Mỗi ca sơ sinh cực non tháng, nhẹ cân đều là một “cuộc chiến” trường kỳ của các y bác sĩ. Nhưng vẫn có những điều kỳ diệu xảy ra. Sau gần 4 tháng điều trị và nuôi dưỡng tích cực, em bé đã cân nặng 2,1kg, được trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ.
Vượt qua lằn ranh sinh - tử
Đến Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vào một ngày nắng hè oi ả, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các y bác sĩ đang tất bật chăm sóc những em bé sinh non tháng bé xíu trong lồng ấp. Nơi đây, có biết bao em bé sinh non sau thời gian điều trị và nuôi dưỡng đã khỏe mạnh lớn lên, trở về vòng tay yêu thương của cha mẹ. Và cũng chính tại nơi này, nhiều kỳ tích đã xảy ra.
Trong ký ức của Ths.BSCKII Phạm Thị Thu Phương - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vẫn không thể quên lần đầu tiên nhìn thấy em bé sinh non có cân nặng 400g. Bé nhỏ xíu nhỉnh hơn chiếc cốc, cơ thể điển hình của trẻ suy dinh dưỡng từ trong bào thai chỉ có da bọc xương… Khi bé được thở máy từ phòng sinh cấp tốc đưa lên khoa, các bác sĩ và điều dưỡng đón bé đều hoảng hốt, bởi với nhiều người, đây là lần đầu tiên nhìn thấy em bé nhẹ cân nhất, khóc rất yếu, người mềm nhũn, tím tái, thở thoi thóp, trương lực cơ yếu, suy dinh dưỡng teo đét. “Khi bế bạn ấy lên rất sợ vì em chưa bao giờ bế một bạn nhỏ như vậy”, điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên kể lại. Liệu có cứu được bé không? Câu hỏi ám ảnh kíp trực hôm đó.
Mẹ bé - chị L.T. T. (sinh năm 1991, Thanh Hóa) có tiền sử sản khoa nặng nề, từng sảy thai và sinh non nhiều lần, lần mang thai này là lần thứ 7. Trong thai kỳ, chị T. bị tiền sản giật nặng, thai nhi có tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung, cạn ối.
Từ tuần thai 21, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã chỉ định truyền ối 3 lần cứu thai nhi, được sử dụng thuốc trước sinh, bảo vệ não cho trẻ sinh non dưới 32 tuần. Đến tuần 26, tình trạng tiền sản giật của người mẹ ngày càng nặng nề, thai nhi đối diện nguy cơ mất tim thai nên gia đình có nguyện vọng đình chỉ thai nghén với mục đích chính là cứu người mẹ.
Ngày 21/2/2023, sản phụ được gây chuyển dạ sinh thường và bé gái được sinh ra trong 1 hình hài nhỏ xíu, chỉ nặng 400g, tuổi thai xấp xỉ 27 tuần. Bác sĩ hồi sức sơ sinh đánh giá bé có nguy cơ tử vong cao, chẩn đoán sinh cực non và cân nặng cực thấp. Em bé đối diện nguy cơ ngạt tại phòng sinh, suy hô hấp sau sinh. Trong quá trình hồi sức, các bác sĩ đã giải thích với gia đình để xác định tâm lý rằng em bé khó có thể qua khỏi.
Kỳ diệu thay, sau khi được bóp bóng hồi sức tích cực 20 phút, da bé đã hồng hơn, bé có phản xạ tay chân, mở mắt. Từ khoảnh khắc ấy, các bác sĩ hiểu rằng bằng mọi cách phải cứu sống chiến binh nhỏ này, đảm bảo nuôi dưỡng để cải thiện cân nặng, điều trị bệnh lý cho bé. Bé được sử dụng máy thở hỗ trợ tại phòng sinh và vận chuyển lên Khoa Sơ sinh nằm lồng ấp, một cuộc hành trình bền bỉ bắt đầu.
“Bệnh nhân vừa non tháng, vừa được đánh giá là thai cân nặng thấp, thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Một nguy cơ đã khó khăn nhưng bệnh nhi lại có hai nguy cơ, đây là hai nguy cơ lớn gây tử vong hàng đầu cho trẻ sơ sinh”, BS Phương nhấn mạnh.
Cuộc chiến trường kỳ
Vượt qua cửa tử lần 1 tại phòng sinh, hành trình lên Khoa Hồi sức sơ sinh thì cuộc chiến sinh - tử lần hai mới bắt đầu. Đây là cuộc chiến trường kỳ, bền bỉ, bởi bé có cơ hội sống hay không đều phụ thuộc vào lần này. Theo đánh giá của các bác sĩ Khoa Sơ sinh, tình trạng của bé khi chuyển lên rất nặng.
