Từ khi thành lập quận (31/05/1961) đến nay, qua 55 năm hình thành và phát triển, Ba Đình đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000 và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2006, đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập, quận Ba Đình đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ba Đình vốn là một miền gồm hầu hết những phường, thôn của huyện Vĩnh Thuận cũ, trong đó có 12 thôn của tổng Yên Thành, 3 trong 7 phường của tổng Thượng, 9 trại của tổng Nội, 6 phường của tổng Trung, 1 trong 7 phường của tổng Hạ. Ở phía Tây Nam là khu vực Thành Thăng Long - Hà Nội. Khu thành này nằm ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc Phủ Thụng Thiên.
Khung cảnh thiên nhiên của Ba Đình là cả một vùng non nuớc, sông hồ. Phía Bắc có hồ Trúc Bạch, hồ Cổ Ngư là dấu vết của dòng sông Hồng, thông ra hồ Trúc Bạch chạy đến phố Hàng Than (nay đã lấp). Các hồ khác: hồ Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công, Bách Thảo, Ngọc Hà… đã tô điểm cho quận Ba Đình những cảnh sông nước lung linh, huyền ảo, làm tăng vẻ đẹp cho cảnh sắc thiên nhiên và tạo những nguồn lợi cho địa phương.
Nhân dân Ba Đình tự hào về những truyền thống vẻ vang lâu đời của một địa danh lịch sử, gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc. Nhiều minh chứng đã phản ánh sự đóng góp của các cư dân trên mảnh đất này tham gia xây dựng nền văn minh sông Hồng. Từ những di chỉ khảo cổ được phát hiện, cho đến hàng loạt các di tích lịch sử văn hóa của các thời kì lịch sử đã khẳng định trong cái nôi của nền văn minh sông Hồng, những cư dân nơi đây đã góp phần xây dựng một Thăng Long ngàn năm văn hiến, một mảnh đất Ba Đình lịch sử - văn hóa.
Theo những tài liệu còn lưu giữ, trên địa bàn quận Ba Đình đã từng tồn tại 107 di tích, bao gồm nhiều loại hình khác nhau như: đình, đền, chùa, miếu, kiến trúc thành lũy và các di tích cách mạng kháng chiến. Tuy nhiên, do thiên tai, địch họa đã có nhiều di tích bị biến dạng, không còn hoạt động thờ cúng và có những di tích không còn dấu vết. Thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay quận Ba Đình còn 74 di tích gồm 51 di tích lịch sử văn hóa và 23 di tích cách mạng kháng chiến. Trong đó, 33 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, 17 di tích cách mạng kháng chiến được công nhận và gắn biển.
Lịch sử nghìn năm qua để lại cho Ba Đình những di tích lịch sử văn hóa đã trở thành tiêu biểu của Thủ Đô. Đó là chùa Một Cột, ngôi chùa độc đáo và nổi tiếng này tọa lạc trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức trước đây, nay thuộc phường Đội Cấn, quận Ba Đình. Nằm trong quần thể di tích chùa Diên Hựu, chùa Một Cột được xây dựng năm 1049, đời vua Lý Thái Tông. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi rằng: "Vua Lý Thái Tông chiêm bao mơ thấy Phật Quan Âm dắt Vua lên tòa sen. Khi tỉnh dậy, Vua đem việc ấy hỏi các quan. Có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ làm tòa sen bên trên giống như đã thấy trong mộng, rồi cho các sư chạy đàn tụng kinh. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu". Trải qua lịch sử lâu dài, cũng như Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội hay Tháp Rùa Hồ Gươm, chùa Một Cột bấy lâu nay vẫn là một trong những biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bên cạnh hồ Tây có đền Quán Thánh, là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng - một trong " Tứ Trấn" của Kinh thành Thăng Long xưa. Đền vốn được xây dựng từ khi Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, ban đầu nằm trong khu vực Hoàng Thành, đến đời vua Lê Thánh Tông thì rời đến vị trí hiện nay. Trong đền có pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng cao 3,72m, nặng gần 4 tấn do các nghệ nhân làng Ngũ Xã đúc vào năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Tự thứ 2 (1677) đời Lê Huy Tông. Tượng Trấn Vũ là một công trình độc đáo đánh dấu kỹ thuật đúc đồng đạt trình độ nghệ thuật cao. Ngoài ra, đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: khánh, đèn được đúc bằng đồng, hơn 180 hoành phi câu đối…Với cảnh quan thiên nhiên, hình thức kiến trúc độc đáo và nội dung thờ tự đã hòa quyện vào nhau, tôn đẩy lẫn nhau làm nên giá trị của di tích.
