Theo Ths Đỗ Thị Thuỷ - diều dưỡng trưởng khối, Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: Cho bé bú mẹ là một kỹ năng cần tập luyện. Phải mất một khoảng thời gian để mẹ và bé tìm ra được tư thế bú phù hợp nhất với cả hai mẹ con. Vì thế mẹ cần tập tất cả các tư thế và kỹ thuật bú để việc nuôi con bằng sữa mẹ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả cao.
Quá trình cho bé bú, mẹ cần lưu ý 3 điểm sau:
1. Ngậm bắt vú đúng
Ngậm bắt vú là hành động bé tự cảm nhận bầu vú mẹ và há miệng ra ngậm lấy đầu vú để bú. Nhiều người cho rằng đây là một điều tự nhiên, nhưng trên thực tế để ngậm bắt vú cho đúng là một kỹ năng mà mẹ và bé cần phải tập luyện cùng nhau.
Khi bé ngậm bắt vú đúng, một lúc sau đó mẹ sẽ cảm nhận được ngay phản xạ xuống sữa, vì lúc này tuyến yên, tuyến nội tiết sẽ tạo ra 2 loại hormone đó là prolacin và oxytocin giúp kích thích các nang sữa thắt liên tục, sữa sẽ được phóng ra một cách tự nhiên và liên tục. Nên bé sẽ bú một cách rất tập trung
Không khó trong việc nhận biết con đang ngậm vú và bú đúng hay không.
- Khi trẻ bú đúng mẹ sẽ thấy trẻ nút vú và nuốt sữa 1 cách chậm rãi
- Miệng trẻ mở rộng, trẻ ngậm vú sâu, 2 má căng tròn
- Có khi nghe rõ được tiếng nuốt sữa “ực ực” của trẻ.
- Trẻ tự nhả vú ra sau khi bú xong, nhìn có vẻ hài lòng và trẻ buồn ngủ là trẻ đã bú đủ sữa. Nếu mẹ kéo trẻ ra khỏi vú trước khi trẻ ngừng bú thì trẻ không được bú sữa cuối (dòng sữa có nhiều chất béo cung cấp nhiều năng lượng).
Ngoài ra mẹ có thể tự cảm nhận trên cơ thể mình:
- Mẹ không hề cảm thấy đau khi bé đang bú
- Bầu ngực mềm hẳn sau khi bé bú xong
- Núm vú trở về hình dạng bình thường (tròn, đều) hoặc hơi dài ngay sau khi bé nhả vú ra
Ngậm bắt vú sai:
Trẻ chỉ ngậm núm vú, không ngậm cả quầng vú
- Miệng trẻ không mở rộng, môi dưới của trẻ không hướng ra ngoài
- Cằm không chạm vú mẹ
- Trẻ bú nhanh và ngậm nông, có thể nghe thấy tiếng trẻ chép môi của trẻ
Người mẹ cảm thấy:
- Đau đầu vú khi cho con bú, hay nứt núm vú
- Vú mẹ vẫn còn nhiều sữa (vú không mềm) sau khi con bú xong. Điều này làm tăng nguy cơ tắc tia sữa.
- Núm vú mẹ bị dẹp hoặc bị nhọn sau khi bé nhả vú ra.
2. Tư thế bú đúng
Bốn điểm then chốt để bế trẻ khi cho trẻ bú (đặt trẻ vào vú mẹ):
- Đầu và thân trẻ nằm trên 1 đường thẳng;
- Toàn thân trẻ sát vào người mẹ, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ;
- Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú;
- Đối với trẻ sơ sinh, bà mẹ không những đỡ đầu, vai mà còn phải đỡ phần mông trẻ.
Có nhiều tư thế ôm bé bú mẹ có thể thử, dưới đây là 3 tư thế phổ biến nhất:
3. Tư thế bế bé với cánh tay thuận (tư thế ôm nôi):
Đây có thể là tư thế bú mẹ phổ biến nhất và rất phù hợp cho những lần đầu mẹ và bé bắt đầu tập bú. Tuy nhiên, đối với các mẹ sanh mổ có thể sẽ không thoải mái lắm vì em bé nằm ngang bụng mẹ gần với vết mổ.
