Nằm trên bàn mổ, sản phụ 35 tuổi lộ rõ sự căng thẳng trên gương mặt. Cách đây gần 4 tháng, chị phát hiện mình mắc rau cài răng lược sau một lần siêu âm thai. Đến hiện tại, thai đã được 35 tuần 4 ngày và được chỉ định mổ đẻ.
Rau cài răng lược là hiện tượng một phần hay toàn bộ bánh rau bám bất thường hoặc xâm lấn vào lớp cơ tử cung. Việc bóc bánh rau trong trường hợp này có thể gây chảy máu số lượng lớn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.
Từng nhiều lần đối mặt với rau cài răng lược, cảnh tượng máu sản phụ chảy ồ ạt ngập khoang bụng vẫn ám ảnh BS Nguyễn Biên Thùy - Phó Trưởng khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cũng là phẫu thuật viên chính trong ca mổ này.
"Nếu diện rau bám rộng, ăn ra các tạng như bàng quang có thể gây ra chảy máu số lượng lớn. Trong một phút có khoảng 600ml máu được truyền đến tử cung. Như vậy, chỉ trong 5 phút bệnh nhân có thể mất đến 3 lít máu. Trước đây, những cuộc mổ rau cài răng lược bệnh nhân có thể mất 4 - 5 lít máu. Có bệnh nhân phải truyền 8 lít máu và cắt tử cung", BS Thùy chia sẻ, "Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc máu bệnh nhân trào ra khi đang tiến hành bóc rau và tràn đầy ổ bụng che kín phẫu trường. Cũng đã từng có bệnh nhân tử vong trên bàn mổ do mất máu cấp tính khi phẫu thuật rau cài răng lược".
Tuy nhiên, theo BS Thùy, hiện nay phương pháp mổ rau cài răng lược đã được thay đổi, giúp cho cuộc chiến "lành ít dữ nhiều" này trở nên an toàn hơn. Việc mất máu của sản phụ được hạn chế đáng kể so với trước.
Các bước chuẩn bị tiền phẫu của nữ sản phụ bị rau cài răng lược này phức tạp hơn rất nhiều so với một ca mổ đẻ thông thường.
Sau khi thăm khám và đảm bảo điều kiện sức khỏe, sản phụ được đỡ nằm nghiêng một bên, BS Trần Thu Thảo - Khoa Gây mê tiến hành sát trùng, sau đó xác định vị trí tiêm gây tê cho bệnh nhân rồi bắt đầu thao tác.
"Sản phụ sẽ được gây tê ngoài màng cứng. Đây là phương pháp giảm đau sau mổ nhưng sẽ được tiến hành ngay trước ca mổ", BS. Thảo cho hay.
Bác sĩ gây mê tiến hành đặt catheter (ống thông) vào tĩnh mạch cảnh của bệnh nhân để có thể bù dịch và máu trong suốt cuộc mổ. Toàn bộ quá trình này được hỗ trợ bởi một máy siêu âm, giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí của catheter từ đó tiến hành điều hướng. Bệnh nhân được đặt tổng cộng 3 đường truyền hồi sức lớn, trong đó có một đường truyền trung ương và 2 đường truyền ngoại vi.
3 đơn vị máu cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc mổ. Những mẫu máu này đã được test ngưng kết chéo trước truyền hòa hợp, để đảm bảo tính tương thích với máu trong người sản phụ. Trong trường hợp bệnh nhân bị mất máu số lượng lớn, máu và các chế phẩm từ máu dự phòng sẽ được huy động thêm.
Kiểm soát tình trạng mất máu là một trong những vấn đề tối quan trọng trong phẫu thuật rau cài răng lược. Do đó, bệnh nhân được đo huyết áp động mạch xâm lấn. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa kim vào động mạch của bệnh nhân để theo dõi huyết áp động mạch liên tục trong suốt cuộc mổ.
Sau khi thuốc mê được truyền vào tĩnh mạch, nữ sản phụ dần chìm vào cơn mê. Đây cũng là lúc cuộc chiến của các "blouse trắng" thực sự bắt đầu.
Theo BS Nguyễn Biên Thùy, trước đây, sau khi gây mê sản phụ, bắt buộc phải mổ đưa em bé ra ngoài trong thời gian khoảng 10 phút vì lo ngại thai nhi bị ngấm thuốc mê. Tuy nhiên, hiện nay, quan điểm đã thay đổi, việc em bé ngấm thuốc mê khi ở trong bụng mẹ sẽ không ảnh hưởng bởi thai nhi vẫn được cung cấp oxy như thường. Khi em bé chào đời trong tình trạng ngấm thuốc mê và bị ức chế hô hấp, bác sĩ Khoa Sơ sinh sẽ dùng biện pháp can thiệp để cung cấp oxy cho trẻ đến khi trẻ thải trừ hết thuốc mê.
"Việc phá bỏ giới hạn 10 phút này có thể xem là bước tiến lớn trong phẫu thuật rau cài răng lược. Chúng tôi có thể thay đổi phương pháp mổ để hạn chế tối đa việc mất máu cho sản phụ", BS Thùy cho hay.
Thâm nhập vùng "cấm địa"
Đúng 14h30, BS Thùy thực hiện đường rạch đầu tiên bắt đầu ca mổ. Các thành viên của kíp mổ tập trung cao độ theo từng đường dao của phẫu thuật viên chính. Dao điện được sử dụng trong ca phẫu thuật này để hạn chế tối đa tình trạng mất máu cho sản phụ.
