ThS.BS CKII. Diêm Thị Thanh Thuỷ - Trưởng khoa khám Sản tự nguyện Bệnh viện phụ sản Hà Nội và PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ cho bạn đọc thêm thông tin về vấn đề này cũng như bổ sung sắt an toàn là như thế nào.
Khi thiếu sắt hoặc thừa sắt, bà bầu bị ảnh hưởng gì và cách khắc phục?
Trong chương trình tư vấn trực tuyến Giúp mẹ bầu khỏe - sinh nở an toàn, ThS.BSCKII. Diêm Thị Thanh Thuỷ cho biết. khi có thai, người phụ nữ nuôi thêm em bé nên cung lượng tim, lượng máu trong cơ thể tăng lên, dẫn đến hồng cầu tăng lên và cơ thể mẹ cần dinh dưỡng, oxy nhiều hơn.
Nói vậy để hiểu rằng, sắt là cái nhân để tạo nên hồng cầu. Nếu không có sắt sẽ không tạo được hồng cầu. Do vậy, khi bà mẹ có thai, nhu cầu sắt tăng hơn khoảng 1/3 so với người bình thường. Đây cũng là lý do mà các mẹ bầu thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu máu. Triệu chúng dễ nhận biết nhất của bệnh này đó là chóng mặt lúc đứng lên ngồi xuống (lượng máu lên não không kịp), da xanh xao, mệt mỏi, buồn ngủ… Thiếu máu ảnh hưởng nhiều đến em bé, thai dễ chết lưu, đẻ non, chậm phát triển.
Về vấn đề thừa sắt, ThS.BS CKII. Diêm Thị Thanh Thuỷ cho biết: "Chúng tôi theo dõi và thấy hiện nay rất nhiều mẹ bầu thừa sắt hoặc mắc bệnh thalasemi. Khi thừa sắt thì việc thải loại sắt còn khó khăn hơn nhiều việc bổ sung sắt khi thiếu. Thừa sắt làm tổn thương các cơ quan của bà mẹ khá nghiêm trọng".
Để khắc phục thừa sắt hay thiếu sắt, các bà mẹ cần đi khám thai sớm, làm các xét nghiệm để phòng thiếu máu ngay từ ba tháng đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả các bà mẹ đều phải bồi dưỡng, bồi bổ sắt vì chế độ ăn hiện nay quá nhiều. Các mẹ bầu nên nhớ rằng, dùng thuốc sắt phải có bằng chứng thiếu máu thiếu sắt, không nên tự ý bổ sung, không tự ý tăng liều để tránh thừa sắt.
Cùng vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai bổ sung: "Hiện nay, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai khoảng 33% và thiếu sắt 47%, nếu chúng ta cung cấp đủ sắt thì cũng chỉ giải quyết xấp xỉ ½ phụ nữ mang thai vì thiếu máu còn liên quan đến chất dinh dưỡng khác (thiếu máu dinh dưỡng), thiếu máu do nhiễm ký sinh trùng. Hiện nay, trong điều kiện phát triển, khi mang thai, phụ nữ cần xét nghiệm thalasemi vì tỷ lệ mắc bệnh này nhiều. Cần xem xét thấu đáo nguyên nhân thiếu máu, tuy nhiên tỉ lệ thiếu máu khá cao và cũng đáng để chúng ta quan tâm".
Đề cập thêm về vấn đề thừa sắt, ThS.BSCKII. Diêm Thị Thanh Thuỷ chia sẻ: "Hiện nay, có rất nhiều loại sắt mà các bà mẹ thông thái cũng biết, đó là sắt II và sắt III. Sắt II là loại sắt hấp thu trực tiếp vào và chuyển hóa ngay, đến khi thừa cũng đào thải ngay. Khi sắt II bị thừa và đào thải sẽ gây tổn thương ruột và táo bón. Trong khi đó, sắt III là sắt phải qua một quá trình chuyển hóa mới hấp thu và dùng sắt III ít bị táo bón hơn sắt II. Cũng nhắc các bà mẹ, bất cứ khi nào dùng thuốc mà thấy bất thường thì nên dừng lại và thông báo với bác sĩ, như vậy sẽ an toàn cho cả mẹ và bé".
Tóm lại, để bổ sung sắt an toàn, phụ nữ mang thai cần lưu ý đi khám thai sớm và làm xét nghiệm máu để biết nhu cầu thực sự của mỗi bà mẹ, bổ sung sắt theo nhu cầu, đồng thời cân bằng lượng sắt trong thuốc và thực phẩm hằng ngày. Nếu trong quá trình dùng thuốc sắt gặp phải tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy hoặc bất kì dấu hiệu bất thường khác, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi cách dùng hoặc đổi loại thuốc sắt cho phù hợp.
Nguồn:
https://vtc.vn/dinh-duong/chuyen-gia-chi-cach-bo-sung-sat-an-toan-cho-me-bau-ar552141.html
https://baomoi.com/chuyen-gia-chi-cach-bo-sung-sat-an-toan-cho-me-bau/c/35379541.epi
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-suc-khoe/chuyen-gia-chi-cach-bo-sung-sat-an-toan-cho-me-bau-c683a1156854.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông