Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Vì một môi trường không khói thuốc

Vì một môi trường không khói thuốc

Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Năm 2016, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá cao hơn số người tử vong do HIV/AIDS (38.000 người) và tai nạn giao thông (13.000 người). Thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm ở người. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với những người không hút thuốc. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá (còn gọi là hút thuốc thụ động) cũng đã được khoa học chứng minh là gây ra các bệnh chết người. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng không có một mức độ tiếp xúc với khói thuốc nào là an toàn đối với người hút thuốc lá thụ động.

Năm 2022, CDC Hà Nội đã tiến hành điều tra “Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại thành phố Hà Nội năm 2022”. Điều tra đã chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người dân từ 15 tuổi trở lên là 19,1%; trong đó nam giới hút thuốc là 38%; nữ giới là 0,2%. Kết quả này thấp hơn điều tra tương tự được thực hiện năm 2019 (tỷ lệ hút thuốc lá chung là 16,4%; nam giới là 32,1%; nữ giới là 0,8%). Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu hiện đang hút thuốc hàng ngày là 13,9%; thỉnh thoảng là 5,1%. Trung bình các đối tượng hút 1,5 điếu/ngày. Tuổi trung bình bắt đầu hút thuốc của đối tượng là 24,2 tuổi.

Điều tra cũng cho thấy có 45,9% đối tượng nghiên cứu đã từng nghe về thuốc lá điện tử, trong đó có 3,5% đối tượng đã từng sử dụng và 0,6% đối tượng đang sử dụng thuốc lá điện tử. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã cao hơn so với giai đoạn trước đó (tăng từ 2,3% lên 3,5%). Có thể thấy thuốc lá điện tử đã dần không còn mới lạ đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Điều này làm gia tăng tỷ lệ người biết về thuốc lá và có khuynh hướng tăng sử dụng các loại thuốc lá này. Đây là các sản phẩm mới trên thị trường mà Việt Nam chúng ta chưa có những chính sách quản lý cụ thể về việc sử dụng, buôn bán, nhập khẩu,... đồng thời Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) cũng chưa đề cập cụ thể về việc cấm các loại thuốc lá này.

Kết quả điều tra cũng chỉ rõ, có 44,2% đối tượng có phơi nhiễm với khói thuốc trong nhà; 27,6% đối tượng có phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi làm việc. Tỷ lệ đối tượng phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà hàng là cao nhất (73,2%), sau đó đến khách sạn (41,7%); quán bar/cafe (41,2%); thấp nhất là trường học (16,4%). Phơi nhiễm khói thuốc tại cơ sở y tế vẫn ở mức khá cao là 16,9%. Luật PCTHTL được ban hành là hành lang pháp lý cho việc thực thi các quy định hiệu quả. Gần 10 năm từ khi Luật có hiệu lực, đã có những chuyển biến tích cực trong công tác PCTHTL.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là một trong những đơn vị đã có những nỗ lực trong công tác thực hiện nghiêm các quy định của Luật. Bệnh viện thành lập Ban chỉ đạo về PCTHTL và có kế hoạch hoạt động, triển khai hướng dẫn chỉ đạo thực hiện Luật PCTHTL đến từng khoa phòng chức năng. Bệnh viện xây dựng mô hình “nơi làm việc không có khói thuốc lá” đảm bảo môi trường làm việc trong lành. Ban chỉ đạo PCTHTL cũng đã phổ biến về Luật PCTHTL và thực hiện các quy định của Luật như có biển cấm hút thuốc lá, đưa việc cấm hút thuốc lá vào nội quy cơ quan. Việc thanh, kiểm tra thường xuyên của Ban chỉ đạo cũng giúp cho môi trường làm việc không khói thuốc đạt hiệu quả cao.

Trong thời gian tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức truyền thông, phổ biến rộng rãi về tác hại thuốc lá đặc biệt là các loại thuốc lá thế hệ mới, quan tâm xây dựng các chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Hy vọng công tác PCTHTL tiếp tục được thực thi nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng và giảm tối đa hậu quả gây ra từ các sản phẩm thuốc lá.

“Hãy nói không với thuốc lá” để đảm bảo môi trường không khói thuốc.

Tổ Truyền thông