Thở CPAP là phương pháp hỗ trợ hô hấp không xâm lấn ở bệnh nhân suy hô hấp còn nhịp tự thở bằng cách giúp duy trì áp lực dương liên tục suốt chu kỳ thở, các phế nang không bị xẹp cuối thì thở ra, từ đó giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Sử dụng CPAP tại phòng sinh đặc biệt hữu ích cho trẻ đẻ non.
CPAP tại phòng sinh được khuyến cáo ở châu Mỹ, châu Âu và hiện được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện. CPAP là phương pháp thở không xâm lấn, không đặt nội khí quản nên hiện đang là xu hướng trong công tác hồi sức sơ sinh trên toàn thế giới. Năm 2015 là năm đánh dấu Việt Nam sử dụng CPAP tại phòng sinh. Với mong muốn đem lại sự hỗ trợ tốt nhất cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non sinh non phải đối mặt với nguy cơ suy hô hấp do chưa phát triển đầy đủ, từ lâu khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã áp dụng phương pháp CPAP trong hồi sức sơ sinh và nay triển khai tập huấn thực hiện ngay tại phòng sinh.
So với phương pháp đặt nội khí quản thở máy, CPAP có ưu điểm:
- Là kỹ thuật không xâm lấn
- Biến chứng tối thiểu
- Thường không có thuốc an thần
- Dễ dàng sử dụng thuận tiện, chi phí thấp
- Giảm tỉ lệ bệnh tật và tử vong
Trước khi thực hiện CPAP, nhân viên y tế cần rửa tay thường quy, chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị và đánh giá tình trạng trẻ sau sinh. Chỉ định CPAP trong các trường hợp:
- Trẻ đẻ non dưới 37 tuần
- Đặc biệt dưới 32 tuần suy hô hấp vẫn còn nhịp tự thở, nhịp tim trên 100 lần/ phút
Các điểm quan trọng của duy trì CPAP tại phòng sinh:
- Trẻ phải có nhịp tự thở và nhịp tim > 100 lần/phút
- Hữu ích trong trường hợp độ bão hòa oxy qua da thấp
- Làm giảm công thở
- Theo dõi độ bão hòa oxy qua da, nhịp tim để điều chỉnh nồng độ oxy
- Đặt sonde dạ dày khi thở CPAP liên tục kéo dài hơn vài phút
Thông qua tập huấn sử dụng CPAP tại phòng sinh, các cán bộ và nhân viên y tế của Bệnh viện đã nắm rõ kiến thức về phương pháp ưu việt này đồng thời được hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng máy Beluga - thiết bị hỗ trợ thở CPAP đối với trẻ sinh non.
Hà Trang - Tổ Truyền thông