Tỉnh dậy vẫn còn tử cung, mẹ Hà Nội khóc vì vui sướng
Chị Vũ Thị Ngà cho biết, chị có tiền sử vết mổ cũ vào năm 2014. Đầu năm nay khi biết mình mang thai chị đã được các bác sĩ cảnh báo khả năng giữ chỉ 2% vì túi thai phát triển về eo cổ tử cung, có nguy cơ sát vết mổ cũ. Tuy có nhiều nguy cơ nhưng chị vẫn quyết định giữ lại em bé.
“Mình nhìn chấm nhỏ xíu trên màn hình siêu âm với nhịp đập khỏe mạnh đã lấy hết dũng khí giữ con lại”, chị Ngà cho biết.
Chị Ngà tin tưởng các bác sĩ nên giữ tâm lý thoải mái khi lên bàn sinh mổ dù mình bị bệnh lý nhau cài răng lược nguy hiểm.
Cả thai kỳ của chị Ngà đối diện với biết bao lo lắng, vất vả, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mất con. Mặc dù không nghén nhưng 6 tuần chị đã có dấu hiệu ra máu nhiều phải nằm nghỉ tại chỗ, tiêm thuốc hỗ trợ để giữ thai. Đặc biệt hơn, 26 tuần, chị hoang mang, lo lắng phải nhập viện gấp vì nhau tiền đạo trung tâm theo dõi nhau cài răng lược.
“Khoảng thời gian ấy mình xét nghiệm anti lưỡng tính và D-dimer cao phải tiêm nội tiết, lovenox và uống aspirim. 26 tuần mình bị đau bụng nhẹ, ra Viện Sản Trung Ương khám nhận kết quả nhau tiền đạo trung tâm, theo dõi nhau cài răng lược được yêu cầu nhập viện luôn dù chưa ra máu. Trước đó, mình siêu âm tại phòng khám cũng biết nhau tiền đạo rồi nhưng không ngờ bị nặng đến mức cài răng lược”, chị Ngà kể.
Chị Ngà cho biết, từ lúc nhận kết quả của bác sĩ nỗi lo sợ bủa vây chị bởi ca của chị là ca khó không phải bệnh viện nào cũng làm được và theo lời bác sĩ nói chắc chắn khi mổ sẽ phải cắt tử cung để đảm bảo an toàn cho mẹ.
Nghe đến đây gương mặt chị đượm buồn, dù đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý nhưng chị vẫn mong muốn giữ lại tử cung để có con thêm lần nữa. Đang trong lúc không biết phải làm sao, chị như vớ được cọc và có thêm niềm tin hơn khi đi khám bác sĩ khác cho biết tử cung của chị vẫn có thể giữ lại được.
“Lúc đó buồn lắm, mình có đọc được bài chia sẻ về ca sinh khó của một sản phụ do bác sĩ Trần Ngọc Đính và bác sĩ Trần Trung Đạo, bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện. Mình tìm đến khám và được bác sĩ động viên khả năng mổ sẽ giữ được tử cung. Nghe đến đây mình mừng lắm vì có hy vọng và đăng ký 2 bác sĩ mổ cho”, chị Ngà tâm sự.
Nhau cài răng lược là tình trạng nhau bám chặt vào thành tử cung, không tróc tự nhiên sau khi em bé đã được sinh ra.
Chị Ngà bảo, chị làm hồ sơ sinh ở Viện Phụ sản Hà Nội và được các bác sĩ khích lệ động viên tinh thần rất nhiều, thậm chí khi nằm chờ gây mê chị còn được bác sĩ khen “Sản phụ nay xinh thế”. Chính vì sự thoải mái, tận tình ấy của các bác sĩ mà trong suốt ca mổ chị không một chút lo sợ mặc dù ca sinh của mình được đánh giá là khó khăn. Chị được mẹ tròn con vuông, con gái nặng 2,1kg chào đời ngày 3/12.
“Trước đây các sản phụ bị bệnh lý như mình đều phải mổ dọc và cắt tử cung bán phần hoặc toàn bộ nhưng khi mình tỉnh dậy không những được bảo tồn nguyên vẹn tử cung mà còn thấy vết mổ ngang mình khóc vì vui, sung sướng, hạnh phúc. Cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn con gái yêu đã luôn mạnh mẽ cùng mẹ vượt qua 37 tuần thai, không bỏ cuộc giữa chừng”, chị Ngà nhìn con gương mặt tràn đầy hạnh phúc.
