CƠ QUAN SINH DỤC NAM :
Hệ sinh sản của nam giới (hay cơ quan sinh dục sinh dục nam) có chức năng tạo ra tế bào sinh sản hay còn gọi là tế bào sinh dục (tinh trùng) và hormone sinh sản. Hai chức phận này có quan hệ mật thiết với nhau để thực hiện chức năng sinh sản và duy trì nòi giống.
Cơ quan sinh dục nam nhìn bên ngoài chỉ thấy có dương vật, bìu và hệ lông. Tuy nhiên cấu trúc bên trong còn có 2 tinh hoàn, 2 ống dẫn tinh, 2 túi tinh, tuyến tiền liệt và niệu đạo.
1. Cấu tạo cơ quan sinh dục trong:
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang (bọng đái) ra ngoài. Khi xuất tinh, van ở cổ bàng quang đóng lại, do đó không có hiện tượng trộn lẫn nước tiểu với tinh dịch.
Ống dẫn tinh là ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn lên túi tinh rồi đổ vào đoạn gốc của niệu đạo, đưa tinh trùng vào vị trí để tống xuất ra ngoài thông qua niệu đạo.
Túi tinh: có chức năng bài tiết tinh tương để nuôi dưỡng tinh trùng, tinh tương hoà lẫn với tinh trùng được gọi là tinh dịch có màu trắng đục như sữa.
2. Cấu tạo cơ quan sinh dục ngoài:
Dương vật là bộ phận để giao hợp và xuất tinh vào âm đạo của phụ nữ. Khi người đàn ông có hứng thú tình dục, dương vật sẽ cương to và hiện tượng phóng tinh có thể xảy ra. Hệ thống thần kinh ở đây rất phong phú nên nếu được xoa vuốt kích thích sẽ mang lại nhiều khoái cảm. Đầu dương vật có một đoạn da lỏng bảo vệ, gọi là bao quy đầu.
Bìu: túi da bao bọc bảo vệ tinh hoàn, giữ nhiệt độ cần thiết cho quá trình sản sinh và tồn tại của tinh trùng
Tinh hoàn: hai tuyến tròn nằm trong bìu. Bên trong có vô số các ống cuộn lại và có 2 chức năng:
Chức năng sản xuất tinh trùng hay sinh tinh nên các ống này được gọi là ống sinh tinh. Việc sinh tinh xảy ra ở người nam một cách đều đặn kể từ tuổi dậy thì cho đến chết.
Chức năng sản xuất kích thích tố hay hormon nam. Testosteron là hormon nam rất quan trọng vì cần thiết để em bé trai phát triển trở thành đàn ông.
Tinh trùng là tế bào sinh dục nam, hình như nòng nọc, có khả năng di chuyển. Mỗi lần xuất tinh khoảng 2 đến 5ml tinh dịch, chứa 200 triệu đến 500 triệu tinh trùng.
3. Sự phát triển của tinh hoàn, dương vật và hiện tượng xuất tinh ở tuổi dậy thì:
Dương vật bắt đầu to lên khoảng 13 - 14 tuổi, và đạt kích thước ở người lớn khoảng 2 - 3 năm sau đó. Khi dương vật được kích thích thì nam giới có khoái cảm tình dục, và khi khoái cảm tình dục ở mức độ cao sẽ có hiện tượng xuất tinh. Đôi khi bạn trai thấy có hiện tượng xuất tinh ban đêm khi nằm mơ hoặc tự động không chủ định, đó là hiện tượng mộng tinh hay còn gọi là giấc mơ ướt (wet dream). Đây là hiện tượng sinh lý bình thường ở tuổi dậy thì và cho thấy khả năng sinh sản của nam giới đã bắt đầu.
CƠ QUAN SINH DỤC NỮ :
Cơ quan sinh dục nữ (bộ phận sinh dục nữ) là một hệ thống sinh lý trong cơ thể phụ nữ với nhiều chức năng phức tạp: quan hệ, tiếp nhận tinh trùng, cấy thai, nuôi thai và sinh con. Các bộ phận sinh dục nữ nằm trong phần sau cùng của bụng xuống đến đáy chậu, sau ruột, trước lỗ hậu môn.
