Bác sĩ Nguyễn Công Định cho biết chị A. bị sùi loét ở cổ tử cung. Kết quả xét nghiệm, sinh thiết xác định bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 2B. Sau khi phẫu thuật, chị quay lại cuộc sống bình thường, tuy nhiên không còn khả năng mang thai.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý khiến 2.400 phụ nữ Việt tử vong mỗi năm. Theo số liệu từ Globocan, năm 2020 có thêm 4.200 phụ nữ nước ta mắc bệnh này. Ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường (như trường hợp chị A.), đau và chảy máu khi quan hệ tình dục được coi là các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên, ngoài yếu tố chủ yếu là nhiễm HPV, các yếu tố nguy cơ khác như hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình), nhiễm trùng, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng.
"Thực tế cho thấy có hiện tượng trẻ hóa ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung" - ông Định chia sẻ với VietNamNet. Ngoài ra, các bác sĩ cũng gặp nhiều trường hợp tổn thương tiền ung thư, tổn thương nặng sát với ung thư ở tuổi rất trẻ. Đáng nói, họ vô tình phát hiện ngẫu nhiên qua sàng lọc sức khỏe không liên quan ung thư cổ tử cung.
Mới đây, bác sĩ Định khám cho 2 phụ nữ rất trẻ (khoảng 23-24 tuổi), đi khám vô sinh, hiếm muộn nhưng lại phát hiện nhiễm virus HPV kèm tổn thương cổ tử cung mức độ cao, sát ung thư.
"Nếu không phát hiện sớm những tổn thương này, chỉ 2-3 năm sau sẽ tiến triển thành ung thư" - nam bác sĩ chia sẻ. Theo vị chuyên gia này, quá trình từ khi nhiễm HPV đến ung thư có thể kéo dài khoảng 10 năm, theo các mức độ nhẹ - trung bình - nặng.
Vì vậy, các bác sĩ đều khuyến cáo từ tuổi 21 trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Do đó, sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35-44 tuổi.
Đây là phương pháp phát hiện tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 - 90%.
Theo bác sĩ Định, trước đây, bệnh nhân nhiễm HPV hay có tổn thương mức độ nhẹ chỉ theo dõi, đợi virus tự đào thải. Hiện nay, thuốc điều trị HPV đang được các bệnh viên sử dụng giúp đẩy nhanh quá trình đào thải của virus hoặc nhanh chóng hồi phục nếu sang thương mức độ nhẹ. Hơn nữa, việc xét nghiệm gene còn xác định được loại HPV tự đào thải và phát hiện thêm những chủng HPV tồn tại dai dẳng.
Theo cập nhật mới, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm 2 mũi vắc xin HPV cho trẻ cả nam và nữ từ 11-12 tuổi để phòng ung thư cổ tử cung, âm hộ, trực tràng, âm đạo, hầu họng (ở nữ) và phòng ung thư dương vật, hậu môn, hầu họng (ở nam)…
"Người có quan hệ tình dục, thậm chí kể cả nhiễm HPV vẫn nên tiêm phòng vắc xin này" - bác sĩ Định tư vấn. Nguyên nhân là vắc xin HPV không chỉ phòng một chủng virus mà có những loại phòng tới 4-9 chủng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Định, với người trên 26 tuổi nên cân nhắc lợi ích, ưu - nhược điểm khi tiêm phòng vắc xin HPV.
Nguồn:
https://vietnamnet.vn/phat-hien-mac-ung-thu-co-tu-cung-vi-co-dau-hieu-ra-mau-am-dao-bat-thuong-2087286.html
Bá Thành - Tổ Truyền thông