Thành công bắt đầu từ những nỗ lực
Sinh ra và lớn lên tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vốn truyền thống hiếu học, bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã nỗ lực liên tục 12 năm liền đạt học sinh giỏi và nhiều giải cao trong các kì thi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Biến ước mơ được trở thành bác sĩ khám chữa bệnh cứu người trước những rào cản của gia đình không ủng hộ vì sợ con gái vất vả, bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã cố gắng rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Năm 2001, chị đã trở thành cô sinh viên của trường y. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng chị cũng vẫn không khỏi bất ngờ về chương trình học dày đặc của trường. Chị bắt đầu thấy thấm thía câu nói: “Sinh viên trường y ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện bình thường” vẫn được các anh chị khóa trước truyền miệng. Miệt mài học tập, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã nhiều năm đạt sinh viên giỏi, được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhờ “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học” với đề tài “Bệnh bạch cầu cấp thể tủy và thể limpho ở trẻ em, so sánh lâm sàng, huyết học và đáp ứng với điều trị”.
Kết thúc 6 năm, được nhận bằng bác sĩ với nhiều thành tích, chị được nhận về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Công tác trong bệnh viện chuyên khoa hạng I của Thủ đô, bác sĩ Nguyễn Thị Sim tự động viên mình cần trau dồi kiến thức chuyên khoa và luôn giữ vững cái tâm của nghề - hết lòng yêu thương bệnh nhân cũng như vượt qua mọi cám dỗ của cơ chế thị trường. Phải làm sao cho xứng với lời thề Hippocrates mà mình đã đọc.
“Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ” vốn tính ham học, ngay sau đi làm 2 năm bác sĩ Nguyễn Thị Sim tiếp tục trở thành cô sinh viên trẻ nhất khóa chuyên khoa I ngành sản khóa 15, và hoàn thành khóa học một cách xuất sắc. BSCKI Nguyễn Thị Sim đã tham gia nghiên cứu trên 15 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có các đề tài cấp quốc gia và đa quốc gia. Bên cạnh đó bác sĩ Nguyễn Thị Sim không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị của mình, dần khẳng định được bản thân nên được kết nạp Đảng, rồi trở thành đảng viên xuất sắc và được tín nhiệm bầu vào vị trí cán bộ chủ chốt của bệnh viện. Hiện BSCKI Nguyễn Thị Sim đang giữ vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Nỗ lực để người dân được hưởng thụ kỹ thuật cao
Là một bác sĩ nữ, chị luôn thấu hiểu, đồng cảm với từng nỗi lo của từng thai phụ, luôn tìm cách cứu giúp đỡ, động viên, chia sẻ với bệnh nhân, đồng hành cùng bệnh nhận trong suốt thai kỳ, đồng thời phối hợp với đồng nghiệp trong, ngoài viện và cả đồng nghiệp nước ngoài để đưa ra những chẩn đoán sớm nhất, có kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân sao cho kết quả điều trị tốt nhất.