Cơ quan sinh dục của nữ gồm: cơ quan sinh dục ngoài và cơ quan sinh dục trong.
1. Cơ quan sinh dục ngoài :
Cấu tạo bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ bao gồm các bộ phận có thể nhìn thấy và sờ thấy bao gồm:
Âm hộ: tất cả tổ chức bên ngoài nhìn thấy được, có hai chỗ mở vào trong là
Lỗ tiểu - để nước tiểu thoát ra ngoài, hai bên có tuyến Skene
Lỗ âm đạo - lối ra của máu kinh; hai bên có tuyến Bartholin.
Màng trinh bao quanh lỗ âm đạo, có nhiều dạng và đầu dây thần kinh cảm giác
Âm vật: tương ứng dương vật nam giới, là vùng nhạy cảm khi bị kích thích sẽ tạo khoái cảm.
Môi lớn và môi nhỏ là nếp gấp da bên ngoài, che cho âm vật, lỗ tiểu và cửa âm đạo. Môi nhỏ có nhiều thần kinh cảm giác.
Âm đạo: là ống xẹp, nhiều nếp gấp ngang, hơi ẩm. Âm đạo là đường dẫn từ tử cung ra ngoài cơ thể, là lối ra của máu kinh, của thai nhi, là nơi tiếp nhận dương vật khi giao hợp. Âm đạo tiếp giáp tử cung tạo nên các túi cùng.
Tầng sinh môn: gồm toàn bộ phần mềm (cân, cơ, dây chằng) nâng đỡ cơ quan sinh dục trong khung xương chậu.
2. Cơ quan sinh dục trong :
Ngoài các cơ quan sinh dục bên ngoài có thể nhìn thấy, sờ thấy thì cấu tạo bộ phận sinh dục nữ còn bao gồm các bộ phận bên trong như:
Buồng trứng: hình hạt dẹt, màu hơi hồng nằm trong vùng chậu, chứa khoảng 300.000 đến 500.000 tế bào trứng (noãn) và sản xuất hormone Estrogen và Progesterone; được giữ trong hố chậu bằng các dây chằng.
Ống dẫn trứng (vòi trứng): đường dẫn noãn (trứng chưa thụ tinh) từ buồng trứng đến tử cung, là nơi trứng kết hợp tinh trùng thành trứng thụ tinh. Mặt trong ống dẫn trứng có nhiều lông tơ.
Tử cung (dạ con) : nơi trứng đã thụ tinh di trú đến và phát triển thành bào thai trong suốt thai kỳ. Lớp lót bên trong tử cung gọi là niêm mạc tử cung sẽ bong và trôi ra ngoài với máu (hiện tượng hành kinh).
Cổ tử cung: cửa vào tử cung nằm tận trong âm đạo; không có đầu dây thần kinh
3. Sinh lý kinh nguyệt:
Kinh nguyệt: Hàng tháng, phụ nữ thấy ra máu ở bộ phận sinh dục trong vài ngày. Hiện tượng này gọi là kinh nguyệt. Bên trong thành tử cung (dạ con) có phủ một lớp đặc biệt, gọi là lớp niêm mạc. Hàng tháng lớp niêm mạc này từ từ dày lên với nhiều mạch máu. Nếu trứng được thụ thai ở giai đoạn này thì mầm thai sẽ bám vào thành niêm mạc để được nuôi dưỡng và lớn lên. Nếu không có thai thì lớp niêm mạc này sẽ bong ra, các mạch máu bị vỡ ra và chảy ra ngoài theo đường âm đạo gọi là máu kinh. Quá trình bong niêm mạc xảy ra nhanh hay chậm tùy từng người nên có người chỉ hành kinh trong vòng 2 -3 ngày, có người khoảng 4 – 5 ngày, một số ít phụ nữ có thể có thời gian hành kinh bình thường là 6 – 7 ngày.
Lớp niêm mạc cứ dày lên từ từ rồi bong ra (lúc hành kinh) để trở lại trạng thái bình thường như lúc đầu, rồi đến tháng sau lại dầy lên, lại bong ra và cứ lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định như vậy gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt có độ dài khoảng 25 – 32 ngày, trung bình khoảng 28 ngày.