- Đối với tư thế này, mẹ ngồi tư thếthẳng lưng trên ghế có tựa lưng, hoặc ngồi trên giường tựa vào tường. Cần lót thêm đệm hoặc gối để mẹ được thoải mái nhất.
- Cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía với bầu ngực đó để đỡ bé (Ví dụ: bú bầu ngực bên phải thì dùng tay phải để ôm và nâng đỡ người bé)
- Khuỷu tay nâng đỡ đầu, cẳng tay ôm dọc thân người trẻ.
- Thân người bé hướng vào người mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ.
-
Tư thế nằm nghiêng:
Đây là một tư thế phù hợp với các mẹ sanh mổ hoặc các mẹ sanh khó hay trong trường hợp cho bé bú vào ban đêm.
- Mẹ nằm nghiêng 1 bên và đặt bé ngay bên cạnh.
- Em bé nằm nghiêng hướng về mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ, sao cho tai – vai – hông bé phải nằm thẳng hàng.
- Mẹ có thể dùng gối để tựa đầu, tựa lưng và kẹp giữa 2 gối sao cho thoải mái nhất. Lưu ý gối tựa đầu của mẹ phải đảm bảo không được quá gần đầu hay mặt bé. Mẹ dùng 1 tay để chặn gối lại để gối ko chạm vào bé.
- Tay còn lại mẹ dùng hỗ trợ bé nằm đúng tư thế và nâng đỡ bầu vú để bé dễ dàng ngậm bắt vú.
- Cuộn khăn hoặc mền lót phía lưng bé để hỗ trợ bé nằm nghiêng bú được dễ dàng. Lưu ý cần lấy khăn/mền ra khỏi khi bé đã bú xong.
Lưu ý: giai đoạn 1-2 ngày đầu bé có thể hay nhả nhớt trong miệng, bị ọc hoặc bị sặc nên khi nằm cho bú mẹ có thể nâng đầu giường lên cao hơn một chút hoặc lót cho bé nằm tư thế đầu cao hơn thân người. Người thân đi chăm sản phụ cần canh chừng 2 mẹ con lúc này vì mẹ còn mệt nên trong quá trình nằm cho bú có thể sẽ ngủ thiếp đi và đè con.
- Tư thế nằm nửa ngồi:
Đây còn gọi là tư thế thư giãn hay tư thế bú sinh học. Với tư thế này mẹ có thể ngả người thoải mái trên ghế sô pha hoặc trên giường.
- Mẹ nằm trên gối cao hoặc ghế có tựa lưng ra sau, với tư thế nửa nằm - nửa ngồi.
- Đặt bé đối diện trên người mẹ, đầu bé nằm giữa 2 bầu vú mẹ.
- Theo bản năng bé sẽ tự tìm đến vú mẹ, trong quá trình đó mẹ có thể hỗ trợ phần đầu và vai để bé tìm ngậm bắt vú nhưng không ép bé vào tư thế sẽ khiến bé không thoải mái hợp tác.
-
III. Vỗ ợ hơi sau khi bú:
Vỗ ợ hơi sau khi bú là một phần quan trọng trong quá trình bé bú mẹ. Khi bé nuốt sữa bé có thể đã nuốt hơi vào bao tử nên có thể khiến bé cảm thấy không thoải mái sau khi bú. Một số bé có thể tự ợ hơi ra dễ dàng, một số thì cần có người lớn giúp vỗ ợ hơi.
Những dấu hiệu cho thấy bé bị đầy hơi: bé quấy khóc, cong lưng, thu chân vào bụng hay nắm chặt tay.
-
Khi nào chúng ta cần vỗ ợ hơi cho bé?
