Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Ra máu giữa kỳ kinh có nguy hiểm không, khi nào cần đi khám bác sĩ?

Ra máu giữa kỳ kinh có nguy hiểm không, khi nào cần đi khám bác sĩ?

Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ thường kéo dài từ 28-30 ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp bị ra máu giữa kỳ kinh nguyệt. Hiện tượng này là bình thường hay nguy hiểm với cơ thể?

Nguyên nhân chảy máu giữa kỳ kinh

Theo BSCK2 Nguyễn Thị Minh Thanh, Trưởng khoa Khám Chuyên gia, BV Phụ Sản Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây chảy máu giữa kỳ kinh. Cụ thể:

- Lạc nội mạc tử cung:

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý phụ khoa xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bất thường như: ở cơ tử cung, bàng quang, trực tràng, âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng, niệu quản… Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ.

‎Ngoài ra máu giữa kỳ kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung còn có các dấu hiệu khác như:

‎- Đau bụng kinh: Cơn đau có thể trở nên nặng hơn theo thời gian.
‎‎- Đau mạn tính vùng lưng dưới và xương chậu.
‎‎- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục: Đây thường được mô tả là một cơn đau sâu, khác với cảm giác đau ở phía ngoài âm đạo khi tiếp nhận dương vật.
‎‎- Đau ruột.
‎‎- Đau khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện trong thời kỳ kinh nguyệt. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn sẽ thấy máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu.
‎‎- Đau chân: Lạc nội mạc tử cung có khả năng ảnh hưởng đến các dây thần kinh kết nối với háng, hông và chân, khiến bạn khó đi lại. Bạn có thể đi khập khiễng hoặc phải nghỉ ngơi thường xuyên.
‎- Các vấn đề về dạ dày (tiêu hóa) bao gồm: tiêu chảy, táo bón, đầy bụng hoặc buồn nôn, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt.

photo-1690702604522

Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân gây chảy máu giữa kỳ kinh. Ảnh minh họa

- Các biện pháp tránh thai sử dụng nội tiết

Trong vài tháng đầu sau khi thực hiện các biện pháp tránh thai sử dụng nội tiết như: viên uống tránh thai kết hợp, thuốc tránh thai chỉ có progentin, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai, vòng tránh thai nội tiết sẽ xảy ra tình trạng ra máu giữa kỳ kinh.

Ra máu giữa kỳ kinh cũng có thể xảy ra nếu dùng thuốc tránh thai kéo dài để tránh kinh.

Với trường hợp bé gái bắt đầu có kinh hoặc phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh thì kinh nguyệt dễ xảy ra tình trạng thất thường, không đều. Đôi khi việc ra kinh sớm lại khiến bạn nhầm lẫn với hiện tượng ra máu giữa kỳ kinh.

Ra máu giữa kỳ kinh do sử dụng tránh thai bằng nội tiết tố có thể không nguy hiểm và tự mất theo thời gian. Tuy nhiên, hiện tượng ra máu sẽ là bất thường và bạn phải đi khám bác sĩ nếu thấy cơ thể bị đau bụng, tức ngực, chảy máu nhiều, thay đổi thị lực hoặc chảy máu nhiều lần trong chu kỳ kinh.

- Viêm nhiễm hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục

Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục như clamydia và bệnh lậu hoặc viêm cổ tử cung, viêm âm đạo… có thể gây chảy máu âm đạo đột ngột. Đồng thời có thêm các dấu hiệu khác như: đau, rát vùng chậu, nước tiểu đục, tiết dịch âm đạo bất thường có mùi hôi…

Với những trường hợp này, bạn buộc phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh dẫn đến nhiễm trùng gây vô sinh và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

- Polyp tử cung:

Polyp tử cung là tình trạng tăng sinh bất thường của các tế bào trên cổ tử cung. Polyp có kích thước từ vài mm (nhỏ bằng hạt gạo) đến vài cm, thường có dạng như ngón tay, bóng đèn hay dạng nấm, có thể đơn độc hoặc có thể mọc thành chùm. Polyp cổ tử cung có màu hồng, mềm và dễ chảy máu khi chạm vào. Polyp có thể nằm trên bề mặt cổ tử cung hoặc ở bên trong ống cổ tử cung, một số trường hợp nó thò ra ngoài qua cổ tử cung và nằm trong âm đạo.

Polyp cổ tử cung thường lành tính, không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến việc sinh em bé sau này. Tuy nhiên, có một số hiếm ung thư cổ tử cung xuất phát từ các polyp cổ tử cung và nguyên nhân là do HPV.

photo-1690702607626

Ra máu giữa kỳ kinh có thể do nguyên nhân u xơ tử cung. Ảnh minh họa

- U xơ tử cung:

U xơ tử cung là khối u lành tính của tế bào cơ trơn tử cung, thường gặp ở phụ nữ từ 35- 50 tuổi.

U xơ tử cung nếu không được phát hiện sớm sẽ phát triển với kích thích lớn, biến chứng thành ác tính. Việc lựa chọn không đúng biện pháp điều trị u xơ tử cung có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây ra máu giữa kỳ kinh như: mang thai ngoài tử cung, suy giáp, quên uống thuốc tránh thai, quan hệ tình dục ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh bị khô âm đạo…

Ra máu giữa kỳ kinh khi nào cần đi khám bác sĩ?

Cũng theo BS Nguyễn Thị Minh Thanh, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 28-30 ngày, được tính từ ngày đầu của kỳ kinh hiện tại đến ngày đầu của kỳ kinh tiếp theo. Ngoài ra, cũng có trường hợp có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn (21 ngày) hay dài hơn (32-35 ngày) nhưng chu kỳ được lặp lại đều đặn thì vẫn là bình thường.

Bạn hãy đến gặp bác sĩ trong trường hợp nếu tình trạng ra máu giữa kỳ kinh thường xuyên, gây khó chịu hoặc có kèm theo các triệu chứng bất thường khác.

Địa chỉ đi khám khi bị ra máu giữa kỳ kinh 

+ Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Địa chỉ: số 43, phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

+ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Địa chỉ: số 929 đường La Thành, quận Ba Đình, TP Hà Nội

+ Các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/ra-mau-giua-ky-kinh-co-nguy-hiem-khong-khi-nao-can-di-kham-bac-si-16923073014541717.htm

Bá Thành - Tổ Truyền thông