Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn tiếp nhận một bệnh nhân nữ 20 tuổi (ở Pác Nặm, Bắc Kạn) vào viện trong tình trạng chậm kinh 1 tháng kèm đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, da xanh, niêm mạc nhợt.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả thăm khám âm hộ, âm đạo cho thấy, bệnh nhân bị ra ít huyết màu đỏ sẫm. Cổ tử cung đóng kín, thân tử cung to bằng thai khoảng 2 tháng. Bệnh nhân được làm xét nghiệm thử thai và cho kết quả dương tính.
Dựa trên các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị chửa trứng trên nền thiếu máu nặng. Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân chưa lập gia đình và chưa có con. Hơn 1 năm trước, bệnh nhân cũng được phát hiện chửa trứng hoàn toàn và đã được nạo chửa trứng.
Trên thực tế, việc chị em phụ nữ bị chửa trứng không phải là hiếm xảy ra. Trước đó, tại nhiều bệnh viện cũng đã ghi nhận một số ca bị chửa trứng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Theo BS Nguyễn Minh Nguyệt, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch.
Thông thường, chửa trứng không nguy hiểm vì khoảng 80% chửa trứng là lành tính, bệnh khỏi sau khi nạo lấy hết nhau thai hoặc cắt dạ con ở người không có nhu cầu sinh đẻ nữa.
Tuy nhiên, khoảng 10-15% chửa trứng trở thành loại xâm nhập, bệnh ăn sâu vào thành dạ con gây chảy máu và các tác hại nguy hiểm khác. Khoảng 2-3% chửa trứng trở thành ung thư nhau thai. Khi đã thành ung thư nhau thai, bệnh phát triển nhanh, lan rộng, di chuyển tới các nơi khác như phổi, não, gan gây hậu quả khó lường.
BS Minh Nguyệt cho biết, dù chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây chửa trứng nhưng một số công trình nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, có thể do sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể.
Bên cạnh đó, ở một số nhóm người, chẳng hạn như: Phụ nữ dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi; những người có thai nhiều lần; bất thường ở dạ con; những người có mức sống thấp, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic, vitamin A… cũng dễ gặp tình trạng chửa trứng này.
Môt số dấu hiệu của chửa trứng
Theo các bác sĩ, thời gian đầu, thai phụ bị chửa trứng cũng có biểu hiện giống như những trường hợp mang thai bình thường khác (tắt kinh, ốm nghén, ngực căng…). Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ tăng lên ở người bị chửa trứng, nghĩa là nghén rất nặng (có thể thường xuyên bị nôn, không thể ăn uống được gì, người gầy sút nhanh, xanh xao).
Trong đó, một dấu hiệu rất quan trọng cần chú ý ở người chửa trứng là bị ra máu âm đạo. Tình trạng này xảy ra vào khoảng tháng thứ 2 đến tháng thứ 4 của thai kỳ. Máu ra có thể màu đỏ hoặc nâu sẫm thậm chí màu đen. Lượng máu ra từng ít một và dai dẳng.
Ngoài ra, người bị chửa trứng hay mệt mỏi do thiếu máu. Đôi khi có xuất hiện vàng da, nước tiểu vàng. Trường hợp nặng có thể bị cường giáp, xuất hiện nhịp tim nhanh, da nóng ẩm, run tay, tuyến giáp to (khoảng 10% trường hợp chửa trứng gặp phải).
Đặc biệt, ở người chửa trứng bụng to lên rất nhanh. Một số trường hợp dù mới mang thai 2 tháng nhưng tử cung đã phát triển to như người mang thai 5-6 tháng, nhưng khi sờ nắn bụng thai phụ thì thấy mềm và không thấy khối thai.
Ngoài các dấu hiệu nhận biết trên, các bác sĩ cho biết, chửa trứng cũng dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như: Thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung…
Vì vậy, để xác định chính xác có chửa trứng hay không, thai phụ cần thăm khám định kỳ thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu phát hiện bất thường, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp, tránh những biến chứng về sau.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/song-khoe/tu-vu-co-gai-20-tuoi-bi-chua-trung-nhung-dau-hieu-dac-biet-quan-trong-chi-em-can-luu-y-de-phat-hien-som-tinh-trang-bat-thuong-thai-nghen-nay-20200921170738142.htm
Hà Trang - Tổ Truyền thông