Thực ra cũng không có một quy luật chắc chắn về thời gian chúng ta cần vỗ ợ hơi cho bé. Một số em bé cần được ợ hơi trong quá trình bú mẹ, số khác thì cần vỗ ợ sau khi bú xong. Vì vậy, chúng ta cần nhận thấy các dấu hiệu trông như trẻ đang không thoải mái trong khi đang bú và cần được nghỉ để vỗ ợ. Còn nếu bé bú một cách bình thường thì mẹ đợi đến khi bé bú xong sẽ giúp bé ợ hơi.
Các tư thế vỗ ợ hơi cho bé
Cần nâng đỡ đầu và cổ của bé và đảm bảo bụng và lưng bé thẳng (không được cong). Mẹ có thể xoa hoặc vỗ lưng bé một cách nhẹ nhàng. Không cần phải tốn nhiều thời gian để vỗ ợ hơi cho bé, chỉ cần vài phút là đủ.
Lưu ý khi vỗ ợ hơi cho bé thì bé có thể sẽ ọc ra 1 ít sữa hoặc nhả nhớt, mẹ không cần lo lắng và nên lót sẵn 1 miếng khăn sữa ngay miệng bé.
Sau đây là vài tư thế ôm vỗ ợ hơi cho bé, mẹ nên thử tất cả các tư thế sau để có thể tìm ra được tư thế nào mà bé cảm thấy thoải mái nhất.
- Bế bé trên vai:
- Ôm bé thẳng đứng, cằm của bé đặt thoải mái lên vai mẹ.
- Một tay mẹ nâng đỡ phần đầu và cổ của bé. Sau đó mẹ nhẹ nhàng xoa và vỗ nhẹ vào lưng bé.
Mẹo: Khi vỗ lưng mẹ chụm bàn tay lại và vỗ sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Khi thực hiện mẹ cũng có thể ôm con đi đi lại lại trong phòng.
- Đặt bé ngồi trên đùi:
- Đặt bé ngồi trên đùi.
- Mẹ dùng 1 bàn tay để nâng đỡ phần cằm và ngực bé (nhìn kỹ thuật nâng đỡ bằng bàn tay ở hình trên)
- Tay còn lại xoa hoặc vỗ lưng bé nhẹ nhàng.
- Đặt bé nằm sấp ngang trên đùi:
- Đặt bé nằm sấp ngang qua đùi mẹ.
- Nâng đỡ phần cằm của bé (lưu ý không đặt bất kỳ 1 lực nào vào phần cổ của bé).
- Tay còn lại xoa hoặc vỗ lưng nhẹ nhàng.
Phải làm sao nếu bé không ợ hơi?
Trên thực tế không phải tất cả trẻ sau khi bú và cho vỗ ợ hơi thì đều ợ hơi ra ngoài. Hầu hết là trẻ sẽ ợ và mẹ có thể nghe rõ tiếng ợ của bé. Nếu mẹ không thấy bé ợ có thể là bé ợ nhỏ, hoặc không ợ nhưng nếu bé trông thoải mái, dễ chịu thì mẹ không cần lo lắng.
Nếu sau khi đã thực hiện các bước vỗ ợ hơi như trên mà bé vẫn còn các dấu hiệu bị đầy hơi như: quấy khóc, cong lưng, thu chân vào bụng hay nắm chặt tay. Lúc này mẹ đặt bé nằm ngửa và nhẹ nhàng mát xa bụng cho bé và nắm 2 chân bé làm động tác đưa vào bụng và đẩy ra (giống như động tác đạp xe đạp). Nếu sau khi đã thực hiện tất cả mà tình trạng đầy hơi của bé không được cải thiện thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn.
Mọi thông tin hỗ trợ xin liên hệ
Huấn luyện trước sinh - tầng 2 nhà B
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
Tổng đài đặt khám: 1900 6922
Đặt lịch qua website: http://datkham.benhvienphusanhanoi.vn/
Ứng dụng Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3ahl0KL
Kênh Youtube Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://bit.ly/3evh4t3
Kênh Tiktok: https://vt.tiktok.com/rvXtAe/
Cơ sở 1: Số 929 Đường La Thành, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Cơ sở 2: Số 38 Cảm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 3: Số 10 Quang Trung,
Thu Linh - Tổ Truyền thông