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt rất có ích bởi nó sẽ giúp bạn nữ kiểm soát được tình trạng cơ thể của chính mình. Để tính chu kỳ hành kinh, bạn nữ cần thực hiện một số bước sau:
Đầu tiên, bạn nữ hãy đánh dấu ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tháng này.
Tiếp theo, theo dõi liên tục ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo và tiếp tục đánh dấu.
Khoảng cách các ngày giữa hai chu kỳ vừa ghi nhớ chính là thời gian kỳ kinh nguyệt của bạn.
Vệ sinh kinh nguyệt
Vệ sinh vùng kín trong kỳ kinh nguyệt có vai trò khá quan trọng ảnh hưởng đến thể trạng cũng như sức khỏe của phụ nữ nói chung và bé gái tuổi dậy thì nói riêng. Các bạn nữ cần được người lớn hướng dẫn cách vệ sinh vùng kín vào ngày đèn đỏ để có thể thực hiện đúng các thao tác nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Năng tắm rửa thường xuyên vì vi khuẩn sinh sản rất nhanh trong máu hành kinh. Cứ mỗi 6 giờ, phải rửa thay băng vệ sinh một lần.Quần áo lót cần được giặt bằng xà phòng, phơi ngoài trời nắng để sát trùng.
Lưu ý:
- Tránh những lao động quá nặng nhọc hay những việc làm cần ngâm mình suốt ngày dưới nước.
- Tránh những thức uống có thể gây kích thích cho thần kinh như rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị mạnh.
- Tránh chơi những môn thể thao quá sức.
- Không nên giao hợp trong lúc hành kinh vì dễ gây xuất huyết do niêm mạc âm đạo xung huyết, phù nề và dễ gây biến chứng nhiễm trùng vì cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong buồng tử cung.
Sự thụ thai: Thụ thai là sự kết hợp giữa 1 tinh trùng và 1 trứng để hình thành 1 tế bào có khả năng phát triển gọi là trứng đã thụ tinh. Tinh trùng sinh ra từ tinh hoàn của đàn ông, còn trứng được sản xuất từ buồng trứng của phụ nữ.
Thụ tinh thường xảy ra tại 1/3 ngoài ống dẫn trứng của phụ nữ. Ngay tại “điểm hẹn”, tinh trùng bám vào bề mặt của trứng sau đó chui vào trong để kết hợp với trứng hình thành trứng đã thụ tinh, sau đó sẽ tiếp tục phát triển thành thai nhi.
Mỗi lần xuất tinh, tinh dịch chứa hàng triệu tinh trùng, nhưng để thụ tinh chỉ cần một tinh trùng mà thôi. Khi tinh trùng đã chui được vào bên trong trứng, thì trứng sẽ hình thành một lớp rào cản ngăn không cho tinh trùng khác xâm nhập nữa.
Trứng thụ tinh tiếp tục di chuyển về hướng tử cung và chui vào lớp niêm mạc để làm tổ. Thời gian kể từ khi trứng được thụ tinh cho đến khi làm tổ khoảng 7 ngày.
Lớp niêm mạc của tử cung sẽ tiếp tục dày lên để nuôi dưỡng trứng phát triển thành thai nhi. Như vậy trong thời gian mang thai sẽ không có kinh nguyệt và mất kinh được xem như là dấu hiệu cho biết đã có thai.
4.Sự phát triển của vú và hiện tượng kinh nguyệt ở tuổi dậy thì:
Phát triển của vú : bước vào tuổi 10 – 12 hai bên vú to dần lên và nhô cao khỏi thành ngực. Đến cuối giai đoạn dậy thì hai vú mới phát triển đầy đủ các tuyến sữa, túi sữa, và lớp mỡ tạo nên bộ ngực nở nang. Khi còn ở tuổi dậy thì, hệ thống sinh sữa chưa sản xuất sữa. Khi người phụ nữ mang thai, hệ thống này phát triển hoàn thiện để sản xuất sữa nuôi con.
Nếu có câu hỏi cần giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
1. Fanpage Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: m.me/benhvienphusanhanoi.vn
2. Zalo Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://zalo.me/274386685811835395
Nguồn: Cẩn nang tuổi trăng tròn - TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh
Thu Linh - Minh Thanh