Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Hồ sơ sức khỏe điện tử: quản lý, theo dõi thông tin sức khỏe toàn dân

Hồ sơ sức khỏe điện tử: quản lý, theo dõi thông tin sức khỏe toàn dân

Thực hiện Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 20/6/2024 của UBND thành phố về thông tin, tuyên truyền một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06/Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, viên chức, người lao động cơ quan, người dân đến khám, chữa bệnh kịp thời nắm bắt về lợi ích, quyền lợi về Hồ sơ sức khỏe điện tử bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Vận động người dân chủ động, tích cực thực hiện việc cung cấp và cập nhật thông tin vào Hồ sơ sức khỏe điện tử.

Hồ sơ sức khỏe cá nhân là mỗi người dân được cấp một mã định danh cá nhân (ID) trên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử để xem thông tin về sức khỏe của mình qua hệ thống. Các thông tin được bảo mật như tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe và các thông tin khác như: điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch...Giúp các cơ sở khám, chữa bệnh biết lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng.

Hồ sơ sức khỏe điện tử có những nội dung gì?

Nội dung trong Hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo Quyết định 831 ngày 11.3.2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Theo đó, bao gồm tin hành chính; tình trạng lúc sinh; yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân; tiền sử bệnh tật, dị ứng; khuyết tật; tiền sử phẫu thuật; tiền sử gia đình; sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; tiêm chủng; các thông tin về khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú khi người dân đến khám tại các cơ sở y tế; thông tin về sức khỏe phù hợp với tình hình mới như thông tin về tiêm vắc xin Covid-19.

Để thực hiện tốt việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân:

Đối với người dân: Cần đến cơ sở khám chữa bệnh để lập hồ sơ sức khỏe, hỗ trợ cán bộ y tế làm công tác điều tra lập hồ sơ.

Đối với cán bộ y tế: Thực hiện điều tra, khám, lập hồ sơ sức khỏe cho bản thân, gia đình mình; tổ chức khám sàng lọc, nhập dữ liệu vào phần mềm hồ sơ sức khỏe. Liên thông dữ liệu khám bệnh từ người dân khi đi khám bệnh tại bệnh viện và trạm y tế; tổ chức điều tra, phân loại đối tượng để khám và lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho toàn bộ người dân trên địa bàn.

Các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội: Gương mẫu tiên phong trong việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho bản thân và gia đình; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức viên chức, người dân thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân và tuyên truyền lợi ích của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân.

Lợi ích của lập Hồ sơ sức khỏe điện tử

Đối với người dân, Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp họ được biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời. Từ đó, giúp người dân có thể chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình.

Đối với thầy thuốc, có đầy đủ thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, từ đó giúp thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện, chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm bệnh để can thiệp điều trị phù hợp.

Đối với đơn vị quản lý, giúp cho ngành có được dữ liệu lớn về sức khỏe, giúp việc tổng hợp và phân tích dữ liệu thông tin chính xác xây dựng được mô hình bệnh tật theo nhóm tuổi, nghề nghiệp, theo địa bàn dân cư… Từ đó có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

Việc xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử là rất hữu ích. Vì vậy, người dân phối hợp với trạm y tế trên địa bàn cung cấp thông tin như: căn cước công dân, số điện thoại, mã thẻ bảo hiểm y tế…để được cập nhật đầy đủ, kịp thời lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử UBND Thành phố Hà Nội

Thu Linh - Tổ Truyền thông