Sau hơn 10 năm công tác, bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã có nhiều thành tích, nhiều sáng kiến cải tiến để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhưng gây tiếng vang chính là sự kiện bác sĩ Nguyễn Thị Sim cùng kíp phẫu thuật của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi can thiệp bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối. Đây là kỹ thuật cao mà chưa bệnh viện công nào ở Việt Nam triển khai được.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim chia sẻ: “Đề tài là trăn trở của TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện. PGS Ánh nhận thấy từ 15 năm trước kỹ thuật can thiệp bào thai đã được thực hiện thành công trên thế giới ở các nước tiên tiến như Pháp, Anh. Tại sao Việt Nam lại chưa tiếp cận được kỹ thuật này. Mang một nỗi tâm tư đó, bằng một tinh thần hết sức nhân văn cứu sống trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ và với mong muốn chinh phục một kỹ thuật đỉnh cao trong ngành thai sản, PGS.TS Ánh cùng với tôi và các cộng sự đã nghiên cứu, tiến hành thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai bằng việc đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng”.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài, bác sĩ Nguyễn Thị Sim nhớ lại: “Để thực hiện được đề tài không hề đơn giản. Năm 2017, được sự thống nhất của UBND TP Hà Nội và Sở Y tế, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được chọn hợp tác quốc tế với Bệnh Viện Necker của Cộng hoà Pháp - một bệnh viện sản nhi hàng đầu Châu Âu. Ngay lập tức, Đảng uỷ và Ban giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã lên kế hoạch để cử tôi cùng e kíp sang Bệnh viện Necker học kỹ thuật cao mang về triển khai tại Việt Nam. Một năm theo học ở Cộng hòa Pháp, xa gia đình, xa những thiên thần nhỏ đáng yêu khi mới còn chập chững. Được sự hỗ trợ động viên cả vật chất lẫn tinh thần từ chồng và ông bà nội ngoại hai bên, tôi đã chăm chỉ học tập kỹ thuật mới, nâng cao kiến thức chuyên môn hoàn thành tốt khoá học - Ứng dụng laser quang đông để điều trị hội chứng truyền máu song thai. Đây là một kỹ thuật cao chưa bệnh viện công nào tại Việt Nam triển khai được. Khi trở về nước, tôi đã cùng đội ngũ cán bộ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hoàn thiện các quy trình khám, chẩn đoán và điều trị cho phù hợp với người bệnh Việt Nam. Đồng thời, xây dựng phòng mổ can thiệp bào thai tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với các ca mổ kỹ thuật cao”.
Được hội đồng Bộ Khoa học và Công nghệ quốc gia phê duyệt quy trình kỹ thuật, ngày 4/10/2019, PGS.TS Ánh, BSCKI Nguyễn Thị Sim và kíp phẫu thuật Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công 2 ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên với sự hỗ trợ đặc biệt của GS Yves Ville, GS hàng đầu về can thiệp bào thai ở Pháp. Liên tiếp sau đó, bác sĩ Nguyễn Thị Sim cùng kíp phẫu thuật Bệnh viên Phụ sản Hà Nội đã tự mổ thành công 24 ca mắc hội chứng truyền máu song thai nữa. Trong tổng số 24 ca đã phẫu thuật, không ca nào bị nhiễm trùng và hiện đã có 3 thai phụ đủ tháng nên đã có 6 em bé chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật này.
Trực tiếp được thụ hưởng kỹ thuật cao từ các y, bác sĩ bệnh viện, đặc biệt là sự quan tâm, giàu lòng bác ái của bác sĩ Nguyễn Thị Sim, gia đình sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An), ngày được ôm con thơ mạnh khỏe trong vòng tay trở về nhà vẫn như một giấc mơ. Chị Hường chia sẻ: “Thời gian đầu khi mới mang song thai, chị đi khám gần nhà và được bác sĩ chẩn đoán là 1 thai bình thường và 1 thai lưu. Tuy nhiên, bác sĩ tại đây khẳng định cứ yên tâm vì thai lưu sẽ teo đi không ảnh hưởng đến thai còn lại. Nhưng bất ngờ khi đến tháng thứ 5 thai kỳ thì vợ chồng tôi hoang mang và lo lắng tột độ khi biết việc phát triển thai nhi có diễn biến bất thường. Kết quả thăm khám, siêu âm cho thấy thai lưu kia ngày một to nhanh, còn thai bình thường thì ngày càng hết ối, chậm lớn và có dấu hiệu thiếu máu, nguy cơ thai lưu. Trong khi đó tình trạng đa ối khiến tôi bị căng tức bụng và khó thở vô cùng. Đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, được bác sĩ Nguyễn Thị Sim chẩn đoán thai mắc biến chứng hội chứng truyền máu thể đặc biệt (song thai không tim). Theo giải thích của bác sĩ, một thai có hình thái bình thường đang truyền máu sang thai không tim (bị nhầm là thai lưu) gây nguy hiểm tính mạng thai bình thường. Khi đó, tôi rất hoang mang và được bác sĩ Nguyễn Thị Sim giải thích, trấn an tình thần và đã bình tĩnh hơn, nỗ lực hơn để được khỏe mạnh, bình an”.
