Theo BS Nguyễn Đức Phúc, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nữ giới có thể tăng cao do các yếu tố: Tuổi tác: càng lớn tuổi, nguy cơ bị bệnh càng cao. Tiền sử gia đình: nếu mẹ, con gái hoặc chị gái bạn bị ung thư vú, khả năng mắc bệnh sẽ lớn hớn. Đột biến gen di truyền BRCA1 và BRCA2. Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn. Sinh con lần đầu khi lớn tuổi hoặc chưa bao giờ sinh con. Dùng các loại hormone kết hợp như estrogen và progestin để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Tiền sử ung thư biểu mô tuyến vú hoặc tiểu thùy tuyến vú. Ngoài ra còn có các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú như: Uống thức uống có cồn, béo phì hay từng chụp nhũ ảnh…
Phụ nữ trên 30 tuổi nên tự khám
Theo TS. BS. Nguyễn Đức Phúc thì phụ nữ trên 30 tuổi nên thường xuyên tự khám để kiểm tra vú: Tay phải kiểm tra vú trái, tay trái kiểm tra vú phải. Thời gian thích hợp để tự kiểm tra là ngay sau kỳ kinh, vú đã mềm. Sờ nắn xem có khối u, cục như hạt lạc hạt ngô k? Hốc nách có nổi cục? và nặn đầu nhũ hoa xem có ra dịch, ra máu…
Hãy đi khám nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi khác thường nào ở vú. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số biện pháp xét nghiệm và kiểm tra sau để chẩn đoán ung thư vú, bao gồm:
Kiểm tra tổng quát và tìm hiểu tiền sử gia đình: bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát cơ thể bạn, bao gồm xác định khối u hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Bác sĩ cũng sẽ hỏi và điều tra về thói quen sinh hoạt và tiền sử bệnh lý của gia đình bạn.
Kiểm tra vú: bác sĩ sẽ kiểm tra và tìm kiếm khối u hay các dấu hiệu bất thường ở vú và vùng dưới cánh tay.
Siêu âm vú: siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm năng lượng cao giúp các bác sĩ kiểm tra được các mô và cơ quan trong cơ thể. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định các bất thường trong vú. Kết quả siêu âm có thể được in ra và lưu lại.
Chụp MRI (cộng hưởng từ): phương pháp này giúp bác sĩ theo dõi một loạt các hình ảnh ở cả hai tuyến vú.
Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu nhằm xác định các chất trong máu được giải phóng bởi các cơ quan hoặc các mô trong cơ thể. Nồng độ cao hoặc thấp bất thường của một chất nào đó có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh nhất định.
Sinh thiết: quan sát các mô và tế bào dưới kính hiển vi để tìm ra dấu hiệu ung thư. Nếu phát hiện khối u ở vú, các bác sĩ có thể lấy mẫu mô hoặc tế bào của khối u này để thực hiện xét nghiệm. Có 4 phương pháp sinh thiết, bao gồm:
Sinh thiết cắt bỏ: loại bỏ toàn bộ khối u.
Sinh thiết một phần: lấy một mẫu của khối u hoặc mô để kiểm tra.
Sinh thiết trích mô dùng kim lớn: lấy mô bằng cách dùng kim lớn.
Sinh thiết chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: lấy mô bằng cách dùng kim nhỏ.
Điều trị khi phát hiện bệnh
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú thích hợp dựa trên các yếu tố sau: Loại ung thư vú; Giai đoạn bệnh; Kích cỡ khối u; Sự nhạy cảm của tế bào ung thư với hormone; Tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân…
Có 5 phương pháp điều trị bao gồm:
Phẫu thuật: Tùy từng mức độ, giai đoạn bệnh mà bác sỹ có thể
- Phẫu thuật bảo tồn (giữ lại vú): Phẫu thuật này chỉ loại bỏ khối u trong vú (thường trong giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ, chưa có hạch di căn).
- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú.
- Phẫu thuật cắt bỏ tận gốc tế bào ung thư. Phẫu thuật này nhằm loại bỏ toàn bộ vú có tế bào ung thư, các hạch bạch huyết dưới cánh tay, lớp thành ngoài cơ ngực.
Thông thường trong điều trị ung thư vú thì phương pháp phẫu thuật được tính đến đầu tiên nhưng trong trường hợp nếu phát hiện muộn, khối u to quá thì sẽ hóa trị cho khối u giảm kích thước trước rồi phẫu thuật sau.
