Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Giao thừa của áo blouse trắng

Giao thừa của áo blouse trắng

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dù ai đi đâu làm bất cứ công việc gì đều cố gắng thu xếp để được về nhà thắp nén nhang thơm dâng tiên tổ, sum họp cùng gia đình. Tuy nhiên, tại các bệnh viện thì Tết với nhiều y, bác sĩ lại như một cuộc chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh. Phút giao thừa cứ thế trôi đi, trôi đi lúc nào không hay nữa…

Đón giao thừa bằng tiếng khóc chào đời

Với những bác sĩ ở bệnh viện, đặc biệt khoa cấp cứu, việc được đón Tết với gia đình là điều gì đó rất “xa xỉ”. Riêng với các bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản, trực Tết thậm chí còn vất vả hơn ngày thường. Ngày Tết người ta có thể hoãn đi khám bệnh, hoãn mua sắm cho bản thân nhưng không thể hoãn sinh được. Vì thế các bác sĩ ở đây luôn hoạt động hết mình. Trong khi mọi người đón Tết trong tiếng chúc tụng thì với họ, đón Tết trong tiếng khóc, nhưng là tiếng khóc của những sự sống mới, những sinh linh nhỏ chào đời vào giây phút thiêng liêng của trời đất.

Chia sẻ về công việc của mình trong những năm trực Tết, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hương Trà, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bộ phận Ung thư phụ khoa, Bệnh Viện Phụ sản Hà Nội cho hay, càng những ngày cuối năm, Bệnh viện càng tiếp nhận đông bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện thường đón Tết trong tâm thế sẵn sàng ứng trực 24/24h. Thay vì cảm giác hân hoan đón năm mới cùng gia đình, các y, bác sĩ nơi đây lấy những ca trở dạ, hạ sinh an toàn làm niềm vui đón Tết. Nhiều năm đúng vào lúc giao thừa, các bác sĩ vẫn cặm cụi thực hiện ca mổ cấp cứu. Xong việc, ngước mắt lên nhìn đồng hồ giao thừa đã qua…

Gắn bó với sản khoa 13 năm qua, bác sĩ Trà không nhớ hết được mình đã tham gia bao nhiêu ca trực và đỡ đầu cho bao trẻ sơ sinh được “mẹ tròn, con vuông” vào thời khắc đặc biệt đó. Nhắc lại kỷ niệm lần đầu trực Tết tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bác sĩ Trà nhớ lại: “Quả thực, khi có gia đình, có con nhỏ việc trực Tết khiến tôi nhiều trăn trở. Nhất là những khi con ốm, sốt mình không chăm được con, nên cảm giác cứ bồn chồn, lo lắng không an tâm.

Đã có những khi tôi cảm giác như mình đang bị stress vì suy nghĩ quá nhiều. Nhưng vượt qua tất cả, nhờ sự động viên của gia đình, đồng nghiệp tôi tự cân bằng lại mình để quay lại quỹ đạo, công việc thường ngày. Bởi lẽ với các y, bác sĩ như chúng tôi đã chọn nghề này, chúng tôi phải biết hy sinh vì người bệnh và nhân dân”.

Đón Tết riêng “góc trời”

Với các bác sĩ ở khoa sản có lẽ họ còn có niềm vui đêm giao thừa là đón những sinh linh mới chào đời, còn các bác sĩ khoa cấp cứu thì khác. Hầu hết vào dịp cuối năm số bệnh nhân cấp cứu đông hơn vì nhiều bệnh viện nghỉ khám. Vậy nên bệnh nhân từ nặng đến nhẹ đều đưa thẳng vào khoa cấp cứu.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Dịp Tết là dịp nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi. Nhưng với những người ngành y thì Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả. Với bệnh nhân họa hoằn lắm cũng chỉ phải đón giao thừa ở bệnh viện một vài lần trong đời, nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Đêm 30, mồng 1 hay mồng 2 Tết các y, bác sĩ luôn phải túc trực trong bệnh viện, sẵn sàng để cấp cứu bệnh nhân”.

giao thua cua ao blouse trang

Theo lời bác sĩ Cấp, thông thường người dân nghỉ Tết nhưng lưu lượng bệnh nhân vào các khoa Cấp cứu, Hồi sức… không hề giảm, thậm chí còn gia tăng. Phần nhiều liên quan đến ngộ độc thực phẩm, uống quá nhiều rượu, bia. Nhiều người uống say đánh nhau gây thương tích, uống say gây tai nạn giao thông, hay những người có sẵn bệnh gan, uống rượu quá đà bị suy gan cấp... Vậy nên, chuyện “mất” giao thừa vì cứu bệnh nhân không xa lạ với những bác sĩ khoa cấp cứu.

Nhớ lại những đêm giao thừa đã từng trải qua trong bệnh viện, bác sĩ Cấp cho biết, có nhiều ca nặng vì uống rượu bia, tai nạn giao thông, tình trạng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Có không ít lần, mặc dù đã cố gắng hết sức, các y bác sĩ vẫn không thể cứu sống được bệnh nhân. Sau ca cấp cứu căng thẳng, ngẩng mặt lên đã sang năm mới. Nhưng năm mới bắt đầu bằng sự chứng kiến ra đi của một con người, vì vậy Tết cũng không còn trọn vẹn.

Gắn bó với công việc cứu người, các y, bác sĩ khó có một cái Tết đúng nghĩa, nhưng không phải vì thế mà họ giảm bớt tinh thần, thái độ phục vụ chu đáo với người bệnh. Song song với nhiệm vụ cơ quan, họ luôn cố gắng chu toàn nhất việc gia đình. Nhất là các nữ y, bác sĩ, rời khỏi bệnh viện họ vẫn là người mẹ, người vợ, chu đáo lo Tết cho gia đình. “May mắn chồng tôi cũng là bác sĩ nên thấu hiểu và cảm thông với vợ. Bên cạnh đó, các con đều tự lập từ rất nhỏ, lại có bố mẹ hỗ trợ… nên tôi cũng yên tâm hơn công tác và hoàn thành tốt mọi công việc của mình”, bác sĩ Trà chia sẻ.

Và với các y, bác sĩ, khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong đó có niềm vui đón giao thừa bên gia đình, người thân. Dĩ nhiên trực Tết ở bệnh viện, các y, bác sĩ cũng vẫn tổ chức đón giao thừa. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường của khoa cùng nâng ly rượu vang, ăn miếng bánh và chúc nhau năm mới an lành. Tết riêng “góc trời” bệnh viện không người thân trong gia đình, song bù lại có đồng nghiệp, có bệnh nhân, có sắc màu blouse trắng được tô điểm bởi màu hồng của hoa đào, màu vàng của quất… khiến “giao thừa” không còn đơn điệu.

Nguồn:

http://laodongthudo.vn/giao-thua-cua-ao-blouse-trang-102588.html

https://tinmoi247.net/suc-khoe/dem-30-tet-cua-nu-bac-si-phu-san-288049

https://www.nguoiduatin.vn/nhung-em-be-dac-biet-trong-dem-giao-thua-a463623.html

http://kinhtedothi.vn/chuyen-truc-tet-cua-bac-si-san-khoa-363354.html

https://www.msn.com/vi-vn/lifestyle/lifestylenews/b%C3%A1c-s%C4%A9-k%E1%BB%83-chuy%E1%BB%87n-tr%E1%BB%B1c-t%E1%BA%BFt-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-em-b%C3%A9-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t-trong-%C4%91%C3%AAm-giao-th%E1%BB%ABa/ar-BBZhLLL

Tổ Truyền thông