Chị Hường là trường hợp thứ 9 đã mổ can thiệp kẹp dây rốn thai không tim để cứu thai bình thường đang truyền máu. Trong quá trình nằm theo dõi điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mặc dù đã được miễn phí hoàn toàn tiền điều trị nhưng chế độ dinh dưỡng của thai phụ không tốt vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cân nặng cả mẹ và con không tăng. Đồng hành cùng sản phụ bác sĩ Nguyễn Thị Sim quan sát thấy bệnh nhân Hường đang bệnh mà không được bồi dưỡng chỉ ăn cơm hộp và ăn khoai dẫn đến bị thiếu máu, không đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi rồi nghe bệnh nhân chia sẻ nghỉ làm nằm viện như này công nhân như em lại chẳng có tiền thưởng tết, thấp thỏm lo âu về kinh tế khiến cho bà mẹ trẻ không yên tâm điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã đề xuất với lãnh đạo bệnh viện hỗ trợ thêm dinh dưỡng để giảm bớt gánh nặng cho gia đình đồng thời phục hồi sức khỏe của bệnh nhân Hường sau mổ. PGS.TS Ánh đã tặng 1 thùng sữa dinh dưỡng để giúp chị Hường bồi dưỡng sức khỏe, đảm bảo sự phát triển của mẹ và thai nhi.
Quá trình giữ thai cho chị Hường rất gian nan, phải dùng những loại thuốc đắt đỏ mới giúp sản phụ tránh được nguy cơ đẻ non. May mắn, đến tuần thai thứ 33, sản phụ chuyển dạ và được mổ lấy thai ngay trong đêm.
Cuộc mổ lấy thai cũng không kém phần căng thẳng. Sau khi mổ lấy thai nhi khỏe mạnh, các bác sĩ mới tiến hành lấy khối thai không tim. Đáng nói, khối thai lưu phù to gấp đôi thai khỏe mạnh, tròn to, trơn trượt. Do đó, đòi hỏi bác sĩ có trình độ tay nghề cao, cẩn trọng từng chút bởi nếu không cẩn thận, khối thai sẽ khiến sản phụ vỡ tử cung, chảy máu. “Con của sản phụ Hường là em bé đầu tiên được cứu sống và chào đời khỏe mạnh sau can thiệp bào thai điều trị hội chứng truyền máu song thai được 7 tuần. Đây chỉ là 1 trong 24 ca mổ can thiệp y học bào thai thành công của chúng tôi tính đến thời điểm này”, bác sĩ Nguyễn Thị Sim xúc động chia sẻ.
Đó cũng là sự kiện được Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam bình chọn là thành tựu Nghiên cứu khoa học nổi bật của năm 2019, được Sở Y tế bình chọn là Thành tựu nổi bật của ngành y tế năm 2019. Vì thành tựu này không những mang tính khoa học mà còn có ý nghĩa rất nhân văn cao cả vì nhờ ứng dụng kỹ thuật mổ can thiệp vào bào thai sẽ giúp cứu sống được hàng nghìn cặp song sinh bị biến chứng truyền máu mỗi năm ở Việt Nam cũng như giúp giảm được chi phí cho các gia đình so với điều trị ở nước ngoài.
Mỗi nghề đều có một sứ mệnh thiêng liêng và cao cả. Nhiệm vụ của những cán bộ ngành y là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Con đường bác sĩ Nguyễn Thị Sim chọn tuy không bằng phẳng nhưng nó mang lại những cảm xúc nhất định cho bản thân cũng như cho xã hội. Công việc hi sinh thầm lặng đó xứng đáng được xã hội tôn vinh và trân quý.
Nguồn: https://soyte.hanoi.gov.vn/tam-guong-dien-hinh-tien-tien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/chinh-phuc-ky-thuat-cao-giai-cuu-em-be-ngay-tu-trong-bung-me
Hà Trang - Tổ Truyền thông