Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nếu trong thai kỳ, mẹ bầu cảm thấy bụng nhỏ không tăng chu vi, bụng gò cứng nhiều, thai đạp ít... cần đi siêu âm ngay lập tức để kiểm tra. Khi xảy ra hiện tượng thiểu ối, thai nhi sẽ đối mặt với nguy cơ: thiểu sản phổi, thai chậm phát triển, biến dạng mặt, chân, tay, ngôi thai bất thường và nặng nề nhất là thai lưu.
Nguyên nhân thiểu ối có thể xuất phát từ người mẹ bị rỉ ối, vỡ ối hoặc bệnh lý; cũng có thể xuất phát từ chính thai nhi như có bất thường về thận, giảm sản xuất nước ối. Tuy nhiên, 30% trường hợp thiểu ối không xác định được rõ nguyên nhân.
Trước kia, khi gặp tình trạng thiếu ối, mẹ bầu được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch. Những biện pháp này hiệu quả thường không cao và chỉ kéo dài vài ngày. Thực tế, đã có những gia đình phải chấp nhận mất em bé. Hiện nay, với sự phát triển của y học, em bé có thể sinh ra khỏe mạnh khi được can thiệp từ trong bào thai.
Truyền ối chính là một kỹ thuật can thiệp bào thai, đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai, giúp nước ối trở về trạng thái sinh lý bình thường.
Những trường hợp nào có thể thực hiện truyền ối?
- Sản phụ thiểu ối còn nguyên vẹn màng ối.
- Tuổi thai từ 16 - 32 tuần.
- Truyền ối chống chỉ định với sản phụ có tuổi thai dưới 16 tuần, cổ tử cung ngắn (kích thước dưới 25mm), rỉ ối, vỡ ối non hoặc thai nhi dị dạng, có hiện tượng nhiễm trùng cấp.
Quy trình truyền ối
- Xuyên kim vào khoang tử cung.
- Bơm dịch đẳng trương vào buồng ối cho đến khi mức nước ối bình thường.
- Thủ thuật có thể được lặp lại nếu thiểu ối tái phát (truyền ối nối tiếp).
Thay vì phải chịu cảnh bị bó chặt, không được cử động thì sau khi truyền ối, thai nhi có thể thay đổi tư thế, cử động tay chân dễ dàng. Khi lượng nước ối trở về bình thường, bác sĩ dừng thủ thuật, đồng thời lấy 10 ml mẫu ối làm xét nghiệm di truyền cho thai nhi.
Sau truyền ối, sản phụ được đánh giá tình trạng nhiễm trùng, kiểm tra toàn trạng. Thai nhi cũng được theo dõi và kiểm tra. Trong hai ngày, nếu không có bất thường, sản phụ có thể xuất viện. Nếu 1 - 2 tháng sau, sản phụ tiếp tục thiếu ối, bác sĩ có thể chỉ định tiếp tục truyền ối.
Sản phụ được tư vấn chế độ sinh hoạt và lao động, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Khi có kết quả xét nghiệm ối, bác sĩ sẽ giải thích về bộ nhiễm sắc thể của thai nhi. Nếu kết quả bình thường, gia đình có thể an tâm; Trong trường hợp kết quả bất thường, thiểu ối do di truyền, bác sĩ sẽ tư vấn và định hướng cho trường hợp cụ thể của sản phụ.
Nguồn: https://afamily.vn/lam-the-nao-de-khac-phuc-thieu-oi-cho-thai-phu-20200529214648132.chn
Hà Trang - Tổ Truyền thông