Tham dự chương trình có bà Đặng Hương Giang, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Thượng tá Nguyễn Thị Quế, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Công An; ông Trịnh Huy Thành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy.
Phát biểu tại Chương trình, bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức của phụ nữ, tư vấn tâm lý, pháp lý, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe... góp phần cải tạo, giáo dục các nữ phạm nhân, trại viên... Đối với một số nữ phạm nhân hết thời gian thụ án được đặc xá trở về với gia đình trên địa bàn thành phố, tổ chức Hội đã quan tâm động viên, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, tư vấn nghề nghiệp, giúp chị em vượt qua mặc cảm, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe được tổ chức sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19 là hoạt động thiết thực kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Hội LHPN Hà Nội và Trại giam Thanh Xuân về việc phối hợp giáo dục phạm nhân nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021-2026.
Trước khi dừng lời, bà Lê Kim Anh chia sẻ với các nữ phạm nhân: ”Chúng tôi thấy ở trong sâu thẳm các chị em là tình cảm yêu thương, thương nhớ gia đình, bố mẹ, người thân, khát vọng được trở về. Vì những vi phạm, lầm lỡ trước đây mà chị em phải chấp hành án phạt tù. Chúng tôi mong tất cả chị em nữ phạm nhân trại giam Thanh Xuân sẽ nhận thức được sai lầm đã qua, chấp hành nghiêm túc nội quy tại trại giam; tích cực rèn luyện, cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng”.
Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Thiệp, Phó Giám thị trại giam Thanh Xuân, tính đến ngày 20/8/2022, trại đang quản lý, giáo dục 1213 phạm nhân nữ. Nguyên nhân khiến nữ phạm nhân phạm tội thường do trình độ học vấn thấp, không có việc làm ổn định, nghiện ma túy, ít được tham gia vào các hoạt động, phong trào của Hội Phụ nữ cơ sở tại địa phương. Sau khi đến trại chấp hành án, các phạm nhân đã được giáo dục, dạy nhiều nghề như may mặc, dệt thảm và một số nghề khác...
Đánh giá cao Kế hoạch phối hợp giữa Hội LHPN Hà Nội và trại giam Thanh Xuân giai đoạn 2021-2026, Thượng tá Nguyễn Ngọc Thiệp cho biết đây là một trong những kế hoạch có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân nữ; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp giữa hai đơn vị trong việc giúp đỡ phạm nhân nữ nhận rõ lỗi lầm, tránh tự ti, mặc cảm, tránh phân biệt, kỳ thị, động viên họ tích cực cải tạo tiến bộ và tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống việc làm ổn định, giảm tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Thiệp mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Hội LHPN Hà Nội trong thực hiện hiệu quả các nội dung của Kế hoạch phối hợp.
Tại Chương trình, 400 nữ phạm nhân đã được nghe bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Công Định, Giám đốc Trung tâm khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (cơ sở 2) truyền thông các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, từ đó chị em đã có thêm kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm, bảo đảm sức khỏe tốt trong thời gian lao động, cải tạo tại trại. Bên cạnh đó, 183 nữ phạm nhân trong độ tuổi sinh sản đã được thăm khám các bệnh phụ khoa, 72 chị được phát hiện bệnh đã được cấp phát thuốc và hướng dẫn điều trị miễn phí.
Trong Chương trình, Hội LHPN Hà Nội cũng tặng quà 21 nữ phạm nhân cải tạo tốt và được đề nghị đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9 thay cho lời chúc chị em khi trở về cộng đồng sẽ sớm có cuộc sống ổn định, bình an