Xuân mới náo nức gõ cửa mọi nhà, mọi người nô nức sắm Tết, chơi Tết, còn trong khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội, guồng quay điều trị, giành sự sống cho các bé sinh non, nhẹ cân vẫn xoay vần lặng lẽ.
BS. Quỳnh Hương hướng dẫn bà mẹ trẻ chăm con sinh nhẹ cân, non tháng ở khu "ấp"
Mạnh mẽ vươn mầm sống
Nằm tại Khoa Sơ sinh gần 3 tháng qua, bé T.T.T chào đời nặng 800g vẫn đang chiến đấu với bệnh tật để chờ ngày được về đoàn tụ với gia đình. BS. Nguyễn Ngọc Bình, Khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ: T. bị nhiễm khuẩn rất nặng, các cơ quan chưa trưởng thành, khả năng thích nghi môi trường kém. Suốt hành trình 3 tháng nằm viện, T. phải hỗ trợ thở máy nhiều lần, được kiểm soát nhiệt độ và dinh dưỡng rất tỉ mỉ.
Bên cạnh đó, do hệ miễn dịch kém nên T. bị nhiễm khuẩn máu nặng. Đang ở giai đoạn thở CPAP, nhưng T. có tình trạng sốc nhiễm khuẩn khiến các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch hỗ trợ và dùng kháng sinh mạnh để xử lý sốc nhiễm trùng, cân bằng nội mô trong cơ thể.
“Sốc ở sơ sinh điều trị rất khó, lượng thuốc đưa vào cháu bé cần chi tiết tỉ mỉ đến từng mg, bảo đảm an toàn cho cháu bé vì lúc này chức năng các cơ quan của trẻ kém. T. có giai đoạn hoàn toàn phụ thuộc máy thở, dùng thuốc vận mạch liều cao, khả năng đáp ứng rất chậm, toan chuyển hóa nặng, sốc mất bù… Chúng tôi đã từng nghĩ con không thể qua khỏi được. Những lúc thế này thật đau lòng khi phải gọi gia đình lên thông báo tình hình”, BS. Bình cho hay.
Nụ cười rạng rỡ của người mẹ bên chiến binh nhí, mong mùa Xuân về
Thế nhưng vì một sự diệu kì nào đó, bé lại vượt qua được trong sự nghẹn ngào vui sướng của cả bác sĩ và gia đình. Sau 3 tháng ròng rã nằm viện, hiện bé T vẫn đang thở oxy và đã ăn được. “Trẻ nặng hơn 3kg, còn đang điều trị bệnh phổi mạn do đẻ non, các cơ quan khác đã ổn định hơn nhiều rồi”, bác sĩ Bình mừng rỡ nói.
Sau 6 năm bị hỏng thai đầu do sinh non, chị Giáp Thị Trân (Đông Anh, Hà Nội, sinh năm 1995) mới có bầu lần 2. Dù thăm khám rất cẩn trọng nhưng ở tuần thai thứ 27, Trân sinh non. Bé gái Nguyễn Văn Trang chào đời chỉ nặng 800g và được chuyển về hồi sức tại khoa Sơ sinh.
Những ngày con nằm hồi sức, bé xíu, dây truyền chằng chịt ở cơ thể, trong lòng người mẹ trẻ không nguôi nỗi lo lắng, thấp thỏm, liệu bất hạnh có đến lần 2?
5 tuần đằng đẵng nằm điều trị ở khu hồi sức rồi cũng dần qua, bé Trang lên 1,3kg, được ghép với mẹ tại khu ấp Kangaroo, trong niềm hạnh phúc vỡ òa của hai vợ chồng Trân.
“Hiện tại bé đã nặng 2,4kg, có thể tự bú được 35ml/lần và bú 2-3 lần/ngày. Nếu bé tập bú tốt, con có thể ra viện về nhà đón Tết đó”, BS Bình mắt lấp lánh niềm vui thông báo.
Thì thầm lời chúc năm mới
Công tác tại khoa Sơ sinh đã hơn 10 năm, BS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương chia sẻ: “Ở đây có rất nhiều chị em gắn bó lâu năm. Thực ra Sơ sinh là ngành vất vả nhất trong Nhi, đã trụ ở đây phải nói là người cực kỳ yêu nghề. Vì đặc thù, các bé sơ sinh không biết nói, nên việc chăm sóc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, phải có tình cảm xuất phát từ tâm, mới làm được việc. Đặc biệt, Hồi sức Sơ sinh là công việc vất vả nhất.”