Xạ trị: Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao hoặc các dạng tia phóng xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư hay ngăn ngừa chúng phát triển.
Hóa trị: Hóa trị là sử dụng thuốc để làm các tế bào ung thư ngừng phát triển. Phương pháp này có thể được sử dụng để làm giảm sự phát triển của khối u trước khi phẫu thuật loại bỏ. Hóa trị cũng có thể được dùng sau phẫu thuật để ngăn ngừa khối u tái phát triển.
Liệu pháp hormone: Phương pháp này được dùng để ngăn chặn hoạt động của các loại hormone và không cho khối u ung thư phát triển. Liệu pháp hormone chỉ phát huy tác dụng với các loại ung thư vú có liên quan đến hormone.
Liệu pháp điều trị trúng đích: Đây là liệu pháp sử dụng thuốc hoặc các hóa chất khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Những loại thuốc và chất này có thể bao gồm:
Kháng thể đơn dòng.
Thuốc ức chế tyrosine kinase.
Chất ức chế cyclin-CDKs nội tiết.
Bệnh nhân ung thư vú có thể được chỉ định một hoặc nhiều phương pháp kết hợp. Bác sĩ sẽ là người lựa chọn cách thức điều trị phù hợp.
Điều trị sau ung thư vú:
Thông thường bệnh nhân ung thư vú thường được hẹn tái khám sau 1 tháng, 3 tháng hay sau tháng tùy theo phác đồ điều trị. Những kiểm tra thường được tiến hành bao gồm:
- Khám trực tiếp
- Xét nghiệm máu
- Chụp Xquang thẳng vùng ngực (hay gặp di căn phổi với bệnh nhân ung thư vú)
- Siêu âm ổ bụng và phần phụ (hay gặp di căn gan với bệnh nhân ung thư vú)
Đối với các bệnh nhân ung thư vú do nội tiết tố dễ bị di căn buồng trứng.
Chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư vú:
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư. Có đến 50 - 80% người bệnh ung thư bị sụt cân và 20% người bệnh ung thư chết do suy dinh dưỡng nặng. Bệnh nhân ung thư vú trong thời gian điều trị nên ăn uống đủ chất để có sức khỏe đáp ứng được những yêu cầu của phác đồ điều trị và đặc biệt trong các đợt truyền hóa chất, phẫu thuật, xạ trị nên:
- Tăng cung cấp các chất dinh dưỡng cao trong khẩu phần, tăng các vitamin và vi chất dinh dưỡng, đặc biệt các thực phẩm có chứa nhiều chất chống ôxy hóa. Các chất xơ và các chất chống ôxy hóa nên cung cấp nhiều trước và sau các đợt điều trị nhằm giảm thiểu việc làm giảm tác dụng của các đợt truyền hóa chất, xạ trị… Các bữa ăn cũng nên được ăn trước hoặc sau 4 giờ trước hoặc sau khi điều trị.
- Nên chọn các món ăn, các thực phẩm theo sở thích của bệnh nhân, chế độ ăn lúc đầu cần cung cấp nhiều năng lượng được cung cấp từ tinh bột sau đó tăng dần lượng đạm, chất xơ nhằm đảm bảo tiêu hóa tốt cho bệnh nhân…
Trong quá trình điều trị, nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Không nên tự động uống các loại thuốc lá, thuốc nam hay sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng không có chỉ định của bác sĩ.
Tầm soát ung thư vú
Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh. Hiện việc tầm soát ung thư vú đã được làm ở các nước phát triển và đang bắt đầu được áp dụng ở Việt Nam. Các phương pháp được áp dụng trong chương trình tầm soát ung thư vú: Tự khám vú; Khám lâm sàng tuyến vú; Siêu âm tuyến vú; Nhũ ảnh; Xét nghiệm cận lâm sàng như chọc hút bằng kim nhỏ (FNA – Fine Needle Aspiration) và sinh thiết...
Theo TS.BS Nguyễn Đức Phúc – Bộ phận Ung thư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hiện nguyên nhân gây ra ung thư vú vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết được rằng bệnh xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường và phân chia nhanh hơn so với các tế bào khỏe mạnh khác. Các tế bào trên tích tụ tạo thành một khối u có thể lây lan đến mô lân cận hoặc những bộ phận khác của cơ thể.
Nguồn: https://guu.vn/diem-tin/buoc-sang-nguong-30-phu-nu-nen-canh-giac-voi-ung-thu-vu-5d9192442f01bb13112d824d.html
Thu Linh - Tổ Truyền thông