Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Những loại ho thường gặp ở trẻ (phần 6)

Những loại ho thường gặp ở trẻ (phần 6)

Hen suyễn

4. Các thuốc cắt cơn hen suyễn

Khi lên cơn hen suyễn, cần phải dùng thuốc cấp cứu, trong đó thuốc cắt cơn là rất quan trọng. Thuốc có tác dụng làm giãn đường thở bị phù nề, giúp giảm triệu chứng nhanh chóng, ngắn hạn trong cơn hen suyễn cấp.

Các thuốc cắt cơn bao gồm:

- Thuốc chủ vận beta tác dụng nhanh: Bao gồm salbutamol, levalbuterol dạng hít giúp giãn phế quản có thể nhanh chóng làm giảm các triệu chứng trong cơn hen trong vòng vài phút và tác dụng kéo dài vài giờ.

- Corticosteroid đường uống và tiêm tĩnh mạch: Bao gồm prednisone, methylprednisolone giúp giảm viêm đường thở do cơn hen suyễn nặng. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài, vì vậy chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng hen suyễn nặng trong thời gian ngắn.

Trường hợp thuốc cắt cơn không có tác dụng, trẻ vẫn khó thở, nói năng khó nhọc, phải ngồi để thở, rút lõm vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, môi và đầu ngón tay bị tím tái… Đây là tình trạng nguy kịch, phải nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Hen là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt bằng việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt - học tập - vui chơi bình thường.

Thuốc phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là những thuốc kháng viêm dùng dưới dạng hít, cũng rất an toàn và không gây nghiện. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường thở.

Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn.

Ngoài ra, cần hạn chế các yếu tố kích thích có thể làm khởi phát cơn hen như: Không để vật nuôi trong nhà, tránh dùng các loại thuốc xịt như xịt muỗi, nước hoa, xịt phòng, không hút thuốc lá nơi gần trẻ. Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng.

Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho trẻ lại gần vật nuôi.

Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, đồ chiên nướng,...

Trẻ em bị bệnh nhẹ có thể dùng thuốc giãn phế quản dạng hít khi lên cơn trong khi trẻ bị hen suyễn từ trung bình đến nặng cũng cần dùng thuốc phòng ngừa hàng ngày. Hãy liên hệ và đến ngay bệnh viện chuyên khoa nếu con bạn khó thở nghiêm trọng hoặc không thể nói, ăn hoặc uống.

Hoàng Đức (Theo suckhoedoisong.vn)