Một di tích lịch sử văn hóa nằm trên đường Điện Biên Phủ, là biểu tượng của niềm tự hào in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam, đó là Cột cờ Hà Nội. Đây là một di tích thời Nguyễn được xây dựng từ năm 1805 trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ (hay Kỳ Đài) là kết tinh của thành quả lao động sáng tạo của nhân dân, đánh dấu sự phát triển của lịch sử ngành kiến trúc và xây dựng Việt Nam. Là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị , kinh tế văn hoá của cả nước. Vào những ngày lễ tết, người người ở mọi vùng miền của tổ quốc khi đến với Thủ đô lại được chiêm ngưỡng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Hà Nội.
Ba Đình là một quận vinh dự có những di tích, công trình liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tạo thành quần thể khu di tích Ba Đình, với Lăng Bác - nơi an nghỉ vĩnh hằng của Bác, Nhà sàn Bác Hồ - nơi Người đã từng sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội, Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Bác đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Bảo tàng Hồ Chí Minh - một công trình văn hoá lớn được xây dựng nhằm biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn Người của nhân dân Việt Nam.
Trải qua bao năm tháng, người dân Ba Đình cần mẫn, tài hoa, tạo dựng một vùng nông nghiệp trù phú, với các nghề thủ công cổ truyền. Nghề đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa và phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ XVIII, trên đất thôn Ngũ Xã trước kia, nay thuộc phường Trúc Bạch. Làng Ngọc Hà nổi tiếng với nghề trồng hoa, đã đi vào thơ ca và tâm trí người dân Hà Thành. Tuy nhiên, vào những thập niên 90 của thế kỷ trước làng Ngọc Hà đô thị hoá nhanh chóng, diện tích trồng hoa bị thu hẹp lại và đến nay hầu như không còn. Đại Yên là làng cổ trong Thập Tam Trại, có nghề thuốc nam được hình thành từ thời nhà Lý, nay thuộc địa bàn phường Ngọc Hà. Ngày nay, mặc dù có các phương pháp chữa bệnh hiện đại, song phương pháp chữa bệnh bằng dược liệu truyền thống như thuốc nam vẫn được coi trọng và phát triển. Nghề làm bánh cốm, một nghề mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX tại làng Yên Ninh nay thuộc địa bàn phường Nguyễn Trung Trực. Từ đó đến nay, bánh cốm hàng Than đã trở thành một đặc sản và niềm tự hào của người dân quận Ba Đình nói riêng và người dân Hà Nội nói chung.
Di sản văn hoá được tạo dựng, gìn giữ trong nhiều thế hệ, với nhiều loại hình khác nhau và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của từng quốc gia. Đặc biệt với Việt Nam, đất nước bị đô hộ nhiều thế kỷ nhưng văn hoá Việt vẫn có sức sống mãnh liệt và trường tồn. Trong những năm qua, các di sản văn hoá của quận Ba Đình đã được quản lý, bảo tổn và phát huy giá trị một cách có hiệu quả, công tác xếp hạng, tu bổ tôn tạo được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quan tâm chú trọng. Trong công cuộc đổi mới toàn diện của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, quận Ba Đình xác định nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di sản văn hoá có vai trò to lớn và quan trọng, là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng./.