Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân toàn thành phố lần này bao gồm cả phụ nữ đang mang thai trên 13 tuần. Các bà bầu sẽ được tiêm tại cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu sản khoa theo đúng quy định.
Đến nay, một số bệnh viện tại Hà Nội đã tiêm cho phụ nữ mang thai như: Bệnh viện Thạch Thất, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương… Các bệnh viện này sẽ tiêm chủng theo danh sách từ TTYT quận, huyện gửi lên.
Các thai phụ chờ khám sàng lọc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sáng 11/9.
Sáng 11/8, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiêm cho 240 thai phụ đủ điều kiện của quận Ba Đình. Ngay từ sáng sớm, Bệnh viện đã thực hiện xong khâu chuẩn bị. Các thai phụ đến được khám sàng lọc phân theo tuổi thai: Dưới 20 tuần, từ 20 tuần đến dưới 30 tuần và trên 30 tuần.
Tùy vào tuổi thai, các thai phụ sẽ được siêu âm và khám sàng lọc kỹ lưỡng như đo tim thai, nhịp tim thai phụ, tiền sử bệnh lý nền… Khi đã đủ điều kiện tiêm, các thai phụ sẽ được tiêm vắc xin Pfizer. Đặc biệt, tất cả các bà bầu sau khi tiêm và theo dõi sau tiêm theo đúng quy định xong đều được khám lại trước khi ra về, với những trường hợp thai to, có dấu hiệu bất thường sẽ được chạy monitor để theo dõi.
Các thai phụ tỏ ra khá lo lắng và hồi hộp trước khi vào phòng tư vấn và phòng tiêm.
Đa số các bà bầu đến tiêm khi được hỏi đều bày tỏ sự hồi hộp và lo lắng vì sợ ảnh hưởng tới em bé khi hiện có còn nhiều ý kiến về việc nên tiêm hay không tiêm. Tuy nhiên, cuối cùng họ vẫn quyết định tiêm sau khi được các bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng. Chị em cũng hiểu rằng, nếu không tiêm, lỡ mắc COVID họ có thể gặp nhiều nguy hiểm hơn.
Đang mang thai 25 tuần, chị Đỗ Mai Anh, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, lúc đầu đi tiêm chị lo lắng, nhưng sau khi được các bác sĩ thăm khám, tư vấn chị thấy tự tin hơn nhiều và đồng ý tiêm vắc xin. Điều làm chị Mai Anh bất ngờ là tại đây, chị còn được siêu âm, đo nhịp tim cả trước và sau khi tiêm, đồng thời được chạy máy moniter hiện đại.
Các thai phụ sau khi khám sàng lọc kỹ lưỡng được tiêm vắc xin Pfizer.
Tại phòng khám và tư vấn, bác sĩ dặn dò chị Mai Anh phải chú ý đến cử động của em bé trong bụng sau khi tiêm. Về nhà, nếu chị thấy em bé “máy máy” quá nhiều hay có gì bất thường thì phải đến viện kiểm tra lại ngay lập tức.
“Bác sĩ giải thích vắc xin không ảnh hưởng đến em bé khi còn trong bụng mẹ và cả sau khi chào đời. Hơn nữa, lúc sinh ra, con sẽ tự có kháng thể vì mẹ được tiêm. Em nghĩ tiêm là tốt, nghe bác sĩ giải thích thì yên tâm hơn nhiều”, chị Mai Anh nói.
Đừng mặc cả với bà bầu khi đi tiêm vắc xin
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh - GĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện nay có một số ý kiến cho rằng việc tiêm vắc xin COVID-19 có thể ảnh hưởng đến mẹ và bào thai, điều này là không chính xác.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, tiêm vắc xin COVID-19 cho phụ nữ có thai ở tuần 13 trở lên sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hàng chục nghìn bà bầu sau khi tiêm phòng từ tuần thứ 13 và thấy họ đều có quá trình sinh nở bình thường.
