Những biến chứng nguy hiểm của phụ nữ mang thai khi mắc cúm
Các thay đổi sinh lý của hệ miễn dịch người mẹ khi mang thai là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm và xảy ra các biến chứng do cúm. Bên cạnh đó, nhiễm cúm cũng làm tăng nguy cơ kết cục xấu cho thai kỳ như sinh non, dị tật thai nhi.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc Trung tâm Khám điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, phụ nữ mang thai không chỉ dễ mắc cúm mà còn có nguy cơ cao bị biến chứng nguy hiểm.
Phụ nữ mang thai mắc cúm nguy hiểm nhất trong giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Cụ thể, phụ nữ mang thai mắc cúm trong tam nguyệt cá thứ nhất rất dễ gây sảy thai, thai chết lưu, thai nhi bị dị tật hoặc gây sinh non. Một số chủng virus cúm có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, đục thuỷ tinh thể...
Biến chứng cúm với chính người mẹ cũng vô cùng nguy hiểm phổ biến như viêm phế quản, hay nghiêm trọng hơn là viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng máu gây ra sự giảm huyết áp nghiêm trọng (sốc nhiễm khuẩn), viêm màng não, viêm não, viêm nội tâm mạc… có thể suy đa tạng và tử vong.
Vắc xin phòng cúm có lợi cho cả mẹ và con
Tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ mang thai là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa virus cúm tấn công cho cả mẹ và bé. Đặc biệt, vắc xin còn có tác dụng bảo vệ trẻ từ khi chào đời cho tới 6 tháng tuổi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên chủng ngừa cúm hàng năm cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ dưới 5 tuổi, người lớn hơn 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính và nhân viên y tế.
Các lợi ích của tiêm vắc xin phòng cúm cho phụ nữ mang thai và thai nhi cụ thể bao gồm:
- Giảm tỉ lệ mắc cúm: Nếu bị nhiễm cúm cũng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng, khỏi nhanh, hạn chế và giảm được các biến chứng do cúm gây ra.
- Tăng sức đề kháng và phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ sau sinh: Do kháng thể sẽ truyền từ mẹ sang con giúp bảo vệ thai nhi trong bụng mẹ và sau sinh.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm cúm và các biến chứng nặng của cúm. Tuy nhiên trẻ sơ sinh sẽ không được tiêm phòng cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Với những bà mẹ đã được tiêm vắc xin cúm, kháng thể từ mẹ có thể qua bánh nhau để vào hệ tuần hoàn của thai, bảo vệ thai nhi. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé chống lại bệnh cúm cho đến khi trẻ có thể tiêm vắc-xin khi được 6 tháng tuổi.
Tiêm vắc xin phòng cúm có lợi cho cả mẹ và con. (ảnh sưu tầm)
Vắc-xin phòng cúm đã được chứng minh an toàn cho phụ nữ mang thai
Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh cúm ở dạng bất hoạt, dùng đường tiêm được sử dụng khá phổ biến và đã được chứng minh an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và không gây ra các vấn đề về thai kỳ hoặc dị tật bẩm sinh.
Tiêm vắc xin phòng cúm vào bất cứ lúc nào khi mang thai
Bác sĩ Nguyễn Công Định cho biết phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng cúm bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, bất kể tuổi thai. .Kháng thể trong vắc xin bắt đầu hoạt động sau 2 ngày kể từ khi tiêm. Tuy nhiên, phụ nữ nên tiêm vắc xin cúm ít nhất 1 tháng trước khi có thai để được bảo vệ tốt nhất.
Nguồn:
https://soyte.hanoi.gov.vn/kham-chua-benh-pho-bien-kien-thuc-y-hoc/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/vi-sao-phu-nu-mang-thai-nen-tiem-vac-xin-phong-cum-
Bá Thành - Tổ Truyền thông