Hơn 1 giờ căng thẳng với ca mổ đẻ cho sản phụ bị nhau cài răng lược
Chia sẻ về ca sinh mổ của chị Ngà, bác sĩ Trần Ngọc Đính – Trưởng khoa D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, nhau cài răng lược là tình trạng nhau bám chặt vào thành tử cung, không tróc tự nhiên sau khi em bé đã được sinh ra.
Nhau cài răng lược có 3 mức độ: mức độ 1 là bánh nhau bám và xâm lấn một phần lớp cơ tử cung, mức độ 2 là bánh nhau bám sâu vào lớp cơ tử cung nhưng chưa xuyên qua các cơ quan lân cận và mức độ 3 là bánh nhau ăn xuyên hết lớp cơ, lớp thanh mạc tử cung, ăn lan đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột. Đây là ca mổ nặng nhất trong sản khoa. Tuy nhiên tùy vào từng mức độ có thể bảo toàn được tử cung cho sản phụ.
BS Trần Ngọc Đính (Trưởng khoa D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)
|
Theo bác sĩ Đính, sản phụ Ngà bị nhau cài răng lược mức độ 1, bánh nhau mới chỉ bám và xâm lấn vào cơ tử cung nên vẫn có thể bảo toàn tử cung cho sản phụ. Sau hơn 1 giờ nỗ lực của ekip, ca mổ nhau cài răng lược của chị Ngà đã thành công.
“Ca mổ của sản phụ diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ phải truyền mất 1,5 lít máu. Với những ca mổ này bác sĩ hồi sức rất quan trọng, phải dự trù máu sẵn để truyền và phải truyền máu, điều chỉnh sao cho tránh mất máu nhiều, gây ra rối loạn đông máu.
Ở mức độ 1, khi mổ nếu nguy cơ sản phụ chảy máu nhiều vẫn phải cắt tử cung. Còn mức độ 2 và 3 khi mổ có thể cắt tử cung và khâu lại ruột, bàng quang. Nếu nhau bám và xâm lấn vào ruột nhiều thì có thể phải cắt đoạn ruột đó đi”, bác sĩ Đính chia sẻ.
Được biết, nhau cài răng lược có thể gây các biến chứng như: Băng huyết sau sinh phải truyền máu, đe dọa đến tính mạng sản phụ; sót nhau gây nhiễm trùng sau sinh; sinh non do chảy máu nhiều, phải cắt tử cung để bảo tồn tính mạng; nếu nhau cài đến bàng quang hay ruột thì đôi khi phải cắt bỏ 1 phần bàng quang hay ruột thì mới cầm máu được; gây hậu quả nặng nề như dò bang quang, âm đạo,...
Những phụ nữ có nguy cơ bị nhau cài răng lược thường là người có tiền sử mổ lấy thai; tiền căn bóc nhân xơ tử cung, u xơ tử cung dưới niêm mạc, dính buồng tử cung và những người đã đẻ nhiều lần.
Bác sĩ Đính và bác sĩ Đạo thực hiện ca sinh mổ của chị Ngà.
Tuy nhiên, bác sĩ Đính cho biết, nhau cài răng lược có thể biết và dự phòng từ sớm, khi thai được 6-7 tuần có thể phát hiện được. Với những trường hợp phát hiện sớm sẽ được tư vấn đình chỉ thai để có thai lại lần sau bởi nếu giữ thai có thể nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ, hơn nữa, sản phụ có thể phải cắt tử cung.
“Không phải trường hợp nào cũng tư vấn đình chỉ thai mà chỉ những trường hợp túi thai ăn sâu vào cơ tử cung lồi ra ngoài tiên lượng không thể giữ được, nếu giữ đến 12 tuần, thai sẽ tự sảy, ra máu ồ ạt.
Nếu bệnh nhân tha thiết giữ thai hoặc không đình chỉ được có thể vẫn giữ được với điều kiện theo dõi sát sao và khả năng khi mổ sẽ phải cắt tử cung. Với bệnh lý này, cách phòng tránh duy nhất là mọi người nên đi khám thai định kỳ đều đặn để phát hiện sớm”, bác sĩ Đính cho hay.
Nguồn: https://eva.vn/ba-bau/suot-thai-ky-lo-so-bua-vay-ngay-de-me-hn-bat-khoc-khi-tinh-day-van-con-tu-cung-c85a375618.html
Tổ Truyền thông