Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

'Khô hạn' - nỗi lo của phụ nữ sau sinh

'Khô hạn' - nỗi lo của phụ nữ sau sinh

Hormone của phụ nữ thay đổi, cơ thể chưa hồi phục kèm theo mệt mỏi, căng thẳng,... dẫn đến tình trạng khô hạn, ảnh hưởng chất lượng sống.

Khô âm đạo là hiện tượng giảm tiết hoặc không tiết dịch nhầy âm đạo, gây khó khăn cho việc quan hệ vợ chồng, làm giảm khoái cảm tình dục, tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa. Khô âm đạo thường xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh nhưng cũng có nhiều chị em sau sinh gặp tình trạng này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Khám phụ khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết cơ thể người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi trong trong quá trình mang thai và sinh con. Thông thường, nồng độ nội tiết tố tăng mạnh trong quá trình mang thai để nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh. Sau 24 giờ sinh, nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể sản phụ bắt đầu trở lại bình thường, khiến hormone bị thay đổi, dẫn đến tình trạng khô hạn.

Bên cạnh đó, trong thời kỳ cho con bú, cơ thể người mẹ tiết ra hormone prolactin kèm theo stress, căng thẳng khi chăm sóc con nhỏ, gây ức chế estrogen. "Đây một hormone rất quan trọng đối với phụ nữ giúp các tế bào tuyến ở cổ tử cung tiết chất bôi trơn tự nhiên cho âm đạo", bác sĩ cho biết. Khi thiếu estrogen, phụ nữ dễ bị khô hạn, kèm theo một số triệu chứng giống thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, tóc khô xơ và gãy rụng.

Ngoài ra, cơ thể người mẹ sau sinh chưa thể khỏe mạnh và hồi phục hoàn toàn. Nhiều người còn bị mất máu nhiều, cộng thêm vết thương ở vùng kín hoặc vết thương ở bụng (nếu sinh mổ) chưa lành. Một số khác do thiếu hụt dinh dưỡng như vitamin B2 làm ảnh hưởng đến khả năng tiết chất nhờn ở âm đạo gây khô rát, xuất huyết, viêm nhiễm vùng kín... hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính như viêm gan, suy thận mạn, tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp,...

Theo bác sĩ Thủy, để khắc phục chứng khô hạn sau sinh, phụ nữ cần có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Tăng cường ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước, bổ sung các loại vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B12); axit béo từ cá thu, cá hồi, cá ngừ, hạt hướng dương, hạt vừng; vitamin nhóm A như khoai lang, cà rốt, rau bina, cải xoăn và dưa đỏ, cà chua...

Bổ sung thực phẩm từ đậu nành, cần tây, các loại hạt và thực vật họ đậu... để thiện tình trạng suy giảm hormone estrogen. Tập luyện thể dục thể thao với động tác nhẹ nhàng để cải thiện khí huyết, giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp thư thái đầu óc.

Chị em bị khô rát âm đạo cần tránh sử dụng các sản phẩm có nồng độ axit cao thụt rửa, không sử dụng các loại mỹ phẩm hay chất thơm để thoa vào âm đạo, không lạm dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ... Có thể sử dụng thuốc bôi trơn khi quan hệ, làm ướt âm đạo trong nhiều giờ, giúp vợ chồng vượt qua khó khăn.

"Tuy nhiên khi sử dụng thuốc bôi trơn chỉ có thể giải quyết được phần ngọn chứ không chữa được phần gốc và căn nguyên của triệu chứng", bác sĩ khuyến cáo.

Theo bác sĩ, chị em phụ nữ nên trao đổi với chồng để được hiểu và thông cảm, giảm bớt căng thẳng và lo lắng không cần thiết. Nếu tình trạng kéo dài gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn nên đi khám để được điều trị sớm, tránh biến chứng sau này.

Nguồn:

https://vnexpress.net/kho-han-noi-lo-cua-phu-nu-sau-sinh-4457673.html

https://vnreview.vn/thread/kho-han-noi-lo-cua-phu-nu-sau-sinh.211106232702720

https://tintuc7s.com/kho-han-noi-lo-cua-phu-nu-sau-sinh/

https://mangyte.vn/news-kho-han-noi-lo-cua-phu-nu-sau-sinh-683167.html

https://wikitim.com/kho-han-noi-lo-cua-phu-nu-sau-sinh/

Bá Thành - Tổ Truyền thông