Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Những loại ho thường gặp ở trẻ (phần 2)

Những loại ho thường gặp ở trẻ (phần 2)

Những loại ho thường gặp ở trẻ

2. Viêm thanh quản co thắt

Viêm thanh quản co thắt là tình trạng viêm co thắt vùng hạ họng thanh quản.

- Triệu chứng: Bệnh nhân thường có cơn khó thở, ngạt thở kèm những cơn co thắt các cơ vùng cổ, hõm ức, cơ liên sườn. Có hiện tượng khó thở tái diễn thành từng cơn. Tuy nhiên toàn thân ít có triệu chứng. Thường bệnh nhân không sốt.

- Cách xử trí: Tùy từng mức độ mà có biện pháp xử trí thích hợp:

  • Cho trẻ nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, đặc biệt là những cơn khóc kéo dài làm tăng nguy cơ co thắt thanh quản.
  • Dùng thuốc chống trào ngược trong trường hợp bệnh nhân có trào ngược dạ dày gây co thắt thanh quản.
  • Sử dụng máy áp lực dương liên tục để đưa không khí trực tiếp vào đường thở.
  • Trong trường hợp nặng có thể phải đặt ống nội khí quản.

 

3. Viêm thanh thiệt

Viêm thanh thiệt là tình trạng viêm cấp tính vùng nắp thanh môn (thanh thiệt) và thượng thanh môn có thể dẫn đến tắc nghẽn khí quản, ngạt thở, gây nguy hiểm đến tính mạnh bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây được xem là tình trạng cấp cứu trong tai mũi họng.

- Triệu chứng: Khi bị viêm thanh thiệt, trẻ thường có biểu hiện: khó thở, nuốt đau, nuốt vướng, xuất tiết nhiều nước bọt, khó thở tăng khi nằm ngửa.

- Cách xử trí: Các tình trạng trên thường phải xử lý tại các cơ sở y tế bằng cách:

  • Khí dung các thuốc giảm phù nề giãn khí phế quản.
  • Nếu không đỡ thì phải sử dụng liệu pháp corticoid đường tiêm tĩnh mạch.

Vì vậy, nếu trẻ có biểu hiện viêm thanh nhiệt, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

 

4. Viêm thanh quản bạch hầu

Viêm thanh quản bạch hầu là một trong những bệnh lý nặng nề nhất trong các bệnh viêm thanh quản ở trẻ. Bệnh diễn biến nhanh, có thể gây các biến chứng hết sức nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, thần kinh và thận. Đặc biệt có nguy cơ gây tắc nghẽn đường hô hấp dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

- Triệu chứng: Trẻ bị viêm thanh quản bạch hầu thường: sốt nhẹ, đau họng, khó nuốt. Soi họng thấy có ít giả mạc dai khó gỡ. Xét nghiệm có vi khuẩn bạch hầu.

  • Giai đoạn đầu của viêm thanh quản bạch hầu: trẻ ho nhẹ, khàn tiếng, khó thở nhẹ khi gắng sức.
  • Giai đoạn 2: trẻ khó thở tăng, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở tăng.
  • Giai đoạn 3: trẻ khó thở nặng nề, kèm các triệu chứng của nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, trụy tim mạch. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

- Cách xử trí: Cần điều trị ngay lập tức và tích cực.

  • Sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu được tiêm bắp hoặc tiêm theo đường tĩnh mạch nhằm trung hòa độc tố bạch hầu lưu hành trong cơ thể. Trong trường hợp dị ứng với thuốc giải độc tố cần giải mẫn cảm bằng những liều nhỏ tăng dần.
  • Kháng sinh được dùng trong bệnh bạch hầu.
  • Cần điều trị trong phòng cách ly do bạch hầu có khả năng lây cho những người chưa tiêm vaccine phòng bạch hầu.
  • Trong trường hợp giả mạc bạch hầu bít tắc thanh quản cần tiến hành bóc tách giả mạc giúp giải phóng đường thở.

 

Hoàng Đức (Theo suckhoedoisong.vn)