Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

“Ông đỡ” mát tay luôn đồng hành cùng các sản phụ nghèo

“Ông đỡ” mát tay luôn đồng hành cùng các sản phụ nghèo

Xuất phát từ một cậu thanh niên nông thôn đi bộ đội, cũng trải qua khó khăn, vất vả rồi mới về đi thi đại học và theo ngành Y, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ A2 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thấu hiểu hơn ai hết những nỗi vất vả của các gia đình sản phụ nghèo, các vùng sâu vùng xa và vợ các quân nhân phải “vượt cạn” một mình.

“Chuyện chưa kể” về lần tự tay đỡ đẻ cho vợ

Sinh ra ở vùng quê nghèo ở Nam Định, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, người thanh niên đầy hoài bão Lưu Quốc Khải đã viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. Những năm tháng rèn luyện trong môi trường quân đội khiến cho anh càng thêm mạnh mẽ, vững vàng về bản lĩnh, tư tưởng chính trị.

Cũng chính những năm tháng đó, chứng kiến những y bác sĩ chăm sóc cho thương binh bộ đội, anh Khải đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ của minh. Sau khi xuất ngũ anh tiếp tục con được học tập, sự siêng năng, cần cù, không ngừng học hỏi của anh cùng ý chí vươn lên, không ngại khó, ngại khổ anh đã dần thực hiện hóa được con đường đã chọn khi thi đỗ Đại học Y Hà Nội - nơi để anh tích lũy và học hỏi nhiều kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực y khoa.

Chặng đường đến với nghề y của anh cũng khá gian lan, để có tiền ăn học, anh bươn chải đủ nghề, đã có lúc anh làm phụ hồ, thậm chí… bảo vệ rồi trở thành bác sĩ thực tập không lương ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Thời điểm đó, đúng vào giai đoạn vợ anh đang mang bầu.

"Khi vợ tôi chửa gần 9 tháng, nếu theo tính toán phải còn vài tuần nữa mới đẻ thì tôi mới có thời gian xoay sở, kiếm tiền. Hôm đó cô ấy chuyển dạ sớm quá nên là trong nhà chỉ có mấy nghìn đồng nên tôi rất là tự ti khi đưa vợ mình lên trên đây đẻ. Thế rồi tôi quyết định tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà", bác sĩ Khải kể lại.

Tuy nhiên, vợ đẻ ngôi ngược (ngôi mông) rất khó nhưng bằng tình yêu thương của người chồng, người cha, người thầy thuốc đã giúp vợ anh vượt cạn thành công. Sau khi đỡ đẻ cho vợ tại nhà, ngày hôm sau vị Phó giám đốc đã có lời khen: "Bác sĩ đang học việc mấy ngày tại viện này mà đã đỡ đẻ ngôi mông tại nhà thì có thể đặt cách cho vào biên chế được”.

Nói về nghề, BS Khải cho hay người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, người bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh. Theo BS Khải, đôi lúc chỉ cần một câu nói đùa thiếu văn minh cũng có thể khiến người bệnh hiểu sai, nên người bác sĩ cần có lời nói, tư duy đúng mực và hành động minh bạch, rõ ràng.

Vì nể và yêu quý chuyên môn cũng như cái tâm của “ông đỡ” Lưu Quốc Khải nên nhiều sản phụ đã lấy tên ông đặt tên cho con mình. Thậm chí, nhiều người còn xin nhận ông làm bố nuôi của con họ. Mặc dù rất vui nhưng ông không dám nhận lời bởi điều ông sợ nhất là thất hứa. “Đôi khi đó chỉ là lời hứa bố nuôi đến chơi – điều mà những đứa trẻ ngóng mong nhất đặc biệt là những trẻ ở miền sơn cước. Trong khi đó bản thân còn nhiều việc phải làm, việc thất hứa sẽ khiến tâm hồn trẻ thơ bị hụt hẫng” – BS Khải chia sẻ.

Ưu tiên cho những sản phụ nghèo và gia đình quân nhân

Với hơn 20 năm trong nghề, bác sỹ Khải không nhớ mình đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca, đem lại tia sáng đầu đời cho biết bao đứa trẻ, tạo suối nguồn yêu thương cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, mỗi ca “vượt cạn” đều để lại trong anh nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đến bây giờ anh vẫn nhớ như in một ca cấp cứu sản phụ ở Phú Thọ được chẩn đoán là trụy mạch không rõ nguyên nhân nhưng thực chất là sản phụ này chửa ngoài tử cung. Bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, mất máu nhiều, cơ thể suy nhược.

Niềm hạnh phúc của bác sĩ Khải khi chứng kiến cảnh mẹ tròn con vuông

Niềm hạnh phúc của bác sĩ Khải khi chứng kiến cảnh mẹ tròn con vuông

“Việc cấp cứu vô cùng cấp bách, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng ảnh hưởng tới tính mạng sản phụ, thai nhi. Cuối cùng, bằng nỗ lực của ê kíp bác sĩ, sản phụ đã sinh con an toàn trong niềm hạnh phúc gia đình, khiến bao nỗi vất vả căng thăng của người thầy thuốc vơi đi”, bác sỹ Khải kể.

Mang tâm đức của người bác sĩ yêu nghề cùng với tinh thần của người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ, bác sĩ Khải luôn dành sự ưu ái cho các gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. "Nếu được sự lựa chọn 50/50, tôi vẫn ưu tiên cho người nghèo, người ở xa và vợ bộ đội trước bởi người ta không có chỗ bấu víu. Mình không có lý do gì làm người ta buồn thêm cả. Có thể mình không tạo cho người ta bằng vật chất được những lời động viên, chia sẻ cũng sẽ khiến bệnh nhân nguôi ngoai hơn", bác sĩ  Khải nói.

Anh kể về một kỉ niệm với bệnh nhân là vợ quân nhân: "Tôi mổ cho một bệnh nhân tên là Nga, vợ một anh lính đặc nhiệm bị tiền sản giật. Trước khi mổ, tôi hỏi chồng đâu, bạn ấy không nói gì mà chỉ rớt nước mắt. Hỏi lò dò một lúc mới biết, nhà nước đang có công việc, lính đặc nhiệm phải đi bám địa bàn. Nhà ngay ở Cổ Nhuế nhưng vợ đẻ mấy ngày sau mới được về".

 

Bác sĩ Khải thăm khám sản phụ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sĩ Khải thăm khám sản phụ tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Thông thường, sau khi mổ xong các bác sĩ sẽ gọi người nhà vào giải thích. Anh bộ đội có vẻ cũng có hoàn cảnh khó khăn và tỏ ra tự ti trước bác sĩ. Thấy vậy, bác sĩ Khải trấn an luôn: "Tớ cũng là bộ đội rồi. Cậu không phải bận tâm chuyện ấy. Đừng bao giờ phải lo lắng". Sau lời trấn an tinh thần của bác sĩ Khải, anh lính đặc nhiệm đã nói chuyện thoải mái, tự tin hơn.

Bác sĩ Khải tâm sự, nhiều lúc chỉ đơn giản là một lời cám ơn, cái bắt tay của người chồng, bó hoa đẹp... cũng khiến anh ấm lòng. "Với tôi, điều quý giá nhất là chứng kiến cảnh mẹ tròn con vuông, khi đó tôi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ", “ông đỡ” mát tay của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trải lòng.

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/ong-do-mat-tay-luon-dong-hanh-cung-cac-san-phu-ngheo-d2063177.html

Hà Trang - Tổ Truyền thông