Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động tránh khỏi ảnh hưởng của các yếu tố nguy hiểm có hại và tạo điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, công tác về an toàn, vệ sinh lao động được xem là một trong những chính sách kinh tế - xã hội lớn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đồng thời cũng là một nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với quan điểm nhất quán luôn coi việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động là trách nhiệm và lợi ích thiết thực nhất đối với người sử dụng lao động, người lao động và xã hội.
Theo danh mục nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì ngành y tế có tới 12 danh mục nghề loại VI, 19 danh mục nghề loại V và 17 danh mục nghề loại IV. Trong 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam thì bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế chiếm tỷ lệ cao như: Bệnh lao nghề nghiệp, viêm gan vi rút nghề nghiệp, bệnh HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và một số bệnh nhiễm độc khác.
Là một ngành đặc thù nên nhân viên ngành Y tế thường xuyên phải tiếp xúc với các loại dịch bệnh dễ lây, làm việc trong môi trường bức xạ, sử dụng các thiết bị áp lực như nồi hơi, nồi hấp ướt.... có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, nâng cao ý thức bảo đảm an toàn lao động cho các nhân viên y tế được các đơn vị trong ngành coi là việc làm thiết thực và cấp thiết.
Theo Ths Phan thị Nguyệt Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng An toàn Vệ sinh lao động Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: trong thực tế, nhân viên y tế, dù ở bất kỳ vị trí nào, từ buồng bệnh đến phòng tiêm, phòng mổ cũng như tại phòng xét nghiệm, phòng khám ... đều có thể bị lây nhiễm bệnh. Nhân viên làm ở các bộ phận trực tiếp cấp cứu, hồi sức cấp cứu có tỷ lệ bị tổn thương do vật sắc nhọn cao nhất, trong đó điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên là bị nhiều nhất, vì họ là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, thay băng, đỡ đẻ, phụ mổ, xử lý dụng cụ sau phẫu thuật, thủ thuật... Họ có thể bị phơi nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường máu, dịch cơ thể, qua không khí, tiêu hóa. Một số bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp thường mắc phải là HIV, viêm gan B, viêm gan C, lao, sốt xuất huyết, cúm, tả, lỵ...
Để đảm bảo an toàn lao động cho nhân viên y tế, hàng năm Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Các chế độ chính sách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được thực hiện đầy đủ; chú trọng đến công tác bảo hộ lao động cho nhân viên y tế; tăng cường tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế về an toàn trong chăm sóc toàn diện, về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Thực hiện đúng các quy định về sử dụng các phương tiện, thiết bị: Xquang, nồi hơi, bình áp xuất; xây dựng quy trình vận hành các phương tiện thiết bị về chẩn đoán và điều trị; thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về dự phòng và điều trị phơi nhiễm... đã góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội việc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về Vệ sinh an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu. Hội đồng An toàn vệ sinh lao động của Bệnh viện luôn tổ chức, triển khai, giám sát và có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho nguời lao động. Các chế độ chính sách về công tác an toàn vệ sinh lao động đã được triển khai thực hiện. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID-19 cho các nhân viên y tế tại các khoa khám, chữa bệnh như xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; rà soát nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch…
Thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chính là giảm thiểu những rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, tăng năng suất lao động và tăng chất lượng chăm sóc người bệnh
Thu Linh - Tổ Truyền thông