Sau 15 năm thực hiện, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền giúp người dân nắm chắc được chính sách pháp luật về BHYT, nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của BHYT, xác định đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi đảm bảo an sinh xã hội; từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển các nhóm đối tượng tham gia BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng qua từng năm.
Trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, Đảng bộ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, triển khai các nội dung của Chỉ thị trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm từ công tác thông tin tuyên truyền cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế:
- Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm Giám đốc bệnh viện, phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng Tài chính kế toán, phòng Công nghệ thông tin, phòng Vật tư kỹ thuật, khoa Dược, nhiệm vụ của ban chỉ đạo và các thành viên được phân công rõ ràng đảm bảo triển khai thực hiện đúng các nội dung về Luật BHYT.
- Xây dựng, ban hành và giám sát việc thực hiện đúng các phác đồ, quy trình kỹ thuật tại các khoa/phòng. Triển khai các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát việc thực hiện các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, chống lạm dụng thuốc, kỹ thuật, xét nghiệm. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao cho người bệnh nội trú, không để người bệnh phải mua bên ngoài.
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT với nhiều hình thức: thông tin trên website, fanpage của bệnh viện; chạy thông tin truyền thông trên các màn hình thông tin quảng cáo bệnh viện.... Cụ thể hóa các nội dung về quyền lợi, trách nhiệm của người bệnh có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh tại bệnh viện bằng các hình thức tư vấn trực tiếp, bảng hướng dẫn, họp hội đồng người bệnh...
- Tập huấn mã ICD và các điều kiện thanh toán khám chữa bệnh BHYT tới toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và kế toán thanh toán để thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.
- Sắp xếp, bố trí khoa khám bệnh hợp lý, bố trí bàn khám cho người bệnh có thẻ BHYT ở vị trí thuận lợi, đủ số bàn khám cho người bệnh có thẻ BHYT đến khám. Rút ngắn thời gian chờ đợi khám, xét nghiệm của người bệnh.
- Cập nhật các hướng dẫn về điều kiện thanh toán khám chữa bệnh BHYT từ chỉ định dịch vụ kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng để nhân viên y tế biết thực hiện đảm bảo chế độ BHYT cho người bệnh đồng thời thực hiện tư vấn người bệnh tự chi trả các dịch vụ ngoài phạm vi bảo hiểm nhưng theo yêu cầu chỉ định chẩn đoán điều trị của bác sĩ.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, gia tăng sự hài lòng của người bệnh và đạt hiệu quả cao trong quản trị bệnh viện. Tổ chức tiếp đón người bệnh khám chữa bệnh BHYT bằng VssID và CCCD gắn chíp thuận tiện.
- Phối hợp cùng BHXH Thành phố thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện đảm bảo quyền lợi cho người bệnh đúng quy định; khắc phục bất cập, lên kế hoạch giám sát thẩm định thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT tại các đơn vị.
- Kết quả số lượt khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội giai đoạn từ 2009 đến nay:
+ Năm 2009-2014: 298.147 (trong đó, nội trú: 161.962 lượt; ngoại trú: 136.185 lượt).
+ Năm 2015-2019: 355.675 (trong đó, nội trú: 200.374 lượt; ngoại trú: 155.301 lượt).
+ Năm 2020-2024: 483.293 (trong đó, nội trú: 298.806 lượt; ngoại trú: 184.487 lượt).
Với những thành tích đạt được, Đảng bộ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vinh dự là 1 trong 22 đơn vị trên địa bàn quận Ba Đình được khen thưởng đã có thành tích trong 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”.
Tổ Truyền thông