Lần đầu tiên ở Việt Nam, các bác sĩ có thể tiến hành can thiệp bào thai trong tử cung, xử trí những tổn thương cho thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đây là một kỹ thuật đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, giúp cho nhiều bà mẹ có thể yên tâm giữ lại đứa con của mình nếu con không may gặp những trục trặc từ trong bụng mẹ.
Phẫu thuật, chữa bệnh cho bào thai
PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội - cho biết: năm 2018, bệnh viện sẽ triển khai Y học bào thai, tức là có thể can thiệp bào thai trong tử cung của người mẹ. Đề tài Y học bào thai đã được duyệt cấp nhà nước và sẽ triển khai đầu tiên tại BV Phụ sản Hà Nội.
Theo đó, các bác sĩ có thể tiến hành can thiệp để xử trí toàn bộ hệ thống từ đầu tới chân của 1 bào thai. Y học bào thai nhằm “giải cứu” đứa bé ngay từ trong bụng mẹ vì nếu chờ đợi ra đời, bào thai sẽ chết.
Siêu âm, chẩn đoán hình ảnh phát hiện sớm dị tật thai nhi
Trao đổi về những kỹ thuật mới này, Giám đốc BV Phụ sản HN cho biết: “Nhiều bào thai bị ứ nước trong não, phổi, tim… nếu không được can thiệp dẫn lưu… sẽ làm teo não, teo phổi, chèn tim gây ra thiếu máu và bào thai sẽ tử vong ngay trong bụng mẹ. Hoặc trong những trường hợp bào thai sinh đôi lại bị truyền máu cho nhau, 1 bào thai thừa máu, phù thũng, suy tim, 1 bào thai bị mất máu. Nếu không can thiệp kịp thời, đốt lazer chặn đường truyền, thì khó cứu sống”.
Theo BS Ánh, kỹ thuật mới này được coi là kỹ thuật tiên tiến, can thiệp kịp thời các bệnh lý cho các bào thai có tuổi thai từ 22 - 26 tuần. Sau tuần 26, các bác sĩ sẽ theo dõi bào thai để xử trí những tổn thương cho thai nhi khi chào đời.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết: Kỹ thuật này còn rất mới, đã được thế giới nghiên cứu và áp dụng khoảng hơn chục năm trở lại đây với những nước đi đầu là Pháp, Anh. Hiện, BV đang chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực để can thiệp cho những bào thai đầu tiên trong năm 2018.
Sàng lọc, chẩn đoán sớm cứu nhiều đứa trẻ
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh mới chỉ đạt 40%. Hiện BV Phụ sản đang đi đầu trong cả nước về sàng lọc sơ sinh. Hiện nay, ngoài sàng lọc cho hàng nghìn các ca trẻ sơ sinh tại Hà Nội, BV làm sàng lọc cho người dân các tỉnh lân cận như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... BV Phụ Sản Hà Nội cũng đang tiếp nhận hàng nghìn các sản phụ đến xin tư vấn, chẩn đoán trước sinh.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, trong khi thế giới triển khai từ 30-50 sàng lọc sơ sinh thì hiện nay, Việt Nam mới chỉ triển khai rộng rãi sàng lọc 2 bệnh là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD.
Vì thế, ngành y tế đặt mục tiêu sẽ tăng tỉ lệ bà mẹ được sàng lọc trước sinh lên 50% và tỉ lệ sàng lọc sơ sinh sẽ tăng lên 80% vào năm 2020 để giúp các thai phụ biết được những nguy cơ bệnh tật có thể xảy đến với con mình, có những can thiệp kịp thời.
Hàng năm, trung bình có khoảng trên 20.000 thai phụ và khách hàng đến với trung tâm Chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh, BV Phụ Sản Hà Nội để nhận tư vấn và thực hiện các xét nghiệm Double Test, Triple Test, NIPs (sàng lọc không xâm lấn), PCR, các bệnh STDs, chẩn đoán di truyền nuôi cấy tế bào ối, Prenatal BOBs, QF-PCR, FISH, NST qua tế bào máu, nuôi cấy gai rau, mô thai, chẩn đoán hình ảnh qua máy siêu âm 2D, 4D, 5D….
Xét nghiệm NIPT - xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn để phát hiện những bất thường nhiễm sắc thể
Các bệnh lý tim bẩm sinh của thai nhi và trẻ sơ sinh cũng được kiểm soát gần như thường quy với hàng ngàn ca mỗi năm. Khoảng 80% số trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội được sàng lọc các bệnh lý về tim, thính lực, rối loạn chuyển hóa. Ngoài sàng lọc 5 bệnh cơ bản, BV đang sàng lọc hàng chục các bệnh hiếm, các rối loạn ở trẻ sơ sinh giống như các nước tiên tiến trên toàn thế giới.
“Có những kỹ thuật rất sâu như sàng lọc không xâm lấn vào em bé, chỉ lấy máu mẹ. Thông qua máu mẹ, có thể sàng lọc hàng chục bệnh hiếm cho các con. Kỹ thuật này nhiều BV sản nhi lớn khác cũng chưa thể làm được” - PGS.TS Ánh cho biết.
Với những kỹ thuật sàng lọc tiên tiến này, năm vừa qua, BV Phụ Sản Hà Nội được so sánh ngang Singapore, sau Nhật Bản về quy mô và tầm cỡ sàng lọc .
Tuy nhiên, theo PGS.TS Ánh, hiện nay vẫn có tỉ lệ khá nhiều các bà mẹ không sàng lọc chuyên sâu cho con, trong khi chi phí sàng lọc không quá đắt, nhưng lại có giá trị tuyệt vời có tính quyết định với sự phát triển bình thường hay không của 1 đứa trẻ.
PGS.TS Ánh dẫn chứng, nếu sàng lọc chuyên sâu xem vấn đề suy giáp bẩm sinh, rối loạn men chuyển hóa G6PD có thể phát hiện sớm những bệnh lý. Chi phí chữa trị ban đầu cho 1 trẻ bị suy giáp bẩm sinh rất thấp và chữa khỏi ngay trong tháng đầu đời, nhưng nếu bố mẹ bỏ qua cơ hội vàng can thiệp, đứa trẻ sẽ lớn nhưng bị đần độn, trí tuệ không phát triển. Hoặc nếu trẻ bị rối loạn men chuyển hóa, nếu không biết mà vẫn cho con ăn sữa mẹ, đứa trẻ có thể tử vong vì cơ thể không có men tiêu hóa sữa đó.
“Có thể sàng lọc hàng nghìn ca, mới phát hiện được một vài ca, nhưng đó là con số vô cùng đáng quý, có giá trị cứu chữa, mang lại cuộc sống bình thường của 1 con người. Sàng lọc phát hiện bệnh lý sớm, điều trị kịp thời sẽ tránh được rất nhiều nguy cơ” - PGS.TS Ánh chia sẻ.
( Nguồn: báo Lao động)
Tổ Truyền thông