PGS Ánh cho biết, ngoài tiêm vắc xin sản phụ còn được tư vấn, khám và siêu âm miễn phí trước khi tiêm.
PGS Ánh cũng khẳng định, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai là hoàn toàn miễn phí, đây là quyền lợi và trách nhiệm của người phụ nữ có thai nhằm phòng ngừa COVID-19.
“Không có nơi nào được phép mặc cả với bà bầu về câu chuyện nếu tiêm tại cơ sở này thì phải đăng ký sinh tại đó vì việc tiêm này là miễn phí hoàn toàn. Tại BV Phụ sản Hà Nội ngoài việc tiêm miễn phí theo quy định, các bà bầu còn được khám, siêu âm, thậm chí theo dõi bằng monitor miễn phí toàn bộ”, PGS Ánh cho hay.
Các bác sĩ dặn dò rất kỹ các vấn đề có thể xảy ra khi tiêm vắc xin, cũng như hướng xử lý khi cần.
Về thắc mắc của nhiều bà bầu việc nếu lỡ tiêm vắc xin ở thời điểm dưới 12 tuần liệu có ảnh hưởng tới thai nhi, PGS Nguyễn Duy Ánh cho biết, đến nay trên thế giới không có một khuyến cáo chính xác nào về việc khi tiêm phòng trước 13 tuần phải bỏ thai. Thực tế, đã có những ca tiêm vắc xin trong khoảng thời gian này và sinh em bé nhưng chưa thấy có ảnh hưởng gì cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, do số liệu chưa đủ lớn và các nhà khoa học chưa công bố, vì thế các nhà khoa học khuyến cáo, tốt nhất nên tiêm từ tuần 13 trở đi.
Thai phụ không nên quá lo lắng, nghe theo thông tin không chính thống để mất cơ hội tiêm vắc xin phòng bệnh.
Do đó, người phụ nữ nào trót tiêm phòng trước khi mình mang thai và khi mình mang thai mà chưa biết ở giai đoạn rất sớm trước 13 tuần thì cần bình tĩnh, không nên hoảng sợ. Trong quá trình mang thai cần thực hiện việc thăm khám trước sinh theo đúng yêu cầu của các thầy thuốc, từng bước một để đánh giá và theo dõi.
Ông Ánh cho biết, dù đợt tiêm cho bà bầu lần này chọn vắc xin Pfizer có ít tác dụng phụ nhất, tuy nhiên thai phụ không nên chủ quan vì tùy đáp ứng miễn dịch mỗi người vẫn có thể xảy ra tình trạng đau đầu, sốt…
Các thai phụ sau khi tiêm xong sẽ được theo dõi chặt trẽ bởi bác sĩ chuyên khoa và hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ.
“Khi đau đầu, sốt nhẹ thai phụ có thể tự điều trị như uống thuốc hạ sốt loại bình thường không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu có gì khác thường hơn thì phải đến ngay cơ sở mình tiêm để được theo dõi, bởi tại đây sẽ có khả năng giải quyết tác dụng phụ đó cho bà bầu”, GĐ BV Phụ sản Hà Nội nói.
Theo ông Ánh, dù đã được tiêm vắc xin COVID-19 đủ 2 mũi, bà bầu cũng tuyệt đối không chủ quan, phải luôn thực hiện nghiêm chỉnh khuyến cáo 5K. Bởi không có vắc xin nào là phòng bệnh được 100%, hơn nữa phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 thì khả năng diễn biến nặng cao hơn so với người bình thường khi họ vừa phải dưỡng sinh cơ thể mình và nuôi em bé. Ngoài ra, khi có thai, sức đề kháng của cơ thể chị em cũng giảm so với tự nhiên cơ thể của chính họ khá nhiều.
Nguồn:
https://eva.vn/suc-khoe/hon-200-thai-phu-hoi-hop-di-tiem-vac-xin-covid-19-den-vien-moi-biet-duoc-loi-don-loi-kep-c131a489886.html
Bá Thành - Tổ Truyền thông