Với một trẻ chậm phát triển trong tử cung, chỉ nặng vỏn vẹn 400g (thông thường thai nhi 27 tuần tuổi nặng 600g-700g), để cứu sống bé, là cả một cuộc chiến “cân não” đầy khó khăn mà không bác sĩ nào dám đảm bảo chắc chắn. “Nhưng nhìn hoàn cảnh, nghe tiền sử sản khoa của người mẹ làm cho các y, bác sĩ thật sự thông cảm và cũng là động lực để chúng tôi cố gắng hết sức. Vì 7 lần mang thai là cả vấn đề, bà mẹ bị ám ảnh nhiều lần sinh non, sảy thai, thai lưu, đẻ non mà không cứu được. Gia đình rất ám ảnh, run sợ, không biết con không còn cơ hội sống thì mẹ còn sinh đẻ được không. Đó là áp lực rất lớn cho nhân viên y tế”, BS Phương chia sẻ.
Với quyết tâm cứu sống cháu bé, các y, bác sĩ đã tập trung trí tuệ, nỗ lực hết sức từ những giờ vàng sau sinh. “Những giây ban đầu sau sinh rất quan trọng, nếu mình cấp cứu không kịp thời thì em bé tử vong ngay tại chỗ, nếu cấp cứu kịp thời, bé đáp ứng được sẽ làm thay đổi sự sống, đem lại cơ hội sống cho em bé”, BS Phương khẳng định.
Em bé được áp dụng phương pháp điều trị theo quy trình của bệnh viện và quy trình này được tham khảo, ứng dụng trên thế giới. Ngay từ đầu, các bác sĩ đã cố gắng giảm thiểu những xâm nhập, can thiệp cho cháu bé để tránh chấn thương cho bé như: Thở máy ít xâm nhập CPAP; cắt rốn chậm - phương pháp để phòng tránh nguy cơ thiếu máu và giảm thiểu nguy cơ xuất huyết não cho trẻ sơ sinh; kiểm tra đường huyết. “Em bé mới sinh lấy ven đã khó, em bé sinh non lấy đường truyền tĩnh mạch không hề đơn giản. Chúng tôi phải lấy đường truyền tĩnh mạch rốn, thiết lập đường truyền trung tâm để khi lấy máu có thể dễ dàng hơn. Đây là đường truyền tận dụng trong sơ sinh và thường để tránh nguy cơ nhiễm trùng, cố gắng dùng trong 7 ngày. Em bé sống hoàn toàn bằng nuôi dưỡng tĩnh mạch, thuốc men, nếu không có đường truyền thuốc, dinh dưỡng từ ngoài vào thì cắt đường sống. Nếu điều dưỡng không lấy được ven thì gần như bế tắc”, BS Phương nói.
Em bé đã như thế kiên cường vượt qua ngày đầu khó khăn. Một tuần sau, bác sĩ tiếp tục “cân não” rút hay không rút đường truyền. Bởi nếu không rút thì nguy cơ nhiễm trùng huyết, rút thì không có đường vào, chẳng khác nào cắt đứt sự sống. “Chúng tôi huy động kíp điều dưỡng chắc tay thực hiện kỹ thuật đặt đường truyền tĩnh mạch từ trung tâm ngoại biên (longline) để nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn (đặt đường truyền luồn từ tay vào tận gần tim của bé). Đây là kỹ thuật khó, phải có tay nghề cao, có vật tư rất nhỏ mới triển khai được kỹ thuật này”, BS Phương nhấn mạnh.
Trong quá trình điều trị, bé luôn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Nguy cơ suy hô hấp sẽ kéo dài suốt quá trình điều trị, làm sao phổi trưởng thành phát triển, thích nghi được với môi trường bên ngoài… Đối mặt thứ hai là nguy cơ hạ đường huyết, viêm ruột hoại tử. Nguy cơ nhiễm trùng vì sức đề kháng của em bé kém, nằm lâu trong hồi sức sơ sinh, can thiệp nhiều thì càng nhiều nguy cơ nhiễm trùng.
Sau khi được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn 25 ngày, em bé mất 45 ngày thở máy không xâm nhập, 10 ngày thở oxy và sau gần 2 tháng bé mới tự thở được. Đón và chăm sóc bé tròn 1 tháng đầu tiên, điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên không bao giờ quên những hình ảnh xúc động khi cô gần gũi, chăm bẵm bé như người mẹ. “Bạn sinh non lại suy dinh dưỡng nên khả năng cho ăn sẽ tăng nguy cơ viêm ruột. Ban đầu em cho bé ăn 0,5 ml bằng sữa mẹ. Nếu cho ăn nhiều, số lượng lớn có nguy cơ bị viêm ruột hoại tử. Khi bé đáp ứng thì cho ăn lên 1ml/lần, cách 3 tiếng cho ăn 1 lần, ngày ăn 8 lần và theo dõi xem có tiêu hóa được không. Sau 1 tháng, em bé có hy vọng sự sống đến gần hơn. Bản thân bé rất nỗ lực đáp ứng”, điều dưỡng Hiên nói.