Với phương pháp mới, toàn bộ ca mổ được chia làm 2 thì: Thì không chảy máu và thì chảy máu. Mục tiêu quan trọng trong thì đầu tiên là thực hiện các thao tác để phục vụ tối đa cho việc cầm máu. Trong quá trình bóc tách, bác sĩ phẫu thuật cố gắng để lộ các mạch máu ra, để sang thì thứ hai nếu chảy máu có thể nhanh chóng buộc các mạch lại giúp giảm lượng máu chảy rất nhiều.
Sau khoảng 30 phút, tử cung của bệnh nhân dần lộ ra. Nếp nhăn hiện rõ trên trán của các thành viên kíp phẫu thuật khi quan sát thấy rau đã xuyên qua thành tử cung ra phúc mạc xung quanh. Điều này đồng nghĩa với việc nữ sản phụ bị rau cài răng lược độ 3, cũng là cấp độ nặng nhất.
Cuộc đua nghẹt thở với...máu
Sức nóng bên trong phòng mổ tăng lên thấy rõ khi kíp phẫu thuật tiến sang thì thứ hai, cũng là thử thách khó khăn nhất trong toàn bộ ca phẫu thuật.
Sau khi rạch cơ tử cung, em bé được đưa ra bên ngoài và ngay lập tức được 2 bác sĩ Khoa Sơ sinh tiếp nhận chuyển đi chăm sóc và hồi sức sơ sinh.
Bác sĩ phẫu thuật bắt đầu tỉ mẩn bóc tách từng mảng rau đã "cắm rễ" xuyên qua thành cơ tử cung. "Mục tiêu kép" được đặt ra là vừa bóc sạch rau, vừa bảo tồn được tử cung cho sản phụ.
"Khó nhất là làm sao chủ động cầm máu cho bệnh nhân. Tức là bóc tách rau làm sao cho nhẹ nhàng hạn chế mất máu. Nếu chẳng may chọc vào mạch, kíp mổ đang từ thế chủ động sẽ thành bị động ngay lập tức, khi máu ồ ạt chảy ra và không nhìn thấy gì. Phương án duy nhất lúc đó là cắt tử cung và bệnh nhân rơi vào trạng thái mất máu trầm trọng", BS Thùy chia sẻ.
Xuyên suốt quá trình bóc rau, vòi hút liên tục hoạt động để đưa lượng máu chảy ra bên ngoài. Rất nhiều gạc cũng được sử dụng để thấm hút máu, giúp làm sạch phẫu trường. Băng gạc đã thấm đẫm máu được nữ dụng cụ viên cuộn tròn "tập kết" một góc. Những tấm gạc mới đã được chuẩn bị sẵn cũng liên tục được chuyển vào để phục vụ ca mổ.
Nữ sản phụ được chỉ định truyền máu để bù lại lượng máu bị chảy ra trong quá trình bóc rau. Chỉ số huyết áp cũng được giám sát chặt, trong trường hợp huyết áp tụt sâu, ngoài truyền máu và chế phẩm, bệnh nhân sẽ được cho sử dụng cả thuốc vận mạch.
Ca mổ như một cuộc đua, bởi máu của bệnh nhân vẫn không ngừng chảy xuyên suốt quá trình bóc rau. Áp lực thời gian đòi hỏi thao tác của bác sĩ không chỉ chính xác, mà còn cần phải thật nhanh.
Mảng rau cuối cùng được bóc ra khỏi buồng tử cung cũng là lúc cả ê-kíp như trút đi được gánh nặng. Sau gần 2 giờ đồng hồ căng như dây đàn, hành trình "vượt cạn" đầy khó khăn đã thành công.
"Xuyên suốt ca mổ, sản phụ mất khoảng 750ml - 1l máu. Với tình trạng rau cài răng lược độ 3, đây là một sự thành công. Đáng nói, kíp mổ đã bảo tồn được tử cung cho sản phụ. Điều này mang lại rất nhiều ý nghĩa", BS Thùy nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, bên cạnh việc giữ lại khả năng sinh sản, vấn đề về sinh lý là hành kinh hàng tháng, khi bảo tồn tử cung cũng sẽ giúp các tạng, chậu không bị sa xuống khi về già. Bởi tử cung cũng như nút trung tâm để các dây chằng bám vào.
"Các sản phụ khi phát hiện có thai nên đi khám sớm để xem thai có bị bám vào vết mổ đẻ cũ hay không. Nếu có thì các bác sỹ chuyên khoa sẽ tư vấn hướng xử trí cho phù hợp tránh tiến triển thành rau cài răng lược", BS Thùy khuyến cáo.
Nguồn:
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nghet-tho-cuoc-dua-mau-trong-phong-mo-cap-cuu-san-khoa-20220818223138863.htm?fbclid=IwAR2S9EvyDWQvdfVm34nsqhWoV5_Q0RwOlxX2oEmsRM2xDAzrtN46u333wmo&gidzl=OPhG2l1xXZbaXjWFzcI4FMUEsmtjROKzS8lR3U4-rpjsZ8rVu6hKEI6DtGorRuPg8jwCNsQaqsy0z7cEEG
Bá Thành - Tổ Truyền thông