Với sơ sinh thường đi liền điều trị với chăm sóc, trong đó chăm sóc là mảng khá quan trọng. Với 1 trẻ sơ sinh nằm tại khu hồi sức, thường cứ 3 tiếng 1 lần cho ăn, thay tã, còn các bạn non tháng thì cho ăn nhiều hơn từ 12-16 bữa/ngày, thậm chí có những bạn phải nhỏ giọt dạ dày… song song là thực hiện y lệnh, theo dõi từng diễn biến nhỏ nhất của trẻ nên khối lượng công việc mỗi ca trực rất lớn, xoay liên tục, rất áp lực và căng thẳng. Nếu không yêu nghề, yêu trẻ và tính kiên trì thì khó bám trụ được với công việc tại đây.
Điều dưỡng Lan Anh cùng sản phụ chăm sóc bé sinh non
BS. Quỳnh Hương tâm sự rằng: “Đến ngày Tết thường ai cũng nghĩ tới việc nghỉ ngơi, về với gia đình, bên người thân, nhưng các con sơ sinh ở đây không có khái niệm ấy. Các con coi đây là nhà rồi, khi nào thực sự ổn, đủ điều kiện các con mới ra viện, không như các bệnh lý khác, có thể “tạm” ra viện mấy ngày Tết rồi quay lại tiếp tục điều trị.
Trẻ ở đây do bệnh lí nặng, phải tách ra khỏi mẹ ở với các cô ngay từ khi chào đời nên coi các cô như người mẹ thứ 2. Chính vì thế, 365 ngày/năm, các bác sĩ, điều dưỡng đã thay áo blouse bước vào là bỏ lại tất cả, không phân biệt ngày Tết hay thường, cuốn vào guồng điều trị, chăm các con.
“Với các trẻ sơ sinh ở đây, đã ốm đau, đều thiếu vắng hơi ấm của cha mẹ nên thấy rất thương. Nếu những trẻ khác Tết là được bố mẹ mừng lì xì, được bố mẹ chăm bẵm còn ở đây các cô thay bố mẹ đi chúc Tết từng con có lời nói “Nay mùng 1 Tết rồi nhé, sang tuổi mới chúc con nhanh khỏe về với bố mẹ”.
Có người hỏi rằng, Tết ở khoa Sơ sinh công việc có gì khác ngày thường thì chúng tôi trả lời rằng khoa chúng tôi không phụ thuộc vào Tết, các con sinh non có được chọn ngày sinh đâu,… Còn các bạn được đón ra viện thì bất kể mùng 1, hay mùng 2, 3 cũng ra khi đủ điều kiện. Đích phấn đấu duy nhất của chúng tôi là các con mạnh khỏe được ra viện – Đó chính là Tết”, BS. Quỳnh Hương chia sẻ.
Còn với bác sĩ trẻ Ngọc Bình, vẫn nhớ mãi “đêm trực 30 đầu tiên, khi thời khắc Giao thừa chuẩn bị điểm, cũng là lúc tôi cùng cả kíp trực lại lao vào hồi sức cho một ca sơ sinh nặng tại phòng đẻ. Sau 2 giờ đồng hồ căng thẳng cấp cứu cho trẻ, Giao thừa trôi qua từ khi nào, bỏ lỡ mất rồi giây phút chúc Tết người thân dù chỉ qua điện thoại. Nhưng với chúng tôi, điều quan trọng nhất khi ấy là cháu bé qua đợt cơn nguy kịch. Đó là món quà đầu năm mới quý giá và ý nghĩa nhất”.
Tỷ lệ trẻ sinh non tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội những năm gần đây tăng lên đáng kể. Khoa Sơ sinh hiện có 22 bác sĩ, 8 hộ lý, 73 điều dưỡng chăm sóc khoảng 150 cháu 24/24 giờ. Với những kỹ thuật tiên tiến, bệnh viện đã cứu được ngày càng nhiều trẻ sinh non trong đó có những trẻ cực non nặng 600g-700g.
Nguồn:
https://www.baogiaothong.vn/tet-dac-biet-cua-nhung-chien-binh-nhi-d579780.html
Bá Thành - Tổ Truyền thông