Dù cẩn thận, song vẫn không tránh khỏi một lần bé bị nhiễm khuẩn nặng, phải điều trị một đợt kháng sinh. Rất may mắn, bé đáp ứng thuốc và qua được giai đoạn nhiễm khuẩn nặng nhất. Theo bác sĩ, trẻ sinh non thường có tình trạng thiếu máu nên bé được truyền máu định kỳ 3 tuần/ lần. Hai tháng sau, cân nặng của bé tăng lên 1.200g, khi tình hình sức khỏe ổn định khá tốt về mọi mặt, bé được chuyển ra ngoài để được ấp Kangaroo với mẹ như các em bé khác. Sau 4 tháng điều trị, bé gái đã phát triển bình thường với cân nặng 2,1kg và có thể tự bú mẹ.
Sức sống kỳ diệu và những nỗ lực bền bỉ
Cho chúng tôi xem bệnh án của cháu bé, BS Phạm Thị Thu Phương xúc động nói: “Đây là bệnh án điện tử, còn bệnh án giấy thì phải nặng vài kg”. 4 tháng trường kỳ giành giật sự sống cho sinh linh bé nhỏ, BS Phương cho rằng, có những điều rất kỳ diệu, chạm đến trái tim, lòng trắc ẩn của mỗi con người. “Khi em bé được 2 tháng và ra khỏi khu hồi sức, các bác sĩ đã thấy có hy vọng. Tuy nhiên, một cháu bé nặng chỉ 400g, luôn đe dọa tính mạng bất kỳ lúc nào, y bác sĩ vẫn luôn nâng niu vì chỉ cần nhiễm trùng, bé có thể tử vong ngay. Vì vậy, bé được chăm sóc trong môi trường lý tưởng với điều kiện tốt nhất như giảm ánh sáng, giảm tiếng ồn, giảm tác động làm cho em bé được yên ổn, giảm đau đớn và tránh stress”, trưởng khoa Sơ sinh chia sẻ.
Cho đến tận bây giờ, BS Phương và ê-kip điều trị, chăm sóc cháu bé vẫn mang cảm giác khó diễn tả vì lúc khó khăn nhất, không nghĩ em bé qua được. “Chị em y, bác sĩ gắn bó với em bé như người thân, như con của mình vì 120 ngày nằm ở đây gần như các cô thân thuộc em bé hơn bố mẹ em. Mình phải trải qua khó khăn, khi thành công mới cảm nhận được hạnh phúc vỡ oà. Có khi bố mẹ không cảm nhận được vì không đồng hành cùng. Lúc ra viện, em bé đã lớn, khỏe mạnh, bố mẹ không được chứng kiến giây phút khó khăn, vất vả từng giờ, từng phút giành giật sự sống của các y, bác sĩ”, BS Phương tâm sự.
Chăm bé suốt 1 tháng đầu với nhiều lần nguy kịch, điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên kể lại: “Bố bé vào thăm con, khi đó bé được 3 ngày tuổi, người cha xúc động không thốt ra lời vì nhìn con bé quá, quanh người cắm nhiều dây truyền, dây máy thở, moniter theo dõi… Em động viên bố nói với mẹ không lo lắng quá để còn có sữa cho bé. 1-2 giọt sữa cũng mang vào cho bé vì sữa đó rất quý với con”.
Theo tâm sự của Trưởng khoa Sơ sinh, trong gần 30 năm làm nghề y, chị đã chứng kiến từng giai đoạn đổi thay của sự phát triển y học thế giới và Việt Nam. Nếu như 20 năm trước, ngành y chỉ cứu được trẻ sinh non trên 1 kg, thì 10 năm sau, đã cứu sống được trẻ trên 800g, và vài năm nay đã cứu sống các cháu cân nặng 600-700g, gần đây cứu sống các cháu 500g-600g và giờ là 400g. Những em bé sinh cực non với cân nặng cực thấp giờ đây đã có nhiều hy vọng sống nhờ các y, bác sĩ giỏi chuyên môn, giỏi tay nghề, luôn cập nhật kiến thức y học hiện đại trên thế giới để ứng dụng vào thực tiễn.
Chúng tôi xin khép lại bài viết bằng tâm sự của BS Phương: “Để mang lại cơ hội cứu sống em bé và để em bé ra viện là cả một hành trình gian nan, trường kỳ chiến đấu ròng rã 4 tháng. Thành công đó đòi hỏi bản thân em bé giống như một chiến binh dũng cảm, đòi hỏi các y, bác sĩ phải có một trái tim rất nhân hậu, có lòng trắc ẩn, đòi hỏi chạm đến trái tim thì mới có thể làm được những điều kỳ diệu như vậy. Tôi thấy tự hào về các y, bác sĩ tại Khoa Sơ sinh vì làm nghề phải thật sự yêu nghề, tâm huyết, có trái tim nhân hậu và có đầu lạnh để quyết đoán trong tình huống khó khăn quyết định cuộc đời của em bé. Trải qua bao khó khăn, gian nan vất vả mới cứu được sinh linh bé nhỏ đến tay bố mẹ, khoảnh khắc đó rất hạnh phúc cho nhân viên y tế làm nghề”.
Nguồn:
https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/ky-dieu-gianh-giat-su-song-cho-em-be-nang-400g-i702026/
https://special.nhandan.vn/suc-song-cua-thai-nhi-nang-400g/index.html
Bá Thành - Tổ Truyền thông