Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Đau bụng kinh uống thuốc gì?

Đau bụng kinh uống thuốc gì?

Với một số chị em, mỗi kỳ kinh nguyệt là nỗi ám ảnh do những cơn đau bụng dữ dội mang lại. Lúc này nên uống thuốc gì và uống như thế nào để không ảnh hưởng tới sức khỏe?

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Công Định – Phó giám đốc Trung tâm Khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản – Cơ sở 2, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, đau bụng kinh thường bắt đầu từ trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt. Cơn đau thường kéo dài vài ngày ở bụng dưới hay khung chậu với các triệu chứng như: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội, thậm chí có trường hợp đau quằn quại dẫn đến hôn mê.

photo-1664109048024

Đau bụng kinh thường bắt đầu từ trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh như:

- Chế độ ăn uống: Ăn nhiều đồ lạnh, uống ít nước, không giữa ấm bụng

- Vận động mạnh hoặc ít vận động: Đang trong kỳ kinh nguyệt mà vận động mạnh như chạy, nhảy hoặc làm việc nặng nhọc… Hoặc ít vận động, ngồi nhiều một chỗ cũng có thể gây đau bụng kinh.

- Cổ tử cung quá hẹp: Cổ tử cung quá hẹp khiến kinh nguyệt khó lưu thông ra ngoài thường gây đau bụng kinh.

- Yếu tố nội tiết: Sự gia tăng bất thường progesterone và gia tăng prrostaglandin trong máu tác động đến cơ tử cung nên thường gây đau bụng kinh.

- Tử cung co thắt không bình thường hoặc quá co thắt, làm cho tử cung không dễ dàng thả lỏng bình thường.

- Những bất thường ở tử cung: Vị trí của tử cung không bình thường, tử cung lùi về phía sau hoặc quá ngả về phía trước cũng sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu kinh và gây đau bụng khi hành kinh.

- Bệnh phụ khoa: Nếu phụ nữ mắc các bệnh lạc nội mạc tử cung, vị trí nội mạc tử cung không bình thường, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung… cũng có thể gây nên đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt.

photo-1664109055073

Chị em không nên tự mua thuốc về uống khi bị đau bụng kinh. Ảnh minh họa.

Lưu ý khi uống thuốc trị đau bụng kinh

Có nhiều chị em khi bị đau bụng kinh đã tự ý mua thuốc giảm đau về uống. Theo BSCKII Nguyễn Công Định, chị em có thể sử dụng những loại thuốc chống viêm không có steroid, thuốc giảm đau để hạn chế tình trạng mất máu và những cơn đau bụng trong chu kì kinh nguyệt.

Tuy nhiên, BS. Định cũng lưu ý chị em: thuốc giảm đau có ưu điểm là cắt cơn đau nhanh, nhưng dùng lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: viêm loét dạ dày tá tràng, biến chứng thủng dạ dày ở người bị viêm loét dạ dày; viêm gan, viêm thận kẽ, hoại tử thận, cơn hen giả, kéo dài thời gian chảy máu, thậm chí là nhồi máu cơ tim... Hơn nữa, khi dùng thường xuyên có thể gây "hội chứng không rụng trứng" mặc dù vẫn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh.

Vì vậy, BS. Định khuyến cáo chị em không nên tự mua thuốc về uống mà hãy để bác sĩ sản khoa kê đơn thuốc cho bạn.

Ngoài ra, có một số cách khác giúp giảm đau tự nhiên như sau:

  • Luôn giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là vùng bụng: Có thể dùng nước ấm để chườm bụng dưới cho bớt đau
  • Tránh vận động mạnh, có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý
  • Uống nhiều nước lọc
  • Hạn chế đồ uống có cồn hoặc chất kích thích
  • Kiêng đồ ăn lạnh cay trong kỳ hành kinh…

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/dau-bung-kinh-uong-thuoc-gi-169220925194522162.htm

Bá Thành - Tổ Truyền thông